Bùng nổ AI tại Trung Quốc: Đi sau nhưng về trước?

Bùng nổ AI tại Trung Quốc: Đi sau nhưng về trước?
2 ngày trướcBài gốc
AI "phủ sóng" mọi mặt đời sống
Tay chống cằm với vẻ mặt suy tư, cậu bé Timmy 8 tuổi sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cố gắng tìm cách đánh bại đối thủ - một con robot cao 40 cm được điều khiển bằng AI trong một ván cờ vua. Sau nước cờ "hiểm" của Timmy, robot reo lên: "Chúc mừng! Bạn thắng rồi!". Màn hình nhỏ trên đầu robot hiện đôi mắt nó chớp theo nhịp, trong khi cánh tay kim loại thoăn thoắt xếp cờ để chuẩn bị ván mới và không quên thách thức Timmy: "Mình đã thấy bạn chơi thế nào! Ván mới mình sẽ chơi hay hơn!".
Học sinh Trung Quốc hứng thú với robot AI.
Timmy được mẹ mua tặng chú robot cách đây vài hôm. Mẹ của Timmy, cô Yan Xue cho biết, robot của Timmy giá 800 USD, bằng một chiếc điện thoại di động. Nó có khả năng chơi cờ, giải đáp một vài câu hỏi và sắp tới sẽ được tích hợp ứng dụng dạy ngoại ngữ. Cô Xue coi đây là một khoản đầu tư hợp lý và những người mẹ như cô không hiếm trên khắp Trung Quốc. Con robot của Timmy là một trong khoảng 100.000 thiết bị tương tự đã được bán ra bởi công ty AI nội địa SenseRobot. Đối thủ của SenseRobot, hãng đồ chơi AI Whalesbot đặt trụ sở ở Thượng Hải thậm chí còn đang phát triển đồ chơi giá chỉ từ 40 USD, nhưng tích hợp chức năng giúp trẻ em từ 3 tuổi học lập trình.
Với trẻ em Trung Quốc, việc tiếp cận AI trở thành một nhiệm vụ thông thường để các em có thể hoàn thành việc học tập tại trường. Bộ Giáo dục Trung Quốc năm ngoái chọn 184 trường học thí điểm chương trình đào tạo bằng AI. Cơ quan này khi đó nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo chính là "chìa khóa vàng" với hệ thống giáo dục. Từ năm học tới, các trường tiểu học và trung học ở Bắc Kinh sẽ có giáo án với ít nhất 8 giờ học AI mỗi năm. Học sinh Trung Quốc từ 6 tuổi cũng sẽ được dạy cách sử dụng ứng dụng chatbot AI và các công cụ AI khác, cũng như kiến thức chung về công nghệ và đạo đức AI.
Với người lớn ở độ tuổi lao động, AI đang giúp họ làm việc tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực công nghiệp, robot tại các nhà máy ở Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng số robot trên toàn cầu. Báo cáo của World Robotics 2024 công bố cuối năm ngoái cho thấy tỷ lệ robot/công nhân ở nước này là 470/10.000, tăng từ con số 402/10.000 vào năm 2023. Trung Quốc hiện đứng thứ ba về tỷ lệ này, chỉ sau Hàn Quốc, Singapore. Cần lưu ý rằng, Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, Hàn Quốc và Singapore có lần lượt 51 triệu và 6 triệu dân.
Tân Hoa xã gần đây khẳng định, số robot ứng dụng AI tại Trung Quốc gia tăng rất nhanh và chúng đang cải thiện hiệu quả của các dây chuyền sản xuất. "Chỉ riêng khu công nghiệp tại quận Bình Sơn, tỉnh Thâm Quyến, các mô hình AI công nghiệp có thể phân tích dữ liệu từ 2.000 thiết bị, và qua đó tối ưu các thông số công nghệ cho dây chuyền 30 lần một giờ", Tân Hoa xã ví dụ.
Timmy chơi cờ cùng robot.
Tại các khu chợ, như chợ Nghĩa Ô, "thủ phủ" hàng hóa giá rẻ và là khu chợ bán buôn lớn nhất Trung Quốc, các tiểu thương cũng bắt đầu ứng dụng công cụ AI để bán hàng. AI giúp tạo video quảng bá, dịch ngôn ngữ, tạo áp phích, thiết kế web, hay thậm chí xử lý đơn hàng với mục tiêu chinh phục cả thị trường trong nước lẫn toàn cầu.
Trung Quốc cũng được đánh giá là đang dẫn đầu về phát triển tiêu chuẩn quốc tế cho robot chăm sóc người cao tuổi. Tại Viện dưỡng lão Thâm Quyến, hàng chục con robot AI hàng ngày sống cùng người lớn tuổi, nhắc họ uống thuốc, dắt họ đi dạo, chơi cờ tướng lúc rảnh rỗi và thậm chí tâm sự với họ về chuyện gia đình. Ngoài ra, AI còn được ứng dụng để chẩn đoán bệnh và rút ngắn thời gian phát triển thuốc.
Các chuyên gia dự đoán, trong 5 năm tới, nghiên cứu thuốc bằng AI của Trung Quốc có thể tự phân tích và sàng lọc thuốc. Tân Hoa xã dẫn lời Chen Kaixian, viện sĩ hàn lâm khoa học Trung Quốc, AI có thể tạo ra giá trị tới 1.200 tỷ USD cho ngành dược phẩm nước này.
