Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với công nhân nhà máy sản xuất máy kéo ở thủ đô Bucharest trong chuyến thăm hữu nghị Romania (8/1957). (Nguồn: TTXVN)
Đại sứ đánh giá như thế nào về những nét nổi bật nhất thêu dệt nên “bức tranh” hữu nghị truyền thống Việt Nam-Romania trong 75 năm qua?
Ngày 3/2/1950, Việt Nam và Romania chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, nhân dân hai nước bắt đầu cùng nhau dệt nên “bức tranh” hữu nghị truyền thống tươi đẹp. Romania là một trong 10 nước đầu tiên công nhận Việt Nam, cùng tạo ra sự động viên tinh thần to lớn, hậu phương quốc tế vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hai cuộc chiến của ta chống thực dân và đế quốc đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Đại sứ Việt Nam tại Romania Đỗ Đức Thành. (Ảnh: ĐSQ)
Ngay từ đầu, mối quan hệ tốt đẹp được thể hiện qua mối quan hệ mật thiết về chính trị, thông qua trao đổi đoàn các cấp, các cơ chế tham vấn, phối hợp.
Đặc biệt, chuyến thăm Romania của Hồ Chủ tịch năm 1957 đã đặt nền móng quan trọng cho việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống.
Sau khi Romania thay đổi chế độ (1989), cơ chế này vẫn tiếp tục được duy trì, thể hiện trong mối quan hệ hợp tác nhiều mặt. Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (1/2024).
Một mảng sáng trong bức tranh hữu nghị là hợp tác đào tạo, được bắt đầu từ rất sớm và được duy trì cho đến nay.
Tính từ năm 1955, khi đoàn sinh viên đầu tiên của Việt Nam đặt chân tới Romania, bạn đã đào tạo cho ta tổng cộng khoảng 4.000 người. Đội ngũ này đã có vai trò tích cực đối với công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước. Nhiều người trong số họ sau này đã trở thành giáo sư, nhà khoa học đầu ngành, cán bộ, chuyên gia cao cấp.
Giai đoạn hậu Covid-19, sự tăng trưởng ấn tượng về kinh tế, thương mại và sự khởi sắc trong các hoạt động giao lưu, văn hóa, giáo dục cũng là những nét chấm phá nổi bật.
Một số điểm sáng khác là sự ủng hộ dành cho nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế. Romania đã đóng vai trò tích cực trong việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU (2019), hỗ trợ Việt Nam 300.000 liều vaccine phòng Covid-19 (2021), hỗ trợ sơ tán 1.500 người Việt Nam từ Ukraine (2022); Việt Nam hỗ trợ Romania 10.000 liều vaccine phòng tả lợn châu Phi (2024)…
Tình hữu nghị vượt qua thăng trầm của chặng đường 75 năm qua, cùng các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, tạo ra những giá trị cốt lõi là nền tảng vững chắc cho tương lai của mối liên kết giữa hai dân tộc. Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn tình cảm quý báu và sự ủng hộ hiệu quả của Romania.
Thủ tướng nhận bằng kỷ niệm (bản sao luận văn, bảng điểm tổng hợp… của Thủ tướng khi theo học tại Trường Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest) từ lãnh đạo nhà trường. (Nguồn: VGP)
Thưa Đại sứ, chuyến thăm Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm 2024, đặc biệt là sự kiện thăm lại Trường Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest, nơi Thủ tướng đã tốt nghiệp năm 1984, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân hai nước. Cựu Đại sứ Romania Valeriu Arteni cũng để lại ấn tượng với tình yêu Việt Nam sâu đậm và vốn tiếng Việt đáng nể. Sợi dây kết nối con người - con người có ý nghĩa ra sao trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống hữu nghị hai nước?
Chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính để lại ấn tượng sâu sắc, đặc biệt khi ông thăm lại Trường Đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest, nơi từng gắn bó tuổi thanh xuân. Buổi gặp mặt Ban Giám hiệu, đông đảo cán bộ, nhân viên, giảng viên (trong đó có hai thầy giáo cũ), sinh viên đã diễn ra trong không khí vô cùng xúc động.
Thủ tướng đã bày tỏ lòng tri ân với thầy, cô, bạn bè; ca ngợi tình hữu nghị giữ hai nước, cảm ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Romania dành cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; và trích dẫn câu ngạn ngữ sau của Romania: “Tất cả có thể qua đi nhưng tình bạn thì mãi mãi ở lại”.
Lãnh đạo Nhà trường xúc động tặng lại Thủ tướng Luận văn, Bằng tốt nghiệp và Bảng điểm của sinh viên Phạm Minh Chính, tốt nghiệp Thủ khoa với điểm 10 tuyệt đối và bày tỏ niềm tự hào với người cựu sinh viên đã góp phần làm rạng danh trường. Một số cơ quan truyền thông đã đánh giá đây là “sự kiện đặc biệt”.
