Tác giả: Trương Thúy Trinh
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tóm tắt: Kinh sách giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống Phật giáo thời chúa Nguyễn. Đặc biệt, kể từ khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra, Phật giáo Đàng Trong bị cắt đứt quan hệ với Phật giáo Đàng Ngoài, tình trạng thiếu kinh sách cùng lực lượng tăng sãi có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống Phật giáo. Trong những nghiên cứu đi trước, các tác giả đã từng bước làm rõ một số phương diện của đời sống Phật giáo, song chưa có các nghiên cứu trình bày một cách hệ thống về tình hình kinh sách Phật giáo thời kỳ này. Với việc hệ thống hóa đối với hệ thống mộc bản, kinh sách Phật giáo một số khu vực ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn (từ các nguồn tài liệu), bài viết nhằm mục đích cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình kinh sách, góp phần làm rõ một số phương diện đời sống Phật giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII.
Từ khóa: Mộc bản, kinh sách Phật giáo, Đàng Trong, chúa Nguyễn, thế kỷ XVII-XVIII.
Abstract: The scriptures played a particularly important role in the Buddhist life of the Nguyễn Lords period. Especially, since the Trịnh-Nguyễn war broke out, Cochinchina Buddhism was cut off from Tonkin Buddhism, and the lack of scriptures and monks had a direct impact on this Buddhist life. The previous studies have gradually clarified some aspects of the Buddhist life, but there have not been studies that systematically presented the situation of the Buddhist scriptures in this period. By using the systematisation method of the woodblock system and Buddhist scriptures in some areas in Conchinchina during the Nguyễn Lords period (from various sources), the article aims to provide an overview of the situation of the scriptures and contributed to clarifying some aspects of the Buddhist life in Cochinchina in the 17th and 18th centuries.
Keywords: Woodblocks, Buddhist scriptures, Cochinchina, Nguyễn Lord, 17th and 18th centuries.
1. Dẫn nhập
Vấn đề kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn được đề cập rải rác trong một số nguồn tư liệu. Đại Nam thực lục có các ghi chép ngắn gọn về việc chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sang nhà Thanh mua hơn 1.000 bộ kinh, luật, luận; tiếp đó Nguyễn Cư Trinh soạn Vãi sãi vấn đáp. Trong tập hồi ký Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán nói chung chung về hoạt động thuyết pháp cho tăng chúng hoặc cùng chúa Minh đàm đạo Phật pháp trong thời gian hoằng pháp ở Đàng Trong (1695-1696). Trong một lần làm lễ cầu tạnh, Thích Đại Sán có nói đến việc dùng bùa và tụng kinh Uế tích Kim Cang…
Trong một số công trình nghiên cứu gần đây: Phật giáo trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam (từ thế kỷ XVII đến 1975) của Trần Hồng Liên (2000), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Nguyễn Hải Ẩn, Hà Xuân Liêm (2001),
Lịch sử Phật giáo Quảng Nam thế kỷ XVII-XIX của Lê Xuân Thông (2018)…, các tác giả đã từng bước làm rõ quá trình hình thành, phát triển của Phật giáo Đàng Trong trên các phương diện: hệ thống chùa chiền, tăng đoàn, tông phái, các thực hành Phật giáo… Một số công trình nghiên cứu, bài viết đề cấp đến chính sách đối với Phật giáo, gồm: Chính sách tôn giáo của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong (Thế kỷ XVII-XVIII) của Lê Bá Vương (2020), Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong (Giai đoạn 1558-1777) của Trương Thúy Trinh (2018), Chính sách an dân từ niềm tin mộ Phật dưới thời các chúa Nguyễn của Nguyễn Hữu Thông (2017)… Trong đó, các tác giả đưa ra những bằng chứng cho thấy chính quyền chúa Nguyễn thi hành chính sách ưu tiên phát triển Phật giáo nhằm quy tụ nhân tâm và củng cố quyền lực. Tuy nhiên, vấn đề kinh sách Phật giáo hầu như rất ít được đề cập trong các nghiên cứu.
