Bên trong một nhà máy lọc dầu ở Indonesia. Ảnh AFP
Theo chia sẻ từ các lãnh đạo doanh nghiệp, xu hướng này được kỳ vọng sẽ giúp tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh. Các công ty tiên phong có thể kể đến như YNCC – nhà vận hành cracker lớn nhất Hàn Quốc, SP Chemicals của Trung Quốc, hay Mitsui Chemicals tại Nhật Bản – đơn vị đang nghiên cứu khả năng tận dụng ethanol cho các lò tách hiện có.
Việc chuyển đổi sang ethane giúp các nhà máy linh hoạt hơn trong lựa chọn nguyên liệu đầu vào, nhất là trong bối cảnh Mỹ được dự báo sẽ tăng xuất khẩu ethane khoảng 7% trong năm 2025. Ethane – sản phẩm phụ từ khai thác khí đá phiến – có giá rẻ hơn đáng kể so với naphtha, loại nguyên liệu phổ biến nhưng đắt đỏ hơn.
Phát biểu tại Hội nghị Công nghiệp Hóa dầu châu Á (APIC) tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) tuần trước, ông You-Jin Lee – CEO của YNCC – cho biết công ty đang rà soát lại các kế hoạch đầu tư nhằm cải thiện hiệu quả chi phí, trong bối cảnh hệ thống cracker của hãng chỉ vận hành ở mức 70–80% công suất từ đầu năm đến nay. “Một trong những hướng đi đang được cân nhắc là tăng tỷ lệ sử dụng ethane”, ông Lee nói.
Tại Trung Quốc, SP Chemicals cũng đang tính đến việc nâng tỷ lệ ethane trong hỗn hợp nguyên liệu đầu vào tại tổ hợp hóa dầu ở tỉnh Giang Tô từ 75% lên 90%.
Một nguồn tin từ nhà máy cracker sử dụng naphtha ở miền Đông Trung Quốc nhận định: “Trong bối cảnh biên lợi nhuận bị thu hẹp, những lò tách có thể linh hoạt chuyển đổi nguyên liệu sẽ có cơ hội tồn tại tốt hơn”.
Ông Armaan Ashraf – Trưởng bộ phận khí hóa lỏng toàn cầu của hãng tư vấn FGE – cho biết, các dự án hóa dầu mới tại Trung Đông, Nga và châu Á chắc chắn sẽ hướng đến việc nhập khẩu ethane giá rẻ từ Mỹ.
Tại Thái Lan, PTT Global Chemical lên kế hoạch bắt đầu sử dụng ethane nhập khẩu từ Mỹ từ năm 2029, với sản lượng khoảng 400.000 tấn mỗi năm, theo một báo cáo công bố tại hội nghị APIC.
Tại châu Âu – nơi nhiều tập đoàn hóa chất lớn đang buộc phải đóng cửa nhà máy, do chi phí cao và lợi nhuận thấp – INEOS vẫn quyết định xây dựng một cơ sở cracker mới công suất 1,45 triệu tấn/năm. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự án này sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2026 và sử dụng khoảng 75.000 thùng ethane mỗi ngày.
Tại Ấn Độ, ngành công nghiệp hóa dầu cũng đang cân nhắc mở rộng sử dụng ethane, song sẽ cần đầu tư thêm vào hạ tầng – như kho chứa và tàu vận chuyển chuyên dụng. Ví dụ, ONGC đang tìm kiếm đối tác để xây dựng tàu vận chuyển ethane quy mô lớn, phục vụ kế hoạch nhập khẩu 800.000 tấn mỗi năm từ tháng 5/2028 cho nhà máy hóa dầu ở miền Tây Ấn Độ.
Theo dự báo của EIA, sản lượng ethane của Mỹ sẽ tăng lên mức kỷ lục 3,1 triệu thùng/ngày vào năm 2026, so với 2,9 triệu thùng/ngày trong năm 2025. Nhờ đó, khối lượng xuất khẩu cũng sẽ tăng từ 540.000 thùng/ngày (năm 2025) lên 640.000 thùng/ngày vào năm 2026.
EIA cũng kỳ vọng rằng Wanhua Chemical – đơn vị vừa đưa vào vận hành một tổ hợp cracker mới tại thành phố Yantai (Trung Quốc), có thể xử lý cả ethane và naphtha – dự kiến sẽ tạo thêm nhu cầu nhập khẩu ethane từ Mỹ ở mức 50.000–75.000 thùng/ngày trong năm nay.
Nh.Thạch
AFP