Mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc trình phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
6 phân vùng - 6 cực tăng trưởng của TP.HCM
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, hình thành các phân vùng đô thị đa chức năng với hạt nhân là các khu vực trọng điểm về tài chính, thương mại, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu,… nhằm thúc đẩy tương tác trong các hoạt động kinh tế - xã hội và liên kết phát triển.
TP.HCM dự kiến chia thành 6 phân vùng phát triển với định hướng riêng biệt, đồng thời liên kết chặt chẽ với nhau.
Mỗi phân vùng được cấu trúc theo hướng đa chức năng, gắn với các khu vực trọng điểm phát triển có vai trò trung tâm vùng, quốc gia và quốc tế nhằm tạo cơ hội việc làm và môi trường sống có chất lượng cao. Tổ chức không gian các phân vùng gắn với tổ chức hệ thống giao thông công cộng.
Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm (khu vực nằm phía trong đường Vành đai 2 và nằm phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ) với quy mô diện tích khoảng 172 km2, dự báo dân số đến năm 2040 là khoảng 5,4 - 6,05 triệu người.
Nơi đây được định hướng là trung tâm hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo; Trung tâm của phân vùng đô thị trung tâm là khu vực trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận, đồng thời là trung tâm chính của toàn TP.
Phân vùng phía Đông (TP Thủ Đức hiện nay) với quy mô diện tích khoảng 211 km2, dự báo dân số đến 2040 là khoảng 2,2 - 2,64 triệu người.
Đây sẽ là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, y tế, du lịch sinh thái; Trung tâm tài chính quốc tế được định hướng phát triển tại khu vực Thủ Thiêm; Trung tâm chính của đô thị Thủ Đức được tổ chức tại khu vực Trường Thọ - Rạch Chiếc và phụ cận...
TP Thủ Đức sẽ là phân vùng phía Đông của TP.HCM. Ảnh: NN
Phân vùng phía Tây (gồm khu vực phía Bắc phân vùng đô thị trung tâm và một phần khu vực phía Nam - phần nằm phía Tây sông Cần Giuộc của huyện Bình Chánh và phần phía Tây Quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân - dự kiến phát triển thành đô thị Bình Chánh);
Phân vùng này có quy mô diện tích khoảng 233 km2, dự báo dân số năm 2040 khoảng 1,55 - 1,86 triệu người. Đây sẽ là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo.
Phân vùng phía Bắc (gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và phần phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc Quận 12 - dự kiến phát triển thành đô thị Củ Chi - Hóc Môn) với quy mô diện tích khoảng 579 km2, dự báo dân số năm 2040 khoảng 2,5 - 3,15 triệu người.
Phân vùng này được định vị là đô thị dịch vụ, giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đan xen cảnh quan nông nghiệp, định hướng hình thành các khu công nghiệp, giáo dục, đào tạo, công nghệ, khu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử…
Phân vùng phía Nam (gồm khu vực phía Nam Kênh Đôi thuộc Quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, Quận 7 và huyện Nhà Bè - dự kiến phát triển thành đô thị Quận 7 - Nhà Bè) với quy mô diện tích khoảng 194 km2, dự báo dân số năm 2040 khoảng 1,8 - 2,2 triệu người;
Đây là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển…;
Phân vùng phía Đông Nam (gồm toàn bộ huyện Cần Giờ - dự kiến phát triển thành đô thị Cần Giờ) với quy mô diện tích khoảng 732 km2, dự báo dân số năm 2040 khoảng 0,5 - 0,6 triệu người.
Đây là khu sinh thái, “lá phổi xanh” của TP; cửa ngõ phía Nam hướng biển và trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế biển với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, cảng và logistics; trung tâm hậu cần nghề cá và nghiên cứu, nuôi trồng chế biến thủy sản.
Xác định động lực phát triển của từng phân vùng
Theo định hướng quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch chung bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền thuộc địa giới hành chính của TP.HCM hiện nay. Điều này bao phủ cả TP Thủ Đức, 16 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, với tổng diện tích lên đến 2.095 km² – một quy mô rộng lớn đòi hỏi tư duy phát triển đồng bộ, bền vững và mang tầm chiến lược.
Cùng với không gian đô thị mở rộng, quy mô dân số TP.HCM dự kiến sẽ tăng mạnh trong những thập niên tới. Tới năm 2030, dân số thành phố có thể đạt từ 11 đến 13,7 triệu người. Đến năm 2040, con số này có thể lên tới 14 – 16,5 triệu người.
TP.HCM sẽ chia thành 6 phân vùng với thế mạnh phát triển khác nhau. Ảnh: NN
TP.HCM không chỉ đặt mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ hàng đầu khu vực châu Á, mà còn hướng tới xây dựng một thành phố hiện đại nhưng đậm đà bản sắc, một nơi "nghĩa tình", nhân văn và đáng sống.
Với vị thế là cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM sẽ là điểm đến của các định chế tài chính quốc tế, tập đoàn đa quốc gia, đồng thời là nơi nuôi dưỡng văn hóa đô thị đặc sắc và sáng tạo.
Trao đổi với PV PLO, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM – nhận định, việc TP.HCM định hướng phân vùng đô thị để phát triển là một bước đi đúng hướng và cần thiết.
Theo ông, khi phân vùng theo cách này, TP có thể phát huy lợi thế từng khu vực: nơi nào phù hợp cho phát triển công nghiệp, nơi nào thuận lợi cho phát triển du lịch, và đặc biệt là các khu vực đóng vai trò trung tâm dân số và việc làm – tức các vùng đô thị cốt lõi.
TS Cương nhấn mạnh, điều quan trọng không chỉ nằm ở việc chia vùng, mà phải xác định rõ động lực phát triển của từng vùng là gì. Trọng tâm cần đặt vào các đô thị – nơi có mật độ cư trú, hạ tầng và tiềm lực kinh tế – bởi chính các đô thị sẽ đóng vai trò hạt nhân, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa đến các khu vực xung quanh.
Khi xác lập các phân vùng có định hướng rõ ràng và khả năng tập trung phát triển mạnh mẽ, thành phố sẽ dễ dàng xác định trọng tâm phát triển, giới hạn cần kiểm soát và yếu tố cần kích thích trong từng vùng.
Với những khu vực dân cư thưa thớt hoặc có tính chất công nghiệp, cách tiếp cận tương tự cũng cần được áp dụng – tức là không đơn thuần phân vùng theo hành chính hay bản đồ, mà phải dựa trên mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và các yếu tố động lực đặc thù.
"Nếu đã đặt mục tiêu kinh tế - xã hội, điều quan trọng là phải trả lời được câu hỏi: đâu là động lực phát triển thật sự của từng phân vùng?" – ông Cương nhấn mạnh.
NHƯ NGỌC