Kinh sách giữ vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống Phật giáo thời chúa Nguyễn. Đặc biệt, kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, Phật giáo Đàng Trong rơi vào khủng hoảng, tình trạng thiếu kinh sách cùng lực lượng tăng sãi có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Phật giáo. Hiện nay, chưa có các công trình nghiên cứu đề cập một cách hệ thống về vấn đề kinh sách Phật giáo thời kỳ này. Đáng kể nhất là một số bài viết, báo cáo trình bày kết quả sưu tầm, tập hợp nguồn tài liệu kinh sách Phật giáo thời chúa Nguyễn trên cơ sở điền dã, khảo sát, song chủ yếu mới dừng ở việc giới thiệu tư liệu và đánh giá sơ bộ… Do đó, bài viết này, dựa trên việc tìm hiểu, hệ thống hóa đối với hệ thống kinh sách Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình kinh sách, góp phần làm rõ một số phương diện đời sống Phật giáo thời kỳ này.
Bài viết chủ yếu dựa vào các kết quả khảo sát kinh sách Phật giáo tại một số khu vực gồm: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…, đồng thời, tham khảo thêm một số nguồn tài liệu lịch sử phản ánh tình hình kinh sách Phật giáo ở Đàng Trong. Chúng ta biết rằng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, dưới thời chúa Nguyễn nắm giữ vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, đồng thời là những trung tâm Phật giáo lớn được các chúa Nguyễn quan tâm. Trong đó, đặc biệt là vùng đất cũ Thuận Quảng gắn bó với họ Nguyễn ngay từ những ngày đầu, và là vùng đất phát tích Phật giáo trong quá trình mở cõi. Ngay cả khi chính quyền chúa Nguyễn làm chủ vùng đất Nam Bộ và kết thúc quá trình Nam tiến khoảng giữa thế kỷ XVIII, vai trò quan trọng của Phật giáo không vì thế bị giảm sút, ngược lại, tiếp tục phát triển về mọi mặt, đặc biệt là đời sống Phật giáo. Bài viết chủ yếu dựa trên các kết quả khảo cứu kinh sách Phật giáo tại một số khu vực, song chúng tôi cho rằng, nó có thể bao quát được phần lớn tình hình kinh sách Phật giáo và đời sống Phật giáo ở Đàng Trong thời kỳ này.
2. Khái quát đời sống Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn
Trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), sau này là Thuận Quảng (1570), tại đây đã có một số các ngôi chùa của người Việt(1) và người Hoa (Nguyễn Ngọc Thơ, 2018, tr.116). Trên cơ sở tiếp quản vùng đất hoang sơ, người Việt ngoài việc sống đan xen với người Chăm còn có thành phần cư dân phức tạp(2), do đó ngay từ những ngày đầu, Nguyễn Hoàng đã chủ trương phát triển Phật giáo “để vỗ về quân dân” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tr.28), như một sách lược lâu dài nhằm thu phục và quy tụ nhân tâm trên vùng đất mới.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra (1627-1672) khiến cho Phật giáo Đàng Trong bị cắt đứt quan hệ với Phật giáo Đàng Ngoài và nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, đặc biệt là tình trạng thiếu kinh sách và lực lượng tăng sãi… Trước tình hình đó, các chúa Nguyễn, một mặt, dựa vào hàng ngũ sư tăng người Hoa ở trong nước(3), một mặt, tăng cường quan hệ với Phật giáo Trung Hoa, mua kinh sách, mời sư tăng sang hoằng pháp, tiêu biểu là sự kiện thiền sư Thạch Liêm sang hoằng pháp ở Đàng Trong (1695-1696) (Thích Đại Sán, 2015). Nhiều bằng chứng cho thấy, chính quyền chúa Nguyễn có chính sách quan tâm đặc biệt nhằm thúc đẩy Phật giáo phát triển trên tất cả các phương diện.
