Bùi Tiến Tuấn, họa sĩ gốc Quảng với 30 năm sáng tác trên lụa và hơn thế

Bùi Tiến Tuấn, họa sĩ gốc Quảng với 30 năm sáng tác trên lụa và hơn thế
18 giờ trướcBài gốc
Bắt đầu tập tành sáng tác khi còn sinh viên (1994-1995), đến nay họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, người con xứ Quảng chọn TP.HCM làm bến đỗ nghệ thuật và đã có 30 năm theo đuổi hội họa.
Để kỷ niệm hành trình này, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đã tổ chức triển lãm cá nhân mang tên "Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình", với hi vọng các nhà sưu tập, giới chuyên môn và khán giả yêu nghệ thuật sẽ thấy thêm nhiều khía cạnh khác của bản thân.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Triển lãm trưng bày hơn 90 tác phẩm khai mạc vào sáng ngày 22-2 và khép lại vào 9-3 tại The house of Art (106 Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, TP.HCM) và Nhà trưng bày triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM).
Họa sĩ gốc Quảng Nam nặng lòng với tranh lụa
Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Hội An Quảng Nam, là họa sĩ gắn liền với mỹ thuật Việt Nam đương đại. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1989, sau đó trở thành giảng viên của trường đại học này.
Song song với việc giảng dạy mỹ thuật, Bùi Tiến Tuấn cũng miệt mài sáng tác. Từ năm 1998 đến nay, không kể các triển lãm nhóm, Bùi Tiến Tuấn đã có hơn hơn 10 triển lãm cá nhân được tổ chức trong và ngoài nước.
Tác phẩm lụa "Những nàng xuân".
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn được ghi nhận là người đã dụng công hồi sinh và cách tân tranh lụa Việt Nam khi dòng tranh này bị thoái trào vào thập niên đầu của thế kỷ 21. Nhiều thập niên liền trước đó, tranh lụa gần như bị thoái trào. Chính vào thời điểm này, Bùi Tiến Tuấn (cùng một số ít họa sĩ khác) xuất hiện, mang đến những nét cọ mới trên lụa, tạo nên dấu ấn riêng biệt, thay đổi hoàn toàn góc nhìn của công chúng về dòng tranh độc đáo này.
Vì có nhiều công phu trong việc hồi sinh và canh tân tranh lụa Việt Nam, với dấu ấn khá riêng biệt, Bùi Tiến Tuấn hầu như được nhớ đến là họa sĩ của tranh lụa.
Tác phẩm lụa "Tuổi mộng mơ".
Trong 30 năm sáng tác, họa sĩ gốc Quảng còn ký tên mình ở nhiều dòng tranh khác như sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.
Tranh sơn dầu "Những hình nhân đường phố".
Dù thể hiện trên chất liệu, vật liệu hay đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn cho thấy sự quyến rũ trong từng tác phẩm, đồng thời giữ được bản sắc và phong cách riêng của mình.
Nhận định về tranh của họa sĩ Tuấn, nhà sưu tập Cường Quách nói: “Trần trụi nhưng không trần tục chính là thành công của tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn.
Ngoài ra, nhiều người cũng tò mò với các tư thế của “mẫu” trong tranh Bùi Tiến Tuấn, các nàng dường như không có xương, tự do tuyệt đối khi sử dụng thân thể của mình - điều này cũng khiến cho tranh Bùi Tiến Tuấn nhìn mềm mại hơn trên các chất liệu khó mà anh yêu thích như giấy dó, đặc biệt là lụa - một chất liệu vẽ được xem là khó trong mắt những người có chuyên môn".
Tương tự, nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng hội họa của Bùi Tiến Tuấn không dừng lại ở sự gợi cảm đơn thuần, mà là sự tôn vinh thân thể trong không gian "sắc không" của vũ trụ.
"Những nét cọ của anh không hề có sự hối hả của dục vọng mà thấm đẫm sự tĩnh lặng của suy tư, của một sự chiêm nghiệm sâu xa về bản thể. Người họa sĩ có thể nào lược bỏ đi tính dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân? Điều đó là bất khả.
Một bức tranh khỏa thân thành công là khi nó đánh thức trong người xem một thế giới mộng tưởng, có lúc si mê cuồng vọng, có khi lại là sự mời gọi dịu dàng của bản năng nguyên sơ…
Vì hội họa khỏa thân tự nó đã chuyên chở những khát khao ẩn giấu của con người, phản ánh bản năng sâu thẳm trong thú vui trần thế. Đó không chỉ là hình ảnh mà còn là những cảm xúc không thể gọi tên, những ham muốn vượt qua giới hạn của lý trí" - nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho hay.
Tác phẩm "Lễ hội phù hoa" (chất liệu acrylic)
Tác phẩm "Nhịp võng" (chất liệu giấy dó).
VĂN HÀ
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/bui-tien-tuan-hoa-si-goc-quang-voi-30-nam-sang-tac-tren-lua-va-hon-the-post835494.html