Cố Đại sứ Valeriu Arteni được biết đến như một nhà ngoại giao đại tài, một người bạn tốt của Việt Nam. Ông gắn bó với Việt Nam từ năm 1971, học tập và công tác tại đây suốt 22 năm. Trong quãng thời gian này, đặc biệt là với cương vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ông coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, và đã thực thụ được coi là một người Việt Nam. Ông được trao tặng danh hiệu Huân chương Hữu nghị của Việt Nam và Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội.
Hai con người, từ góc độ mỗi nước, đều có được kiến thức sâu sắc về văn hóa và con người nước bạn và trở thành những nhà ngoại giao đại tài, thu phục lòng người. Mỗi người trên cương vị của mình, đã có những đóng góp xuất sắc trong việc thêu dệt lên bức tranh hữu nghị truyền thống. Điều đó khẳng định: Sợi dây kết nối con người - con người luôn mang giá trị nền tảng cơ bản liên kết hai quốc gia, vượt qua mọi khoảng cách địa lý, mọi khác biệt về văn hóa...
Điều này hoàn toàn đúng với tương lai của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, khi mà khoảng cách địa lý, những ưu tiên chiến lược của mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống hữu nghị giữa hai nước sẽ được nuôi dưỡng bằng sự kết nối con người với con người.
Muốn vậy, mỗi bên cần có những quyết sách nhằm thúc đẩy động lực giao lưu văn hóa, du lịch, giáo dục, xây dựng các cơ chế giao lưu nhân dân… để ngày một nhiều người dân, đặc biệt là tuổi trẻ, quan tâm tới nhau. Tóm lại, từ “hiểu” mới có “tình”, từ “tình” sẽ cùng nhau làm được những công việc lớn lao. Đây là một công việc quan trọng, thường xuyên, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ!
Đại sứ quán Việt Nam tại Romania, phối hợp với Bộ Văn hóa Romania tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam và Đêm nhạc hữu nghị kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Romania (3/2/1950-3/2/2025) tại Nhà hát Ion Dacia, thủ đô Bucharest ngày 20/1. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Romania)
Được biết, kể từ chuyến thăm Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều đoàn từ Romania đã đến thăm Việt Nam. Cảm nhận của Đại sứ về nhịp độ hợp tác hiện nay giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế?
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, thành công của Diễn đàn doanh nghiệp và một loạt các văn kiện hợp tác được kí kết về kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động… đã thúc đẩy tăng cường giao lưu, kết nối, trao đổi đoàn trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, mở ra nhiều triển vọng hợp tác trong tương lai.
Kim ngạch trao đổi thương mại song phương cũng tăng 23,9% so với năm 2023, đạt 533,72 triệu USD; lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 triệu USD.
Trước kỷ nguyên mới với những khát vọng phát triển mới của đất nước, Đại sứ kỳ vọng như thế nào về một dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam-Romania?
Romania với mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, với vị thế chiến lược trong khu vực, là thành viên EU và Schengen (kể từ ngày 1/1/2025), một đất nước tràn đầy khát vọng cải cách hướng tới mục tiêu tăng trưởng, tăng tính tự lực, tự cường, có đủ điều kiện trở thành một đối tác quan trọng hơn của Việt Nam khi đất nước ta đang chuyển mình, sẵn sàng cho “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc.
Tôi thiết tha mong muốn mối quan hệ giữa hai nước sẽ được làm sâu sắc hơn, sớm được nâng cấp lên hàng Đối tác toàn diện. Bằng các bước đi đột phá trong các lĩnh vực chủ yếu sau:
Một là, Mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới, trọng tâm là khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể là các lĩnh vực kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, công nghệ giảm thiểu carbon, công nghệ thông tin, đặc biệt trong các lĩnh vực ứng dụng, cơ sở hạ tầng và mạng truyền thông điện tử băng thông rộng, lĩnh vực y, dược...
Hai là, Đưa hợp tác kinh tế lên tương xứng với tiềm năng của hai nước, với nhiều dự án về thương mại, đầu tư, lao động, “sản phẩm đột phá”… tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA và EVIPA mang lại. Cụ thể, phấn đấu sớm đưa thương mại hai chiều đạt mốc 1 tỷ USD như thỏa thuận giữa Thủ tướng hai nước tháng 1/2024 vừa qua.
Ba là, Tạo bước ngoặt mới trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông qua việc tăng cường các hoạt động kết nối, giao lưu văn hóa và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai nước; triệt để khai thác các hình thức hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, phát huy mọi cơ chế học bổng...
Với hy vọng tổ chức được nhiều hơn các hoạt động văn hóa, thực hiện nhiều phóng sự truyền hình, viết nhiều sách giới thiệu Việt Nam, kết nghĩa địa phương, thành lập các hội hữu nghị, phòng thương mại, phòng thông tin - tư vấn, phòng lãnh sự danh dự, đưa số học sinh du học lên con số hàng trăm, tăng số lượng người lao động, phát huy tốt hơn vị thế, vai trò của cộng đồng người Việt…
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Hà Phương