Thư ngỏ có đoạn: “Nhằm xây dựng một môi trường giáo dục hạnh phúc, tập trung vào giá trị tinh thần, luôn truyền cảm hứng cho học sinh sáng tạo, học tâp và nhận được sự tin tưởng của Quý phụ huynh. Nhà trường trân trọng thông báo về chủ trương không nhận quà tặng, phong bì của Quý phụ huynh và các em học sinh trong các dịp lễ, Tết”. Thông điệp ngắn gọn, rõ ràng về quan điểm, chủ trương của nhà trường đối với vấn đề quà tặng hiện nay. Bức thư ngỏ đầy nhân văn khi hoạt động tặng quà tri ân thầy cô ít nhiều đã có những lùm xùm trong dư luận. Đâu đó, việc tặng quà giáo viên cũng có nhiều mục đích, không đơn thuần là sự tri ân công lao dạy dỗ, chăm sóc.
Mới đây, mạng xã hội và dư luận xôn xao về việc phụ huynh của học sinh khối 9 một trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội kêu gọi “góp” gần 200 triệu tổ chức lễ chia tay và tri ân thầy cô trong dịp cuối cấp. Việc “góp” tiền này được ban đại diện hội phụ huynh các lớp khối 9 thống nhất, với phương án mỗi học sinh đóng góp hơn 1.000.000 đồng cho hoạt động tri ân và chia tay nhà trường. Với việc đóng góp cho các hoạt động như trên, nhiều phụ huynh cho rằng là không phù hợp, bởi số tiền trên không phải là nhỏ với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh đó việc chi gần 200 triệu đồng cho một sự kiện là quá lãng phí.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây xuất hiện thực trạng một số trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức lễ tri ân các thầy cô giáo một cách phô trương, hình thức, gây tốn kém, với chi phí hàng triệu đồng mỗi em. Vào ngày lễ, Tết, có không ít phụ huynh tặng quà theo phong trào “mọi người đi như nào mình đi thế” hoặc “con mình không có quà sợ bị thầy cô để ý”. Số khác tặng quà vì mong muốn con mình được cô quan tâm, sát sao, thậm chí vài phần ưu ái hơn. Cũng có một số lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trích quỹ lớp để làm quà tặng thầy cô. Nhưng đáng chú ý là không phải thầy cô nào cũng được tặng quà mà thường chỉ là thầy cô dạy môn chính, môn quan trọng…
Rõ ràng, hoạt động tri ân ngay từ ban đầu đã có những tính toán riêng. Và món quà không xuất phát từ tâm thì rất dễ sinh ra những câu chuyện không hay, thậm chí không ít thầy cô cảm thấy bị tổn thương khi nhận những phần quà miễn cưỡng ấy.
Nhìn hoạt động tri ân ngày nay lại nhớ ngày 20-11 xưa. Chắc hẳn thế hệ 7X, 8X trở về trước hầu hết đều chưa quên cảm xúc ấm áp khi tặng quà thầy cô. Gần đến ngày 20-11, cả lớp ai cũng háo hức chờ đợi rồi cùng nhau thảo luận chọn quà tặng thầy cô sao cho ý nghĩa nhất như một bộ cốc, bộ ấm chén, lọ hoa xinh xinh hay tấm vải may áo dài…, tuyệt nhiên không có phong bì. Các món quà tặng thầy cô kèm tấm thiệp chúc mừng với những lời lẽ được chau chuốt kỹ càng, nét chữ nắn nót chứa đựng bao tình cảm của học trò. Nhưng ý nghĩa nhất là khi cả lớp hẹn nhau cùng ùa đến nhà thăm, tặng quà thầy cô. Gương mặt ai cũng rạng rỡ không một chút gánh nặng tâm lý về quà tặng hay những tính toán riêng. Thầy cô chờ đón học sinh cũng tất bật chuẩn bị rổ khoai, sắn nóng hổi hay quả mơ, mận… vừa hái trong vườn tươi rói. Lũ học trò đến vô tư, hồn nhiên chén sạch bay… trong tiếng cười đùa rôm rả. Tình thầy trò gắn kết tự nhiên bởi những cuộc gặp gỡ chân tình, nồng ấm và bình dị như thế. Và ngày ấy, đâu có những lời ra, tiếng vào về chuyện tri ân như bây giờ.
Tri ân thầy cô là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, không ít chúng ta vì rất nhiều lý do đã tự “biến tướng” hoạt động thăm, tặng thầy cô dịp lễ, tết. Chỉ khi chúng ta bỏ những toan tính riêng, bỏ những áp lực không đáng có lên con cái cái thì chuyện tri ân thầy cô mới trở về đúng chân giá trị.
Chúc Huyền