Bức tranh quan hệ Mỹ-Đức nhiệm kỳ 2 của ông Trump

Bức tranh quan hệ Mỹ-Đức nhiệm kỳ 2 của ông Trump
6 giờ trướcBài gốc
Chưa đầy 24 giờ sau khi ông Donald Trump đắc cử chức tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024, hãng thông tấn Deutsche Welle (Đức) đã đăng một bài viết với tiêu đề "Chiến thắng của ông Trump là cơn ác mộng đối với nước Đức".
Vài giờ sau, thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng liên minh chính trị “đèn giao thông” 3 đảng của ông đã sụp đổ. Những bất đồng về cách giúp củng cố nền kinh tế của Đức là yếu tố chính, nhưng ông Scholz cũng đề cập rằng kết quả bầu cử của Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến liên minh tan rã.
Một tháng sau, ông Scholz không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, dẫn đến việc chính phủ mà ông đã lãnh đạo kể từ năm 2021 không thể tiếp tục điều hành đất nước. Đức sẽ có cuộc bầu cử liên bang vào ngày 23-2.
Tổng thống Donald Trump dự Hội nghị Kinh tế G20 tại Hamburg (Đức) vào năm 2017. Ảnh: GETTY IMAGES
Đức được coi là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Tây Âu, hợp tác trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, kinh tế đến quốc phòng, quân sự.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi ông Trump trở lại nắm quyền. Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nêu quan điểm vào tháng 11-2024 rằng nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump đang đến gần "là một thách thức đối với thế giới, đặc biệt đối với chủ nghĩa đa phương".
Viết trên trang tin The Conversation, GS Sylvia Taschka – chuyên gia nghiên cứu quan hệ Mỹ-Đức – chia sẻ mối lo ngại của các chính trị gia Đức. Theo vị chuyên gia này, khả năng sắp tới quan hệ Mỹ-Đức sẽ chứng kiến nhiều biến động với việc ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Quan hệ lâu dài
Trong quá khứ, Mỹ xem Tây Đức là một đồng minh quan trọng ngay sau Thế chiến II. Mối quan hệ này đã giúp Mỹ đảm bảo rằng Đức sẽ không bao giờ quay trở lại ủng hộ chủ nghĩa phát xít như trước và trong Thế chiến II.
Tây Đức cũng đóng vai trò là “tiền tuyến” quan trọng của Mỹ ở châu Âu trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Tây Đức đánh giá cao sức mạnh Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là khi Tây Đức đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế trong giai đoạn này.
Sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11-1989 báo hiệu sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh trong năm đó và mở ra khả năng thống nhất nước Đức. Đó cũng là thời điểm bà Merkel bắt đầu tham gia chính trường.
Đầu những năm 1990, bà Merkel đã chứng kiến cách Tổng thống Mỹ George H.W. Bush thuyết phục Pháp và Anh gạt bỏ nỗi lo về việc Đức gây ảnh hưởng châu Âu như hồi Thế chiến II, để cùng ủng hộ Đức. Hai miền nước Đức thống nhất thành một quốc gia vào tháng 10-1990.
Ngay sau đó, ông Bush đã ca ngợi liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Đức. Ông Bush nhấn mạnh đến “tình yêu tự do” chung của hai nước và bày tỏ hy vọng rằng hai nước sẽ trở thành “đối tác lãnh đạo”.
Theo The Conversation, vào thời điểm đó, nhiều người Đức cho rằng sự kiềm chế quân sự mà các nước lớn áp lên trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh đã khiến đất nước họ trở nên ổn định và thịnh vượng hơn, sau hai cuộc thế chiến tàn khốc.
Trên thực tế, trong hầu hết các cuộc khủng hoảng toàn cầu kể từ năm 1990, nước Đức dường như chưa sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo. Thay vào đó, Đức thích một vai trò thứ yếu hơn, có nhiệm vụ điều hướng các cuộc xung đột quốc tế, chủ yếu thông qua tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Hợp Quốc.
Ông Olaf Scholz (lúc này là Thị trưởng Hamburg) chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump dự hội nghị G20 tại Đức vào năm 2017. Ảnh: GETTY IMAGES
Sẽ cần sự thay đổi?
Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, cách tiếp cận của Đức đối với các cuộc xung đột quốc tế đã thay đổi đáng kể. Theo The Conversation, cuối cùng Đức đã bước vào vai trò lãnh đạo mà ông Bush hình dung vào năm 1990.
Trong bài phát biểu mang tính lịch sử vào ngày 27-2-2022, ông Scholz gọi xung đột tại Ukraine là "Zeitenwende", có nghĩa là "bước ngoặt mang tính thời đại" trong tiếng Đức, và tuyên bố sẽ tăng đáng kể chi tiêu quân sự.
Mỹ và các đồng minh phương Tây khác đã hoan nghênh sự thay đổi này.
Từ năm 2006 thành viên NATO đã đồng ý đầu tư tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, Đức – giống như các nước khác ở châu Âu – đã không thực hiện cam kết này trong nhiều năm. Chỉ đến tháng 2-2024, Đức mới đạt được mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng.
Việc Đức làm được như vậy không chỉ là kết quả phụ của cuộc xung đột tại Ukraine. Theo The Conversation, áp lực từ các tổng thống Mỹ, đặc biệt là ông Trump, cũng đóng một vai trò quan trọng. Lời cảnh báo liên tục của ông Trump trong suốt nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông về việc buộc các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng dường như đã có hiệu quả.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (đứng giữa) trò chuyện cùng Tổng thống Donald Trump (ngồi) bên lề Hội nghị G7 tại Canada vào năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo The Conversation, đến nay, các chính trị gia Đức cũng vẫn chưa quen với phong cách chính trị đặc biệt của ông Trump, mặc dù thực tế là ông ấy từng là tổng thống Mỹ.
Trong hồi ký được xuất bản năm 2024, bà Merkel mô tả khi bà gặp ông Trump lần đầu tiên vào năm 2017, bà đã hành động như thể mình đang trò chuyện với "một người hoàn toàn bình thường".
Tuy nhiên, bà Merkel nhanh chóng nhận ra rằng ông Trump không giống như những chính trị gia khác ở Mỹ. Bà Merkel nhận thấy rằng ông Trump dường như nghĩ rằng tất cả quốc gia đều đang cạnh tranh và thành công của một quốc gia có nghĩa là thất bại của quốc gia khác.
Trong nhiệm kỳ tới của ông Trump, chính giới Đức lo ngại ông Trump có thể sẽ phát động một cuộc chiến thương mại với thuế quan là trọng tâm, cũng như khả năng vị tổng thống Mỹ sẽ rút lại sự hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra. Cả hai kịch bản trên đều sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế của Đức.
Sau Mỹ và Liên minh châu Âu, Đức là nhà tài trợ lớn thứ ba cho Ukraine. Nếu kịch bản Mỹ ngừng viện trợ Ukraine xảy ra, Đức có thể sẽ phải gánh vác nhiều khoản hỗ trợ hơn nữa.
Trong nhiệm kỳ mới của ông Trump, GS Taschka cho rằng để quan hệ Mỹ-Đức tiếp tục phát triển, các nhà lãnh đạo Đức cần phải nhắc nhở ông Trump về lịch sử quan hệ hai nước trong suốt nhiều thập niên qua, đặc biệt là nhiều lợi ích của liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa hai cường quốc này.
KHOA ĐIỀM
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/buc-tranh-quan-he-my-duc-nhiem-ky-2-cua-ong-trump-post829814.html