Bún bò Huế được chuyên trang ẩm thực Taste Atlas bình chọn vào danh sách “100 món ăn có nước dùng ngon nhất thế giới”
Nhân sự kiện này, lại nhớ đến câu chuyện về những gia đình ở Huế đã giữ lửa cho nồi bún bò Huế qua mấy thế hệ, như quán bún bò Huế gia truyền của o Cương, chú Điệp.
Chú Nguyễn Điệp, chủ nhân quán bún cho hay, từ khi sinh ra, chú đã thở cùng bún bò Huế từ gánh bún của bà nội nổi tiếng ở vùng Xuân Phú, rồi trao truyền cho con gái. Sau này, lập gia đình, chú và vợ lại chọn nghề của mẹ để ra riêng, lấy tên hai vợ chồng: O Cương Chú Điệp.
Ngót nghét, gánh bún bò của họ đến nay đã qua tuổi 40 với bao thăng trầm, khi thì quang gánh bán dạo trên các tuyến đường của Huế, khi thì che dù trú tạm trên vỉa hè, khi thì thuê địa điểm ở hẻm…
O Cương với nồi bún gia đình được tiếp nối qua ba thế hệ
Rồi mới đây, rời con hẻm nhỏ, bún bò Huế O Cương Chú Điệp đã có cơ ngơi mới khang trang ở mặt tiền đường Trần Thúc Nhẫn, quận Thuận Hóa. Trong căn nhà hai tầng, quán được trang trí những bức ảnh về bún bò Huế trên xích lô, bún bò Huế trên vỉa hè, bún bò Huế trên đôi quang gánh… Chú Điệp bảo, đó là ký ức bún của gia đình.
Một chặng đường dài, với một thế hệ mới đã lớn lên, trưởng thành cùng với bún. Với những gập ghềnh khó khăn mà có khi, o Cương, chú Điệp đôi lần tính bỏ nghề nhưng không đành. Với một ước mơ kiên trì gầy dựng được một quán bún gia đình bề thế hơn mà họ ấp ủ mấy chục năm qua, nay đã đến.
Du khách đến Huế thưởng thức bún bò
Nói về địa điểm mới vừa khai trương, chú Điệp cho hay, chỉ riêng việc thuê được nơi ưng ý đã mất mấy tháng trời tìm kiếm. Con trai lớn là bác sĩ thì giúp quảng bá trên Tiktok. Con gái thứ là kiến trúc sư thì lo thiết kế, trang hoàng. Con trai thứ lo hỗ trợ ba mẹ thêm chi phí. Con gái đầu thì phụ mẹ ở quán, sau này sẽ kế nghiệp.
Nói về trang mới của quán hôm nay, chú Điệp khoe, đã có mấy hãng lữ hành các nơi đặt chỗ, đưa khách về Huế dịp 30/4, mừng ngày đất nước thống nhất. “Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương rồi, mình phải làm khác hơn, mới hơn, nghĩ lâu dài hơn” - chú Điệp hồ hởi nói về tư duy mới của mình.
Rồi chú chia sẻ niềm vui khác, là khi mở quán mới, nhiều bạn trẻ tìm đến xin học nghề. Câu chuyện truyền nghề lại được kể, về một cô gái người Nghệ An, cách đây hơn chục năm, với ý tưởng khởi nghiệp cùng ẩm thực, sau khi nếm vị của 10 quán bún bò ngon nhất Huế, đã chọn học nghề ở đây. Nay, cô gái ấy đã có hẳn quán bún bò An Cựu ở 151 Đội Cấn (Hà Nội), mỗi ngày tiêu thụ hơn 2 tạ bún.
Nghe chú Điệp kể chuyện, được thưởng thức tô bún bò dậy lên mùi Huế - mùi của sả, của ruốc..., chợt thương quá tô bún bò Huế.
Đó không chỉ là bún. Đó còn là thời gian, là ký ức, là kỷ niệm, là trầm tích Huế đã lặn sâu vào tô bún bò mà không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu đời người như gia đình o Cương, chú Điệp đã giữ cho lửa nồi bún bò Huế không tắt, với tất cả sự tri ân một nghề đã cưu mang.
Kim Oanh