Quy mô thị trường
Theo một nghiên cứu thị trường của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,93 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 6,69 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18% trong giai đoạn dự báo (2025-2030).
Trong trung hạn, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, hiệu suất cao và phát thải thấp, luật pháp và quy định ngày càng nghiêm ngặt về khí thải của xe, chi phí pin giảm và các yếu tố khác dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024-2029.
Phương tiện di chuyển bằng điện đang trở nên phổ biến trên khắp cả nước, chủ yếu là do các quy định của Chính phủ nhằm loại bỏ dần các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chi tiêu của Chính phủ để cải thiện cơ sở hạ tầng sạc xe điện công cộng và các sáng kiến như trợ cấp và hoàn thuế để khuyến khích việc áp dụng xe điện. Tất cả các biện pháp này dự kiến sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường.
Tầng lớp trung lưu và dân số trẻ hóa của Việt Nam ngày càng tăng cùng với sự quan tâm của các đối tượng này đối với các công nghệ tiên tiến, hiệu quả sử dụng nhiên liệu và nhận thức về môi trường dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường xe điện Việt Nam tăng trưởng hai chữ số.
Xu hướng
VinFast tiên phong trong việc chuyển đổi xanh phương tiện giao thông công cộng
Việc áp dụng rộng rãi phương tiện di chuyển bằng điện đang chuyển đổi ngành vận tải và do đó, nhiều công ty vận tải hàng hóa tại Việt Nam hiện đang chuyển sang các loại xe chạy bằng động cơ điện. Sự chuyển dịch sang xe điện này được thúc đẩy bởi nhận thức ngày càng tăng về tác động môi trường của phương tiện vận tải chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và lợi ích kinh tế khi sử dụng xe điện. Khi ngày càng nhiều công ty đón nhận sự thay đổi này đồng nghĩa với việc sẽ thấy lượng khí thải nhà kính giảm đáng kể và một tương lai sạch hơn, bền vững hơn.
Sở thích ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với xe điện tiết kiệm nhiên liệu (EV), xe tự lái và công nghệ giao tiếp giữa xe với xe dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024 và 2029.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý trong nước đã đặt ra các quy định nghiêm ngặt về việc giảm lượng khí thải nhiên liệu và tăng cường an toàn đường bộ. Điều này đã khiến toàn bộ ngành công nghiệp ô tô có hiệu ứng tương tự trong việc áp dụng phân khúc xe điện chạy bằng pin cho đội xe ô tô đang phát triển của mình.
Chính phủ trước đó đã ban hành chính sách mới miễn lệ phí đăng ký xe điện chạy bằng pin trong ba năm. Theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ, từ 01/3/2025 đến 01/3/2027 nộp lệ phí trước bạ các loại xe điện lần đầu có mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Như vậy, sau 3 năm được ưu đãi, ô tô điện chạy pin được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%, sắp tới sẽ có điều chỉnh và sẽ có tác động không nhỏ tới toàn thị trường.
Với chính sách mới này, chính phủ hy vọng sẽ giúp xe điện chạy bằng pin dễ tiếp cận và giá cả phải chăng hơn đối với người dân Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tương lai sạch hơn và bền vững hơn, từ đó có khả năng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn 2024 - 2029.
Quá trình chuyển đổi sang xe điện chạy bằng pin (BEV) cũng được thúc đẩy nhờ nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô chủ chốt đã đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và năng lực sản xuất. Nhờ những khoản đầu tư này, tiềm năng tăng trưởng của xe điện chạy bằng pin trong giai đoạn 2024 - 2029 là rất lớn.
Doanh nghiệp chuyển mình cạnh tranh khốc liệt
Vào thời điểm Nghị định số 10/2022/NĐ-CP có hiệu lực, thị trường Việt Nam chỉ có khá ít xe điện. Những cái tiên đầu tiên có thể nhắc tới như VinFast VF e34, Porsche Taycan.