Kiên trì theo đuổi chiến lược AI dài hơi
Năm 2017, khi AI còn là một khái niệm xa lạ, Trung Quốc đã khẳng định trong các văn kiện chính thức rằng đây là "động lực chính" cho sự tiến bộ của đất nước trong tương lai. Khi cuộc đua AI toàn cầu bước vào giai đoạn nóng hơn trong giai đoạn 2022-2025, nó đang trở thành chủ đề thường xuyên tại các cuộc họp chính phủ Trung Quốc, bàn về việc ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, vẽ nên một bức tranh rộng hơn: "siêu thị trường AI".
Trợ lý AI Manus gây sốt không kém DeepSeek.
Tháng 3/2025, Chính phủ Trung Quốc đã lần đầu tiên nêu sáng kiến AI Plus, cam kết hỗ trợ ứng dụng rộng rãi các mô hình AI quy mô lớn. Cùng với đó, AI sẽ kết hợp với thiết bị thông minh thế hệ mới, như xe tự lái chạy năng lượng tái tạo, smartphone, máy tính, robot thông minh. Bức tranh AI Plus đưa ra là triển khai AI đến mọi mặt đời sống, từ tạo kịch bản phim, lập trình tự động đến ứng dụng vào nông nghiệp hay sản xuất bằng robot.
Và Trung Quốc có đủ ưu thế để thực hiện tham vọng trong sáng kiến AI Plus. Về nhân lực, Trung Quốc sở hữu đội ngũ kĩ sư công nghệ quy mô lớn và kĩ năng tốt nhất thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, hơn 3,5 triệu sinh viên Trung Quốc ra trường chỉ trong năm 2020 với bằng tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, gọi tắt là STEM. Đây là con số mơ ước của nhiều nước.
Theo Abbott Lyu của hãng Whalesbot, kể từ khi Trung Quốc mở cửa từ những năm 1970, Bắc Kinh đã theo đuổi chiến lược "tích lũy nhân tài và công nghệ kéo dài". "Trong kỷ nguyên AI này, chúng tôi có rất nhiều kỹ sư và họ rất chăm chỉ", ông Lyu nói. "Các quốc gia khác cũng có robot AI, nhưng về khả năng cạnh tranh và phần cứng thông minh, Trung Quốc đang làm tốt hơn".
Về hạ tầng, các địa phương lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông đang nỗ lực xây dựng các trung tâm AI cấp độ công nghiệp. Global Times cho hay, tại Hội nghị Các nhà phát triển toàn cầu năm 2025, Thượng Hải cam kết mở rộng hợp tác AI, thúc đẩy phát triển nguồn mở và tăng cường chia sẻ dữ liệu để "hút" các nhà đầu tư trong lĩnh vực AI. Trong khi đó, tỉnh Quảng Đông mới đây ban hành 12 chính sách ưu đãi liên quan đến AI và robot để đẩy nhanh quá trình số hóa công nghiệp, trong đó có ưu đãi lên tới 1,1 triệu USD cho các dự án AI và robot nổi bật.
Theo đuổi nhu cầu thị trường và sự ủng hộ về mặt chính sách, hầu hết các ông lớn công nghệ và các công ty khởi nghiệp Trung Quốc đều tập trung nguồn lực cho AI. Zhang Yongwei của Viện Nghiên cứu và chính sách phi chính phủ China EV100 cho biết, tính đến hết 2024, gần 200 mô hình AI tạo sinh được đăng ký và đưa vào sử dụng tại Trung Quốc, với hơn 600 triệu người dùng, cao hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Từ đầu năm 2025, người Trung Quốc tiếp tục khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi liên tiếp ra mắt các mô hình AI vượt trội so với đối thủ từ phương Tây về giá cả và hiệu năng, có thể kể tới như DeepSeek R1, ERNIE 4.5 của Baidu, Tongyi Qianwen QwQ-32B của Alibaba, Hunyuan Turbo S của Tencent hay mới đây nhất - trợ lý ảo Manus của Butterfly Effect (tháng 3/2025). Trong đó, tờ Forbes gọi Manus là "tác nhân AI hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới" với khả năng suy nghĩ, lập và thực thi kế hoạch độc lập như con người.
Trong khi ChatGPT hay Gemini (Google) phụ thuộc vào đề nghị từ người dùng để trả kết quả, Manus được thiết kế để tự khởi tạo các nhiệm vụ, đánh giá thông tin mới và điều chỉnh cách tiếp cận một cách năng động. Ví dụ, khi nhận một tệp tin chứa sơ yếu lý lịch của các ứng viên xin việc, Manus sẽ tự đọc thông tin của từng người, trích xuất các kỹ năng liên quan và tự đối chiếu với các xu hướng tuyển dụng của thị trường, sau đó đưa quyết định tuyển dụng tối ưu được thể hiện trên một bảng tính Excel trực quan mà nó tự tạo ra.
Các chuyên gia cho hay, để AI thông minh hơn, nó cần nhiều dữ liệu đầu vào. "Chúng tôi có ưu thế ở dân số đông, nguồn dữ liệu dồi dào và các kịch bản sử dụng đa dạng", Chen Jing, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu công nghệ và chiến lược Trung Quốc nói với tờ Global Times. Trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, có 1,1 tỷ người dùng Internet thường xuyên. Ngay lúc này, các nhà đầu tư quốc tế đang đặt cược rằng, những bước đi táo bạo trong lĩnh vực AI diễn ra ở Trung Quốc thậm chí sẽ sớm kéo theo một sự chuyển dịch quyền lực trong ngành công nghệ, ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, sự xuất hiện của những công cụ hoàn toàn khác biệt như Manus còn là chỉ dấu rằng, Trung Quốc đang không chỉ cung cấp các sản phẩm AI có khả năng cạnh tranh, mà đang hướng tới mục tiêu khẳng định chủ quyền công nghệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Nguyễn Viết
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/bung-no-ai-tai-trung-quoc-di-sau-nhung-ve-truoc--i763341/