Peter Thomas trước cửa nhà mình ở khu Ladywood, trong khung cảnh thùng rác chất đầy.
“Thật là bực bội khi những khu nhà giàu được dọn dẹp sạch sẽ, còn chỗ chúng tôi thì bị bỏ mặc. Rất bực mình, nhưng chúng tôi cũng biết trước điều đó”, ông Peter Thomas chia sẻ trước cửa nhà mình ở khu Ladywood, trong khung cảnh thùng rác chất đầy.
Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh, chìm trong hơn 17.000 tấn rác chất đống trên đường phố khi công nhân đình công, CNN đưa tin hồi đầu tháng 4.
Tại các khu vực lân cận ở Birmingham (Anh), khoảng cách giữa khu vực giàu và nghèo đã trở nên quá rõ ràng đối với cư dân kể từ khi cuộc đình công thu gom rác bắt đầu vào tháng 3, theo Guardian.
Một số khu vực chìm trong rác thải khi công nhân đình công.
"Thật xấu hổ"
Tại khu vực nội thành Ladywood, người dân địa phương cảm thấy thất vọng vì không có hành động nào được thực hiện để xử lý các thùng rác chưa thu gom.
Bà Gloria Charles (70 tuổi), hàng xóm của ông Thomas, đã sống tại đây hơn 30 năm, cho biết đống rác không được thu gom là nỗi xấu hổ.
Khu vực của bà đã bị bỏ qua trong các chiến dịch dọn dẹp.
“Chúng tôi rất tự hào về con đường nhỏ của mình, chúng tôi luôn cố gắng giữ nó sạch sẽ nhất có thể. Nhưng giờ thì sao, có ai còn muốn mời người khác tới chơi không? Tôi không muốn ai đến thăm cả. Với tình trạng như thế này thì thật đáng xấu hổ”, bà cho biết.
“Tôi đã đi khắp nơi trong vùng để xem chỗ nào đã được thu gom rác, nhưng không có nơi nào quanh đây được dọn. Tôi không hiểu tại sao khu vực của chúng tôi lại bị nhắm đến để ‘không thu gom’ như vậy”, bà nói thêm.
Gloria Charles cảm thấy việc rác thải không được thu gom gây xấu hổ.
Các sinh viên sống gần hồ chứa Edgbaston cho biết tình trạng thiếu thùng rác có bánh xe khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Một số người, dù có thùng rác, đã phải gắn ổ khóa vào với hy vọng ngăn hàng xóm sử dụng thùng rác của họ.
Daniel Struczynski, đầu bếp đồng thời là sinh viên ngành quản lý nghệ thuật ẩm thực, chia sẻ: “Thật kinh khủng vì đến cuối ngày khi chúng tôi muốn đổ rác, chúng tôi phải để ra đường. Và chỉ sau khoảng 12 tiếng là các túi rác bị xé toạc, rác văng khắp nơi”.
Anh cho biết tình trạng này khiến nơi đây trở thành mục tiêu lý tưởng của loài gặm nhấm. “Đêm đến, bạn có thể thấy thấy chuột quanh các túi rác. Ban ngày thì có quạ, thậm chí đôi khi còn có cả cáo đi lại quanh đường”.
Bức tranh khác
Trong khi đó, tại những khu vực giàu có, rợp bóng cây của Edgbaston, Jamie Cotton (33 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản đang chờ xem nhà, cho biết anh đã nhận thấy sự khác biệt trong tháng qua.
Rác thải không được thu gom khiến đường phố trở thành mục tiêu chính của loài gặm nhấm.
Khu vực này hầu như không bị ảnh hưởng so với những nơi khác.
“Có thể nói Edgbaston gần như không bị ảnh hưởng nặng nề như một số nơi khác. Hôm qua tôi đi qua Selly Oak, khu vực sinh viên, và cảnh tượng ở đó thật thảm hại”.
Stephanie Ward (77 tuổi), đã nghỉ hưu, cho biết tình hình vẫn còn trong tầm kiểm soát vì bà có thể chuyển rác sang chỗ người thân ở Sandwell để được thu gom, và gần đây nhà bà cũng đã được lấy rác.
“Chúng tôi có lẽ chưa rơi vào hoàn cảnh tồi tệ như nhiều người khác trong thành phố, và chúng tôi cũng có thùng rác có bánh xe - điều mà không phải ai cũng có. Tôi nghĩ điều này tạo nên sự khác biệt khá lớn. Dịch vụ ở đây thực ra trước giờ vẫn khá tốt”, bà cho hay.
Ông Radhakrishna Pillai (64 tuổi), giáo sư đã nghỉ hưu sống ở Edgbaston, cho biết khu vực của ông dường như cũng được chăm sóc khá tốt.
“May mắn là chúng tôi có một bên bất động sản trông coi khu vực này, họ đã đến và dọn sau khi rác bắt đầu chất đống”, ông nói.
Rachel Adams, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Quản lý Dịch vụ Y tế thuộc Đại học Birmingham, chỉ ra nhiều yếu tố có thể đã ảnh hưởng đến sự khác biệt giữa các khu vực. Nó bao gồm khoảng cách đến các địa điểm xử lý rác thay thế, khả năng tiếp cận phương tiện giao thông và mật độ dân số.
Norman Yousaf, Giám đốc công ty xử lý rác Monster Clearance, cho biết ông đã chứng kiến khối lượng công việc tăng đột biến.
Ông cho rằng sự khác biệt về lượng rác thải chất đống trên khắp thành phố có thể nhận thấy rõ hơn ở khu vực khó khăn hơn. Chi phí là yếu tố lớn.
“Người ta gọi đến, hỏi: Dọn một thùng rác thì hết 30 bảng Anh à? Tôi có 3 thùng rác ở đây, thế là 90 bảng Anh, cộng thêm 10 túi đựng rác, thế là thêm 30 bảng Anh nữa. Tổng cộng là bao nhiêu, 120 bảng Anh? Tôi không đủ khả năng chi trả đâu…”, ông kể lại.
“Nhưng ở những khu vực giàu có, người ta chấp nhận cái giá đó, họ chỉ cần rác được dọn đi là được”.
“Tôi nghĩ việc người dân phải chịu gánh nặng tài chính như vậy là bất công, vì họ đã trả thuế hội đồng để được thu gom rác đô thị. Việc này thật sự bất công về mặt tài chính đối với khách hàng đã trả tiền cho dịch vụ mà họ không được hưởng”, ông nói thêm.
Nguyên nhân đường phố Birmingham ngập trong rác xuất phát từ cuộc đình công kéo dài từ ngày 11/3 của công nhân vệ sinh, khiến hệ thống thu gom rác thải của thành phố này gần như bị tê liệt hoàn toàn.
Từ tháng 12/2024, công đoàn Unite the Union, đại diện cho công nhân vệ sinh, tuyên bố sẽ tổ chức đình công vào năm 2025 để phản đối việc cắt giảm lương, cấm làm thêm giờ và việc loại bỏ một vị trí trong đội thu gom rác của thành phố.
Theo hội đồng thành phố, công nhân bị ảnh hưởng đã được đề nghị công việc thay thế với mức lương tương đương, đào tạo lái xe hoặc nghỉ việc tự nguyện. Tuy nhiên, công đoàn cáo buộc chính quyền đang cố tình ép buộc công nhân vào những điều kiện bất lợi.
Minh An
Ảnh: Guardian.