Cụ thể, các chúa Nguyễn cho xây dựng hàng trăm ngôi chùa trên vùng đất Đàng Trong. Khoảng cuối thế kỷ XVII, bắt đầu hình thành hệ thống chùa sắc tứ, theo đó, chính quyền có chính sách quan tâm đặc biệt đối với các ngôi chùa công, chùa sắc tứ qua việc chu cấp tiền bạc, ruộng đất; tu sửa nâng cấp, ban đồ thờ, tượng Phật, pháp công pháp khí; bổ tăng sái trông nom… Chùa sắc tứ phân bố ở hầu hết các dinh, trấn từ Quảng Bình đến Phú Yên (Nam Bộ ít hơn do khai phá sau), trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng Huế và vùng Thuận Quảng. Chùa sắc tứ thường diễn ra các hoạt động Phật giáo có quy mô lớn của chính quyền chúa Nguyễn nhằm mục đích dẫn dắt, chấn hưng đời sống Phật giáo ở các dinh, trấn (Trương Thúy Trinh, 2018, 2020).
Đối với hàng ngũ tăng sãi: một mặt, các chúa Nguyễn có biện pháp quản lý, sát hạch, kiểm tra giới điệp, chấn chỉnh pháp giới trong hàng ngũ tăng sãi, ai vi phạm bị đuổi về địa phương bổ hạng thường dân (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tr.121-122). Mặt khác, chính quyền thường xuyên tổ chức các hoạt động hoằng pháp, thuyết pháp kết hợp với các giới đàn có quy mô hàng trăm, hàng nghìn người tham gia. Các giới đàn có 3 loại, gồm: Sa di giới, Tì kheo giới và Bồ Tát giới, trên cơ sở sát hạch chính quyền cấp văn điệp cho các tăng chúng thụ giới (văn điệp có đóng dấu Quốc vương) (Thích Đại Sán, 2015, tr.136-137).
Đáng chú ý, do chủ yếu dựa vào hàng ngũ sư tăng Trung Hoa, nên Phật giáo Đàng Trong thời kỳ này chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo Trung Hoa. Lực lượng tăng sãi theo Thiền Trúc Lâm có mặt sớm ở Đàng Trong thưa dần, thay vào đó phái Tào Động, Lâm Tế ngày càng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, ở các giai đoạn sau, các thiền sư đã vận dụng sáng tạo giữa tư tưởng Phật giáo Trung Hoa với truyền thống thực hành Phật giáo của người Việt, đặc biệt, để phù hợp với bối cảnh xã hội Đàng Trong, một số dòng thiền mang dấu ấn văn hóa Việt đã ra đời, là dòng Chúc Thánh (Tổ sư Minh Hải Bảo Pháp) và Liễu Quán (Tổ sư Thiệt Diệu Liễu Quán). Cùng với những sự chuyển biến về sơn môn, hệ phái, các thiền sư, cao tăng tích cực biên soạn kinh sách Phật giáo làm cơ sở truyền giảng cho các đệ tử, tăng chúng. Điều này góp phần chấn hưng đời sống Phật giáo Đàng Trong, đáng chú ý những nỗ lực này luôn nhận được sự hậu thuẫn của chính quyền chúa Nguyễn.
Trên cơ sở chủ trương phát triển Phật giáo, để đặt nền móng cho các hoạt động hoằng pháp, thuyết pháp nhằm đào tạo hàng ngũ tăng sãi và hoằng dương Phật pháp trong dân chúng, chính quyền chúa Nguyễn đứng trước nhu cầu lớn về việc xây dựng củng cố hệ thống kinh sách Phật giáo. Để thực hiện chính sách phát triển Phật giáo, các chúa Nguyễn không thể không quan tâm đến các hoạt động mua, khắc, in ấn, cấp phát kinh sách cho các chùa ở Đàng Trong.