Đến thời điểm cuối năm 2022, các mẫu BEV tiếp theo được giới thiệu gồm VinFast VF 8, VF 9, BMW, Mercedes-Benz EQS, Audi e-tron. Đối với thị trường xe nhập khẩu, từ nửa cuối năm 2023, nhiều mẫu BEV bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, bao gồm BMW iX3, i4, i7, Mercedes-Benz EQB, EQE, Haima 7X-E. Sang năm 2024, thị trường Việt đón nhận thêm nhiều các tên mới như Atto 3, Seal và Dolphin, Tang của BYD, Aion ES, Aion Y Plus, Wuling Bingo… Tuy nhiên, doanh số các mẫu xe này không được nhà sản xuất công bố.
Trải qua 2 năm, có thể thấy thị trường xe điện Việt đã sôi động và đa dạng hơn rất nhiều. Bên cạnh các mẫu xe điện hạng sang dành cho “nhà giàu”, VinFast đang là doanh nghiệp đầu tàu thì còn có sự góp mặt của làn sóng xe Trung Quốc mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, VinFast hiện là hãng đầu tư lớn nhất cho hạ tầng trạm sạc khắp Việt Nam lên đến 150.000 cổng sạc. Nhưng ngoài VinFast và một số hãng thứ 3 còn khá ít ỏi thì hầu như chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện ở Việt Nam.
VinFast đã nhanh chóng áp dụng nhiều chính sách linh hoạt để tăng doanh số và phổ cập xe điện.
Theo thông tin của VinFast, hãng đã công bố bàn giao hơn 16.000 ô tô điện các loại trong tháng 11/2024, nâng tổng số bán ra từ đầu năm đến nay lên hơn 67.000 xe tại thị trường nội địa.
Đặc biệt, hãng xe nội địa Việt Nam còn mở rộng hoạt động sản xuất ở tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến chuyên sản xuất các mẫu xe điện phổ thông VF 3 và VF 5. VinFast dự kiến áp dụng mô hình thuê dài hạn để tối ưu dòng tiền đầu tư ban đầu.
Có thể nói so với các nước khác trên thế giới, hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài ưu đãi thuế trước bạ, hiện xe điện tại Việt Nam mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, ở mức 15%, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu thông thường là mức 35 - 50%. Vừa qua, Chính phủ đề xuất giảm 5 - 12 điểm % thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện chạy pin trong 5 năm đầu sau khi sửa luật có hiệu lực. Nhưng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt dường như là chưa đủ giúp tạo lực đẩy mạnh mẽ cho phương tiện xanh cũng như các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn.
Đối với các hãng xe có các sản phẩm xe điện được lắp ráp trong nước như Hyundai Ioniq 5, Wuling Mini EV, bên cạnh vấn đề khó giải là trạm sạc hỗ trợ người dùng thì công nghệ đi kèm cũng là bài toán khó đối với các thương hiệu ô tô.
Nguyên nhân lớn nhất là bởi linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc vào Việt Nam không được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% như linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN (theo ATIGA). Tất cả những yếu tố trên có thể khiến giá thành của các mẫu xe khó có thể ở mức hấp dẫn, dẫn đến sẽ khó đa dạng mẫu mã tung ra thị trường.
Những thương hiệu xe điện Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam nhưng gặp khó ở hạ tầng trạm sạc.
Bên cạnh đó, hiện các dòng xe thân thiện với môi trường thuộc phân khúc Hybrid (HEV), Plug-in Hybrid (PHEV), dù đã tồn tại trước đó nhiều năm như Toyota Prius (2007), và các mẫu Hybrid thế hệ mới như Toyota Corolla Altis 1.8HEV, Camry HEV, Corolla Cross 1.8HEV… hiện cũng chưa được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ như các mẫu xe BEV.
Nhận định về xu hướng của thị trường xe điện Việt Nam trong năm 2025, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng sang năm mới sẽ tiếp tục có đà tăng trưởng tốt khi không chỉ các khách hàng là người dùng cá nhân mà ngay cả ngành vận tải taxi tại Việt Nam cũng đang chuyển mình với sự tham gia của các tên tuổi lớn trong cuộc đua “xanh hóa” đội xe theo Quyết định 876 của Chính phủ, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% taxi sẽ phải sử dụng điện, năng lượng xanh.
VinFast sẽ vẫn đóng vai trò là “đầu tàu” và tách top trong cuộc đua điện hóa ngành ô tô tại Việt Nam trong năm 2025 trong khi các đối thủ vẫn sẽ loay hoay tìm lời giải cho bài toán trạm sạc.
Hoàng Lâm