Bước chuyển mạnh mẽ sang mô hình hành chính hiện đại

Bước chuyển mạnh mẽ sang mô hình hành chính hiện đại
20 giờ trướcBài gốc
Dự kiến sắp xếp, sáp nhập tổng số 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay còn khoảng 5.000 đơn vị. Ảnh minh họa
Dự kiến có khoảng 34 tỉnh, thành phố và 5.000 đơn vị cấp xã
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp không chỉ đơn thuần là việc điều chỉnh địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy, mà còn là sự điều chỉnh về không gian kinh tế, phân cấp, phân bổ và kết hợp các nguồn lực kinh tế. Mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng và sức bật cho đất nước theo các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược dài hạn, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới.
Nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30/6. Sau sắp xếp, chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 01/7, cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30/8.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, dự kiến cơ cấu lại bộ máy tổ chức hành chính 3 cấp gồm: Cấp trung ương; cấp tỉnh, thành phố; cấp xã, phường. Theo đó, sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện và tổ chức khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã, phường. “Chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tới chính quyền. Từ đó tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội từng khu vực, vùng để đất nước ta sớm được phồn vinh. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Trong quá trính phát triển nhanh chóng của đất nước như hiện nay, việc sáp nhập cấp tỉnh, không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã được xem là cơ hội tái cơ cấu không gian phát triển ở các địa phương, điều này nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc để đất nước vươn lên. Một điều chắc chắn là cuộc cải cách này đang mở ra một chương mới, nơi bộ máy hành chính sẽ gọn nhẹ hơn, các tầng nấc trung gian được tinh giản. Hơn nữa, cuộc cải cách này là một bước chuyển mình mạnh mẽ sang mô hình hành chính hiện đại, nơi công nghệ số đóng vai trò chủ đạo của quản lý nhà nước.
Chính quyền địa phương sẽ gần dân, sát dân hơn, thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh gọn, minh bạch, giảm tối đa phiền hà, sách nhiễu. Đặc biệt, cuộc cải cách này còn giúp đất nước tiết kiệm hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Số tiền khổng lồ này sẽ được tái đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như: Giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hạ tầng đô thị... Chứng minh cho sự thay đổi mang tính đột phá này chính là quyết định mới đây của Chính phủ về miễn học phí cho học sinh từ mầm non cho đến trung học phổ thông tại các trường công lập trên cả nước, bắt đầu từ tháng 9/2025. Quyết định này đã mang lại niềm vui vô bờ bến cho hàng triệu người dân Việt Nam, khi con em mình được cắp sách tới trường mà không còn nỗi lo học phí. Đây không chỉ là một chính sách hỗ trợ mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về việc đầu tư cho tương lai của đất nước.
Cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao và tin tưởng tuyệt đối, tới đây, bộ máy nhà nước không chỉ tinh gọn mà còn mạnh mẽ hơn, vận hành trơn tru, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây không chỉ là tái cấu trúc bộ máy mà thực sự là một cuộc cách mạng trong cách quản lý và vận hành đất nước. Đó chính là lúc Việt Nam khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, không chỉ là một đất nước phát triển về kinh tế, mà còn hướng đến một nền hành chính tiến bộ, văn minh, hiện đại; nền hành chính phục vụ một xã hội công khai, minh bạch, một tương lai phát triển bền vững.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương là nhiệm vụ then chốt
Tuy nhiên, khi kết thúc hoạt động cấp huyện, vai trò của chính quyền cấp xã sẽ quan trọng hơn bao giờ hết. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, với mô hình chính quyền 3 cấp thì cấp xã là quan trọng nhất. Với mô hình 4 cấp như hiện nay thì cấp xã chủ yếu giải quyết các công việc hành chính mà không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, mà những việc này giao cho huyện, tỉnh. Do vậy, những yêu cầu đặt ra ở cấp xã trong mô hình mới sẽ rất lớn. "Bây giờ chúng ta phải làm ngược lại quy trình ấy. Cán bộ xã ở cơ sở phải nắm bắt được tất cả tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Phải biết được người dân đang mong muốn gì? Khó khăn về cái gì? Cần giúp đỡ cái gì? Những nội dung này xã phải giải quyết, chứ làm sao tỉnh đến được" - Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của cấp xã trong mô hình mới.
Không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện đồng nghĩa với việc cấp xã sẽ gánh trọng trách nhiều hơn. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phải thực sự có năng lực trong điều hành, quản lý, xử lý công việc một cách bài bản. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi cấp huyện không còn, cán bộ cấp xã sẽ phải trực tiếp đảm nhiệm các nhiệm vụ quản lý, như: Đất đai, tài chính-ngân sách, đầu tư công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… Vì vậy cần ưu tiên xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã một cách toàn diện, có các chính sách cụ thể thu hút cán bộ trình độ cao, có kinh nghiệm nhằm bổ sung lực lượng nhân sự chất lượng ngay từ đầu. Cán bộ cấp xã không chỉ nắm vững pháp luật, mà còn phải thành thạo kỹ năng hành chính, vận dụng công nghệ số để đảm bảo phục vụ người dân tốt nhất.
Bên cạnh đó, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã sẽ làm tăng đáng kể quy mô dân số và diện tích quản lý, đặt ra áp lực lớn hơn đối với năng lực cung ứng dịch vụ công. Do đó, đội ngũ cán bộ cấp xã cần phải chuyển đổi từ tư duy hành chính đơn thuần sang tư duy quản trị phục vụ, đòi hỏi sự sáng tạo, chủ động và áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý. Đặc biệt, tập quán quản lý kiểu làng xã truyền thống với các đặc trưng gắn kết khép kín, quản lý dựa vào tình cảm và tập tục địa phương, cần được thay thế bằng tư duy hiện đại, minh bạch, chủ động và hội nhập.
Mặt khác, cần xác định rõ các năng lực cốt lõi mà cán bộ lãnh đạo cấp xã cần có, bao gồm: Khả năng điều hành hành chính hiệu quả, xử lý linh hoạt và sáng tạo các tình huống phức tạp, đa dạng phát sinh trong thực tiễn quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử tích hợp liên thông giữa các lĩnh vực quản lý, như: Đất đai, giáo dục, y tế, đầu tư công. Việc áp dụng các nền tảng số để quản lý tài chính, ngân sách công, theo dõi dự án đầu tư, quản lý hồ sơ công dân sẽ góp phần cải thiện chất lượng quản trị cấp xã, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ và hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác bố trí, sắp xếp cán bộ cũng cần được thực hiện khoa học, khách quan, tránh xáo trộn tâm lý; đặc biệt, cần xây dựng cơ chế giám sát minh bạch để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã mới...
Như vậy, việc tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực lãnh đạo cấp xã đủ năng lực, chuyên môn và kỹ năng sẽ là một trong những điều kiện quyết định, đảm bảo sự thành công và hiệu quả bền vững của mô hình địa phương 2 cấp mà Việt Nam đang hướng tới./.
LÊ HÒA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/buoc-chuyen-manh-me-sang-mo-hinh-hanh-chinh-hien-dai-39214.html