Chiều 11-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan là tư lệnh ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Rất nhiều vấn đề đã được các ĐB nêu ra, trong đó có việc cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh (KCB).
Sẽ có hệ thống thống nhất quản lý trên toàn quốc
Phản ánh bức xúc của cử tri liên quan đến nơi cấp giấy phép hành nghề KCB, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho biết người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào. Điều này dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật tại nhiều cơ sở KCB trên địa bàn nhiều tỉnh, TP khác nhau. Từ đó, bà Thúy đề nghị Bộ Y tế có giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề và đứng tên một cơ sở KCB theo quy định của luật.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: PHẠM THẮNG
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định 98 liên quan đến cấp giấy phép hành nghề quy định một người chỉ có một giấy phép hành nghề.
“Bộ Y tế đang tiến tới quản lý trên toàn quốc việc sử dụng giấy phép của người hành nghề” - bà Lan khẳng định và cho biết trước năm 2023, ngành y tế đã có phần mềm quản lý người hành nghề KCB trên toàn quốc. Đến thời điểm này, hơn 430.000/600.000 cán bộ y tế đã được cập nhật thông tin lên hệ thống phần mềm này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ hệ thống này được xây dựng từ năm 2015 đến nay, trên cơ sở hệ thống đóng nên chưa đáp ứng được các yêu cầu của luật mới. Để khắc phục, bộ đang triển khai các giải pháp để có hệ thống thống nhất trên toàn quốc, để cơ quan quản lý ở cả trung ương và địa phương theo dõi, nắm được thông tin người hành nghề và quản lý theo đúng quy định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều 11-11. Ảnh: PHẠM THẮNG
Nâng cao năng lực của hệ thống quản lý
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nói bà trao đổi lại “không phải để làm khó Bộ trưởng” mà mong muốn qua phiên chất vấn này, Bộ Y tế sớm tìm ra một công cụ quản lý giấy phép hành nghề.
Bà Thúy đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng là cần phải hoàn thiện, nâng cấp phần mềm kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, phần mềm này phải liên thông toàn quốc và phải tra cứu được.
“Phần mềm Bộ trưởng nói chỉ là danh sách đăng ký hành nghề do các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đưa lên, không thể kết nối liên thông với các địa phương. Trong khi Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề cho tất cả bác sĩ, dược sĩ mở phòng khám tư nhân” - bà Thúy nói.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, bà Thúy cho rằng bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện phần mềm đưa vào vận hành, Bộ Y tế cần ban hành quy định bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề (trong đó có Bộ Y tế và Sở Y tế của 63 tỉnh, TP) phải đẩy dữ liệu lên hệ thống.
“Trường hợp không thực hiện cũng phải có biện pháp để xử lý” - bà Thúy nhấn mạnh và cho rằng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện để Bộ Y tế sớm xây dựng phần mềm.
Hồi đáp sau đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhìn nhận: “Chúng ta muốn làm gì cũng phải có sự đầu tư, có quyết tâm thì mới triển khai được”. Theo bà Lan, nếu chỉ quản lý thông thường thì rất khó khăn và không quản lý được giấy phép hành nghề cũng như giấy phép hoạt động của các cơ sở y tế. Do vậy, việc nâng cao năng lực của hệ thống quản lý là yêu cầu cấp thiết.
“Nói thật, thời gian qua hệ thống này chúng tôi toàn đi nhờ và làm chay, không mất đồng nào cả. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống hành nghề và số lượng người phải quản lý, hệ thống này sẽ không đáp ứng được yêu cầu” - bà Lan nói và mong các bộ, ngành, ĐB ủng hộ để Bộ Y tế tập trung cho nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Không được xưng danh bác sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng
Chất vấn Bộ trưởng Đào Hồng Lan, ĐB Khang Thị Mào đặt vấn đề rằng những người mặc áo blouse trắng, xưng danh bác sĩ bệnh viện, thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng có phù hợp với quy định hay không. “Nếu sai sẽ bị xử lý như thế nào?” - ĐB Mào hỏi.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết việc quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm đã có đầy đủ các quy định của pháp luật điều chỉnh. Luật Quảng cáo đang sửa đổi cũng như quy định hướng dẫn cũng quy định rõ việc sử dụng hình ảnh của các bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm là “không được phép”.
Mặt khác, Điều 197 BLHS cũng quy định rõ các mức độ xử lý hình sự nếu vi phạm pháp luật về quảng cáo. “Chúng tôi khẳng định việc sử dụng các hình ảnh này là sai quy định. Bộ Y tế đã có văn bản gửi các sở Y tế cũng như cơ sở y tế trên cả nước nhắc nhở và đề nghị đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế không tham gia quảng cáo sai quy định” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
NHÓM PHÓNG VIÊN