3. Tình hình kinh sách Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn
3.1. Sơ lược tình hình kinh sách Phật giáo thời kỳ đầu
Giai đoạn trước chiến tranh Trịnh - Nguyễn, hầu như không tìm được các ghi chép về hoạt động khắc, in kinh sách. Lúc này, các chúa Nguyễn vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền trung ương ở Đàng Ngoài, cho đến trước năm 1620, hàng năm, Đàng Trong vẫn nộp thuế đầy đủ(4), vấn đề đi lại giữa Đàng Trong - Đàng Ngoài diễn ra bình thường. Do đó, có thể các hoạt động in ấn, truyền bá kinh sách thời kỳ này chủ yếu dựa nguồn cung cấp từ Đàng Ngoài.
Khi chiến tranh Trịnh - Nguyễn nổ ra, Phật giáo Đàng Trong bị cắt đứt quan hệ với Phật giáo Đàng Ngoài, nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, thiếu kinh sách và lực lượng tăng sãi, hoạt động truyền bá kinh sách bị ngừng trệ.
Ngay sau khi cuộc nội chiến kết thúc, chính quyền chúa Nguyễn có nhiều biện pháp thúc đẩy, nhờ đó đời sống Phật giáo có những khởi sắc. Chùa chiền tiếp tục được dựng lên ở khắp nơi, hệ thống chùa sắc tứ ra đời và phát triển với các hoạt động đúc chuông, tô tượng, ban đồ thờ, pháp bảo, pháp khí, ban biển ngạch sắc tứ… diễn ra sôi động. Tuy nhiên, phải đợi đến thời Nguyễn Phúc Chu, vấn đề kinh sách Phật giáo mới thực sự được chú trọng. Theo Đại Nam thực lục, năm 1714, trong ghi chép về việc sửa chùa Thiên Mụ, có nhắc đến việc chúa Nguyễn Phúc Chu cử người sang nhà Thanh mua hơn một nghìn bộ kinh luật luận để ở tự viện (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tr.130). Có thể việc cử người sang nhà Thanh mua kinh sách đã diễn ra từ trước đó. Hơn một nghìn bộ kinh sách bao gồm kinh, luật, luận đầy đủ các thể loại kinh tạng Phật giáo nó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của chính quyền đối với vấn đề này.
Có thể trên cơ sở các bộ kinh sách mua về lưu tại tự viện (Thiên Mụ), các chúa Nguyễn tiến hành lựa chọn cho khắc in để phổ biến rộng rãi. Con số thu được từ các đợt khảo sát điền dã cho thấy số lượng kinh sách được khắc in không nhiều (khoảng hơn 30 đầu sách). Có thể, trải qua thời Tây Sơn, nhiều ngôi chùa do chính quyền chúa Nguyễn xây dựng bị tàn phá, thay đổi công năng, các đồ thờ, pháp bảo, pháp khí, biển ngạch, câu đối bị phá hủy, thất lạc, do đó, các bộ mộc bản, kinh sách cũng bị mất mát, thất lạc là điều khó tránh khỏi (Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, 2001).
Chùa Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam. Nguồn: St
3.2. Khảo cứu số liệu về kinh sách Phật giáo
Căn cứ các kết quả thu được, có thể phân loại kinh sách thành hai loại, gồm: các bộ ván khắc kinh sách (mộc bản) và các bộ kinh sách (được in trên giấy). Kết quả chúng tôi tập hợp từ các nguồn tài liệu cụ thể như sau:
Các bộ mộc bản:
Các bộ mộc bản tại Huế (Lê Quốc Thọ và cộng sự, 2015):
4. Một số nhận định, đánh giá
Nằm trong chủ trương, chính sách phát triển Phật giáo, mặc dù Phật giáo Đàng Trong có những khó khăn, nhất là thời điểm nổ ra cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, song qua những nghiên cứu về tình hình kinh sách Phật giáo Đàng Trong thời kỳ này, ta thấy được sự quan tâm của chính quyền chúa Nguyễn đối với Phật giáo trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề khắc in kinh sách Phật giáo.
