Bây giờ, giấc mơ ấy đang được hiện thực hóa ở Việt Nam bằng những concert nội địa, do người Việt làm, mang đậm màu sắc Việt. Có vẻ đường băng của công nghiệp giải trí đã được phá thông. Vấn đề là làm thế nào chúng ta có thể đi đường dài để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Sức hấp dẫn từ concert nội địa
Những ngày cuối năm khép lại với dư âm của concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” với lượng khán giả ước tính 40 ngàn người tại Hà Nội đêm 14/12 cùng nhiều sư kiện bên lề diễn ra ban ngày. Nếu tính cả hai đêm thì con số lên tới 60 ngàn khán giả. Sau đêm concert 2, ban tổ chức chương trình cũng xác nhận sẽ có đêm concert thứ 3 tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 3-2025.
Chương trình truyền hình hấp dẫn khán giả.
Còn Concert “Anh trai Say Hi” 2 và 3 được tổ chức trước đó ở Sân vận động Mỹ Đình, theo Chủ tịch Datviet VAC có lượng khán giả kỷ lục 100 ngàn người. Đây là một con số kỷ lục mà trước đây nền công nghiệp giải trí Việt Nam chưa từng dám mơ. Khán giả phấn khích, thỏa mãn và hào hứng “concert Việt Nam không kém các concert ở nước ngoài”.
Theo thông tin từ nhà sản xuất, “Anh trai vượt ngàn chông gai” tổ chức tại Hưng Yên có không gian rộng hơn 5,5 ha, trong đó, sân khấu đươc đầu tư hoành tráng với những trang thiết bị hiện đại. Đây là các thiết bị được đầu tư hiện đại nhất tại Việt Nam và quốc tế. 8 màn hình Led tăng hơn 1,8 lần so với concert diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/10. Dàn âm thanh chất lượng bậc nhất hiện nay, đây cũng là dàn âm thanh được sử dụng trong các concert hàng đầu trên thế giới. Trước đó, “Anh trai say hi” cũng tấn công ra Bắc và có 2 đêm rực lửa ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Theo ban tổ chức, concert được đầu tư “khủng” từ dàn đèn led đến hệ thống âm thanh, lớn gấp 3 lần so với concert ở TP Hồ Chí Minh, trong đó sử dụng dàn loa L-Acoustics nổi tiếng bao gồm K1, K2 và Kara II.
Các concert được thực hiện sau thành công của chương trình truyền hình thực tế cùng tên.“Anh trai vượt ngàn chông gai”dành cho 33 gương mặt nam từ 30 tuổi, hoạt động trong showbiz. Thông qua các vòng, người chơi biểu diễn cá nhân và theo nhóm, 17 gương mặt được chấm điểm
“Anh trai say hi”được sản xuất theo phong cách truyền hình thực tế. 30 ca sĩ nam luyện tập để hoàn thiện kỹ năng ca hát, trình diễn, vũ đạo, sáng tác, từ đó có cơ hội bước vào đội hình toàn năng. Show trình làng hơn 50 ca khúc mới, do JustaTee và 20 producer, nhạc sĩ sáng tác. 14 tập của chương trình đạt triệu lượt xem trên các nền tảng, với hàng loạt tiết mục đứng đầu xu hướng của YouTube, TikTok.
Đại diện đơn vị sản xuất “Anh trai vượt ngàn chông gai” cho rằng, hiện nay, các show ca nhạc quốc tế và nội địa thành công ở thị trường Việt Nam cho thấy sự đón nhận của khán giả rất cởi mở. Khán giả Việt đã có ý thức và yêu văn hóa Việt theo cách của họ, đó là sự đổi mới, hòa nhập với dòng chảy của thế giới nhưng vẫn mang màu sắc Việt Nam. Format gốc của Mango TV (Trung Quốc) đã hay và xúc động nên nhà tổ chức chủ yếu chỉ Việt hóa bằng cách đưa yếu tố văn hóa Việt Nam vào. Hiệu quả thấy ngay. Do vận dụng đủ các phong cách âm nhạc trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, chương trình trở thành một gameshow ca nhạc hiếm hoi mà gia đình có thể cùng xem. Qua đó làm nên sự gắn kết thế hệ ngoạn mục.
