Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm 2025

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm 2025
15 giờ trướcBài gốc
Trong quý I, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng, nhưng giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ở mức 6.014 tỷ đồng, giảm 4,2%. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng giảm 5,3%, trong khi đó chi phí hoạt động lại tăng nhẹ với 1,1% đã kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngân hàng giảm từ 9.013 tỷ đồng xuống còn 8.326 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 7,6%.
Xét về cơ cấu, thu nhập lãi thuần của Techcombank dường như đi ngang so với cùng kỳ năm 2024, mang về 8.305 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng thêm gần 443 tỷ đồng, mức tăng khiêm tốn hơn so với chi phí lãi (tăng thêm gần 637 tỷ đồng).
Trong quý I/2025, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi của Techcombank không đạt kết quả khả quan với mức giảm 12,1%, chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 15,8%, còn 1.828 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận giảm lần lượt 16,5% và 58%, thu về lần lượt 455 tỷ đồng và 450 tỷ đồng.
Ở diễn biến ngược lại, chứng khoán kinh doanh và hoạt động kinh doanh khác ghi nhận kết quả khởi sắc thu về lần lượt 178 tỷ đồng và 394 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng và 23 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động góp vốn mua cổ phần cũng tăng trưởng dương trong kỳ, tuy nhiên đóng góp không lớn vào cơ cấu tổng thu nhập hoạt động Techcombank. Chi phí dự phòng rủi ro cũng được cắt giảm mạnh 10%, từ 1.211 tỷ đồng xuống 1.090 tỷ đồng giúp thu hẹp mức giảm của lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt 989.216 tỷ đồng, tăng 1,1%. Tín dụng trên cơ sở hợp nhất tăng 5,1%, trong đó cho vay cá nhân tăng 2,36% (tăng từ 246.405 tỷ lên 252.222 tỷ); cho vay các tổ chức kinh tế với mức tăng 6,01% (tăng từ 359.408 tỷ lên 380.998 tỷ). Tiền gửi của khách hàng đạt 531.583 tỷ đồng, dường như đi ngang so với đầu năm.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu của Techcombank tăng 9,6% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ (tính bằng nợ nhóm 3,4 và 5 chia tổng cho vay khách hàng) ở mức 1,17%, tuy nhiên đây vẫn là mức thấp so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2025 của Techcombank đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2024. Theo phê duyệt của NHNN, hạn mức tín dụng của Techcombank được cấp tăng 16,4% so với năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,5%.
Tương tự, ACB ước tính quý 1/2025 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ chủ yếu do ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, trong kỳ ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE ở mức cao trên 20% thuộc nhóm dẫn đầu ngành, thể hiện hiệu quả quản trị vốn và khả năng sinh lời bền vững trong nhiều năm liền.
Trong kỳ báo cáo, thu nhập ngoài lãi của ACB tăng 7,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ, cho thấy sự đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm sự phụ thuộc vào thu nhập lãi. Đến cuối quý I/2025, quy mô tín dụng của ACB đạt 590 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Đến hết quý I/2025, tổng quy mô huy động vốn của ACB, bao gồm tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá, đạt 664 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.
Năm 2025, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái. ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% ước đạt 984.967 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ kỳ vọng đạt 728.409 tỷ đồng; cho vay khách hàng là 673.596 tỷ đồng, tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, trong khi cuối năm 2024 là 1,49%.
VPBank báo lãi hợp nhất hơn 5.000 tỷ trong quý I, tăng 20% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt hơn 4.942 tỷ đồng, với tổng thu nhập hoạt động tăng 15% và thu nhập lãi thuần tăng gần 23% so với cùng kỳ. Trong quý I, hoạt động chứng khoán (VPBankS) lãi gần 351 tỷ đồng, bảo hiểm OPES lãi hơn 94 tỷ đồng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) tiếp tục ghi nhận lãi gần 79 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, thu nhập lãi của VPBank đạt 22.184 tỷ đồng, tăng 14,67% so với cùng kỳ trong khi chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự cũng tăng nhưng với mức tăng khiêm tốn hơn (tăng 10%). Nhờ kết quả trên, thu nhập lãi thuần của VPBank đạt gần 13.356 tỷ đồng, tăng 19% và tạm dẫn đầu trong các ngân hàng đã báo cáo kết quả kinh doanh.
Trong đó, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh của VPBank mang về 184 tỷ đồng trong quý I/2025, so với khoản lỗ 33 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động khác cũng ghi nhận tăng trưởng đột biến với tỷ lệ tăng 289%, từ 225 tỷ đồng lên 873 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của VPBank giảm tới 60,7%, xuống 119 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm do thu từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ giảm 71,86%, chỉ thu về hơn 205 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước thu về hơn 730 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ của VPBank cũng ghi nhận lãi thuần giảm 24,8%, xuống 1.169 tỷ đồng do chi phí đi lên. Trong khi đó, hoạt động chứng khoán chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 135 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 37 tỷ đồng.
Trong quý I/2025, tổng chi phí hoạt động của VPBank tăng 11,8%, tăng khiêm tốn hơn so với mức tăng tổng thu nhập hoạt động, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 11.692 tỷ đồng, tăng 17,6%. Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản VPBank ở mức 994.037 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng 5,4% lên 729.969 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 13% lên 552.374 tỷ đồng.
VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 2025 đạt 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng 26% so với năm 2024. Cùng với đó, mục tiêu tổng tài sản hợp nhất đến cuối 2025 ở mức 1,13 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 23%.2 giờ trước
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của SHB đạt 790.742 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2024, dư nợ cấp tín dụng đạt 575.777 tỷ đồng, tăng 7%. Kết thúc quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt gần 4.400 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch cả năm 2025.
SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 14.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng 25%, tổng tài sản 832.000 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 46.000 tỷ đồng, cùng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% và kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tiến tới chạm mốc 1 triệu tỷ đồng tổng tài sản vào năm 2026, khẳng định tầm vóc và vị thế trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, vươn tầm quốc tế.
Sở dĩ lợi nhuận ngân hàng tăng trong quý đầu năm nay một phần nhờ tín dụng cải thiện, dù chưa tăng cao (tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế là 2,5%). Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng cho hay, với tác động từ các yếu tố bên ngoài, nhất là chín sách thuế qua của Mỹ sẽ khó tránh ảnh hưởng đến tín dụng và kết quả lợi nhuận của ngành ngân hàng, nhất là các quý tới.
Mặc dù vậy, các nhà băng vẫn tỏ ra lạc quan với chỉ tiêu lợi nhuận trình cổ đông thông qua trong các kỳ họp cổ đông thường niên của ngân hàng diễn ra tháng 3-4/2025. Lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng, thị trường bất động sản ấm lên và lãi suất thấp sẽ kích cầu tín dụng, nhất là đối với phân khúc mua nhà. Khi tín dụng tăng lên sẽ kéo theo nguồn thu ngoài lãi, đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng.
Thùy Vinh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/buc-tranh-loi-nhuan-ngan-hang-quy-dau-nam-2025-d272544.html