Ván khắc trang bìa Lăng Nghiêm kinh tập chú, Khải Định thứ 7 (1922), tàng bản chùa Diệu Đế, hiện lưu tại chùa Từ Đàm - Ảnh tư liệu Liễu Quán
4.1. Về hệ thống kinh sách Phật giáo
Theo con số thống kê chưa đầy đủ, có khoảng hơn 30 bộ kinh sách, bao gồm cả mộc bản và sách kinh. Trong đó, chủ yếu là kinh sách Phật giáo Đại thừa (Mahayana), có đủ ba thể loại kinh, luật và luận. Một số bộ kinh tạng Đại thừa phổ biến như Diệu pháp Liên hoa, Địa Tạng, A Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan, Kim Cang, Bát Nhã, Lăng già…, sách hướng dẫn về lễ nghi và khoa cúng.
Đáng chú ý, bộ Đại phương quảng Phật Nghiêm hoa kinh là số ít kinh sách Phật giáo nguyên thủy (Theravada) được tìm thấy. Bộ kinh này được khắc in dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1753-1757), hiện không còn mộc bản, các quyển kinh được lưu giữ cẩn thận còn khá nguyên vẹn, song, tuyệt nhiên không thấy các tài liệu đề cập đến hoạt động thuyết pháp liên quan đến bộ kinh này(8). Có giả thiết cho rằng bộ kinh này là Pháp bảo truyền quốc của các vị chúa Nguyễn.
Phần lớn các mộc bản, kinh sách trong tình trạng bị mất, thiếu, hư hỏng khá phổ biến. Một số cuốn được khắc in, tàng bản một nơi, nhưng hiện nay chúng đang được lưu trữ ở một nơi khác. Thí dụ, bộ kinh Đại thừa Kim Cang - Di Đà - Quan Âm tam kinh, thời điểm khắc in năm 1731 được tàng bản tại am Phổ Quang chùa Vạn Phước (Quảng Nam). Hiện nay, bộ kinh này (48 ván khắc) được lưu trữ ở hai ngôi chùa khác, có 04 ván khắc được lưu tại chùa Vạn Đức (Hội An, Quảng Nam), số còn lại lưu giữ tại chùa Phước Lâm (Hội An, Quảng Nam). Do tình trạng mất mát, thiếu hụt, nên một số bộ kinh chưa xác định được năm khắc in và nơi tàng bản…
4.2. Về niên đại khắc in
Hầu hết các bộ kinh có niên đại khắc in từ năm 1705 trở về sau. Đây là thời điểm Đàng Trong bước vào giai đoạn ổn định và phát triển. Sau khi nội chiến Trịnh - Nguyễn kết thúc, chính quyền chúa Nguyễn có điều kiện tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình Nam tiến, đồng thời, phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội… Bên cạnh đó, hoạt động in ấn kinh sách cũng được chính quyền quan tâm nhằm thúc đẩy Phật giáo phát triển. Do đó, hoạt động này diễn ra khá đều đặn, cụ thể như sau:
- Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (169 -1625): có 8 bộ kinh được khắc in.
- Thời chúa Nguyễn Phúc Chú (1725-1738): có 7 bộ kinh được khắc in.
- Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765): có 8 bộ kinh được khắc in.
- Thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777): có 5 bộ kinh được khắc in.
- Có 02 bộ kinh sách chưa xác định được niên đại.
Số liệu trên hoàn toàn phù hợp với kết quả của các nghiên cứu trước đây cho rằng, giai đoạn từ chúa Nguyễn Phúc Chu đến chúa Nguyễn Phúc Khoát, đời sống Phật giáo đặc biệt phát triển và khởi sắc.