Đại diện đơn vị sản xuất“Anh trai say hi”,cho rằng thành công của những concert lớn thời gian qua "không đến ngẫu nhiên mà hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện cần và đủ để tạo nên một sản phẩm văn hóa giải trí, trả lời đúng với những gì mà khán giả hằng mong đợi từ rất lâu”. Format của “Anh trai say hi” thuần Việt, lấy nền tảng văn hóa bản địa, kết hợp với các xu thế đương thời để có thể tạo ra chương trình văn hóa giải trí có tính toàn cầu.Chương trình hướng tới khán giả đa dạng, đặc biệt là giới trẻ.
Cần những chiến lược để đi đường dài
Rõ ràng không thể phủ nhận sự thành công vượt trội của những concert nội địa trong thời gian qua. Theo thống kê, năm 2024, Việt Nam có hơn 50 show ca nhạc lớn nhỏ, với sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam. Số lượng khán giả từ vài ngàn người đến 30.000 - 40.000 người. Đây là những con số triển vọng cho một nền công nghiệp âm nhạc phát triển tại Việt Nam. Điều này cũng minh chứng cho nội lực của chúng ta có nhân lực trẻ, tài năng, có những nhà tổ chức nhanh chóng học hỏi và nhập cuộc với thế giới, biết đón đầu những xu hướng giải trí trong nước.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” được đón đợi nhiều nhất trong năm.
Điều đáng ghi nhận ở những concert này là người Việt đã bắt đầu có thói quen bỏ tiền ra mua vé để thưởng thức nghệ thuật. Trước đây, chúng ta cũng chứng kiến cảnh người Việt đổ xô sang Nhật, Singgapore, Thái Lan đu “idol” BTS, Taylor Swift, Black Pink… Rồi sau đó, khi Black Pink được mời đến Việt Nam, người Việt cũng ùn ùn mua vé đi xem và chúng ta chứng kiến tiền chảy vào túi các nhà tổ chức nước ngoài. Bây giờ, tình thế đã khác. Người Việt đã sẵn sàng chi tiền cho các concert nội địa, do người Việt sản xuất. Đây là một bước tiến rõ nét trong văn hóa tiêu dùng của người Việt. Bằng chứng là các concert “Anh trai” mở bán nhanh chóng hết vé trong tích tắc, dù giá vé không hề thấp, từ 900.000 đồng - 8 triệu đồng/ 1 vé.
Ghi nhận điều này, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng: “Nếu như trước đây, khán giả Việt nghe “nhạc chùa”, đĩa lậu thì nay họ đã bỏ tiền ra mua vé đi nghe concert. Điều này chứng tỏ rằng, chúng ta đang có thị trường. Vấn đề là khai thác thị trường đó như thế nào để đi đường dài. Để làm được điều đó, không phụ thuộc vào 1-2 chương trình hay doanh nghiệp mà vẫn là câu chuyện chính sách tổng thể của những người làm chính sách. Những số liệu đáng mừng rồi nhưng muốn đi xa hơn cần sự chung tay của những người có tầm nhìn".
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia cho rằng, những chương trình này là tín hiệu mừng cho phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. “Tôi chứng kiến mấy chục nghìn khán giả tới concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”, họ cùng nghệ sĩ hát vang các điệu chèo, điệu trống quân… Nghệ sĩ cũng hát nhạc truyền thống kết hợp với dân ca đương đại kết hợp với âm thanh, ánh sáng, thời trang... rất chuyên nghiệp”.
Bà Phương kiến nghị, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các ban ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về ưu đãi thu nhập cho các doanh nghiệp, ưu đãi tiền thuế đất cho các doanh nghiệp văn hóa cũng như điều chỉnh về việc đầu tư, hiến tặng để tạo sự thu hút từ các tập đoàn cho ngành văn hóa. Các cơ quan quản lý cần ban hành những chính sách hỗ trợ việc chuyển những đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp những dịch vụ và sản phẩm văn hóa cần đượcthực hiện mạnh hơn giai đoạn trước.
Rõ ràng, chúng ta có cơ hội, có tiềm năng và có một nguồn lực trẻ đầy sức sáng tạo, chúng ta cần thêm những chính sách và nền tảng để các concert có thể phát triển dài hơi trong tương lai, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, qua đó, nuôi dưỡng, vun đắp những giá trị tự hào về dân tộc mình. Đó cũng chính là sức mạnh nội sinh của văn hóa trong thời kỳ hội nhập.
Mỹ Hiền