4.3. Nơi khắc in, tàng bản, hưng công, trợ khắc kinh sách
Các thông tin quan trọng này thường tìm thấy ở phần cuối của các bộ kinh. Trước hết, có thể nhận thấy địa điểm khắc in, tàng kinh thường nằm ở các vùng tập trung nhiều chùa chiền, có đời sống Phật giáo phát triển, như: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Bình Định… Người hưng công khắc in thường là các vị hòa thượng, cao tăng có uy tín, do đó luôn nhận được sự ủng hộ về tài chính của các chúa Nguyễn, đông đảo tôn thất, quan lại triều thần, quan và dân các phủ, huyện, xã. Tiêu biểu là bộ kinh Đại phương quảng Phật Nghiêm hoa kinh, trang đầu có dòng khánh chúc của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, có lưu tên nhiều vị là hoàng tử, công chúa, tôn thất của chúa Nguyễn Phúc Khoát; hay bộ Lăng già A bạt đa la Bảo kinh được chúa Nguyễn Phúc Chú trợ khắc 20 quan tiền, cùng đứng tên trợ khắc còn có hòa thượng Nguyên Thiều, Liễu Quán…
Ngoài ra, thông tin về nơi khắc in, tàng bản cũng gợi ý về một mạng lưới các ngôi chùa kiêm tự viện (chuyên trách việc khắc in kinh sách) đang từng bước định hình, bên cạnh Thiên Mụ tự viện còn có những cái tên như: Kỳ Viên thiền tự, Sơn Đức thiền tự (Huế), Vạn An (Quảng Nam), Vạn Phước (Quảng Bình), Liên Tôn/Hoàng Long, Thập Tháp (Bình Định)...
Trên cơ sở đối chiếu các nguồn thông tin trên mộc bản/ sách kinh kết hợp với việc đi sâu tìm hiểu phả hệ, truyền thừa của các tông phái, chúng tôi nhận thấy các vị tổ sư khai tổ của các tông phái Phật giáo ở Đàng Trong đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động biên soạn, khắc in, truyền bá kinh sách Phật giáo(9), trong đó, đặc biệt, phải kể đến vai trò đóng góp của dòng Lâm Tế.
Tổ sư Nguyên Thiều (Hoán Bích - Siêu Bạch) nối đời 33 dòng Lâm Tế và là sơ tổ dòng Lâm Tế ở Trung và Nam Việt Nam. Thiền sư là người hưng công khắc in bộ Lễ Phật danh kinh sự nghi, tham gia trợ khắc bộ kinh Lăng già A bạt đa la Bảo kinh do đệ tử của ông là thiền sư Minh Trí Thiện An hưng công. Các thế hệ nối tiếp Nguyên Thiều, gồm: thiền sư Minh Giác Kỳ Phương nối đời 34 dòng Lâm Tế hưng công khắc in 04 bộ kinh sách (Bán nguyệt Tam giới tứ thức, Phạm võng kinh - thượng hạ, Kim Cang trực sớ - thượng hạ, Quy ước thiền đường); Tánh Đề Đạo Nguyên nối đời 35 dòng Lâm Tế hưng công khắc in 2 bộ kinh sách (Lễ Phật sự nghi, Thái thượng thuyết Tam nguyên Tam quan bảo kinh); Thiệt Kiến Liễu Triệt nối đời 35 dòng Lâm Tế hưng công khắc in 2 bộ kinh (Diệu pháp Liên hoa kinh, Diệu pháp Liên hoa kinh giải)…
Một số tông phái mới như Chúc Thánh, Liễu Quán hình thành trên cơ sở tách ra từ dòng Lâm Tế, người khai tổ đều là đệ tử của thiền sư Nguyên Thiều. Các tông phái này có những đóng góp tích cực cho hoạt động in ấn kinh sách thời kỳ này. Cụ thể, dòng Chúc Thánh có thiền sư Minh Hải Bảo Pháp khai sơn chùa Chúc Thánh, thiền sư Tổ Thiệt Dinh khai sơn chùa Phước Lâm, đều là những trung tâm khắc in kinh sách tại Quảng Nam. Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán khai sơn các chùa Thuyền Tôn, Viên Thông, Viên Giác, trong đó chùa Viên Giác cũng là một trung tâm khắc in kinh sách tại Huế.
4.4. Chính quyền chúa Nguyễn thi hành các chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển và tổ chức các hoạt động khắc in kinh sách
Những biện pháp mà chúa Nguyễn thi hành có tính căn cơ lâu dài nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển đó. Đáng chú ý, trong bối cảnh Phật pháp hỗn loạn(10), việc tăng cường khắc in, truyền bá kinh sách Phật giáo đặc biệt có ý nghĩa đối với việc củng cố pháp giới trong đời sống tu trì của hàng ngũ tăng sãi. Ngoài ra, thông qua hoạt động tổ chức khắc in kinh sách, chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền chúa Nguyễn với các vị cao tăng, bên cạnh đó là mối quan hệ gắn bó, cầu tiến, giúp đỡ lẫn nhau giữa các vị sư tăng ở các tông phái khác nhau. Chúng tôi cho rằng, mối quan hệ tốt đẹp này đã góp phần tạo ra một môi trường sinh hoạt tôn giáo hài hòa hết sức thuận lợi cho sự phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong.
Trên đây là những nét phác thảo sơ lược về đời sống Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn từ việc nghiên cứu tình hình kinh sách Phật giáo. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống Phật giáo, các bộ kinh sách Phật giáo đã được đưa vào sử dụng như thế nào trong quá trình truyền giảng Phật pháp cho tầng lớp tăng chúng và hoạt động hoằng pháp trong đời sống xã hội là vấn đề cần được tiếp tục làm rõ. Bài viết dựa trên kết quả khảo sát về kinh sách Phật giáo ở một số khu vực ở Đàng Trong, việc sử dụng số liệu nghiên cứu mang tính đại diện, do đó, nguồn tư liệu này cần được tiếp tục cập nhật và bổ sung trong thời gian tới.
Tác giả: Trương Thúy Trinh
Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
***
Tài liệu tham khảo
1. Dương Văn An (2009), Ô Châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần (dịch, hiệu đính, chú giải), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Khoa Chiêm (2016), Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (dịch và giới thiệu), Nxb Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
4. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
5. Thích Pháp Hạnh, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Thọ Quốc, Lê Như Khuê (2015), “Thống kê danh mục mộc bản Phật giáo Huế”, Liễu Quán, số 6/8.
6. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.
7. Thích Không Nhiên (2015a), “Di sản mộc bản Phật giáo Quảng Ngãi”, Liễu Quán, số 22/1.
8. Thích Không Nhiên (2015b), “Bước đầu khảo sát di sản mộc bản Phật giáo Huế”, Liễu Quán, số 6/8.
9. Thích Không Nhiên (2017), “Tìm lại dấu tích cổ tự Tây Thiền thời chúa Nguyễn tại Độn Án”, Liễu Quán, số 12/8.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, t.1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục (Tiền biên), t.1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
12. Lê Thọ Quốc, Thích Pháp Hạnh, Nguyễn Văn Thịnh, Minh Không, Nguyễn Dũng (2019), “Thống kê danh mục mộc bản Phật giáo Quảng Nam”, Liễu Quán, số 17/5-2019.
13. Thích Đại Sán (2015), Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam (dịch), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
14. Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
15. Nguyễn Ngọc Thơ (2018), Người Hoa, người Minh Hương với văn hóa Hội An, Nxb Văn hóa Nghệ thuật, Tp. Hồ Chí Minh.
16. Thích Nhu Tịnh (2019), “Truyền thừa phái Liễu Quán tại Quảng Nam - Đà Nẵng”, Liễu Quán, số 18/8.
17. Thích Như Tịnh (2021), “Lịch đại trú trì tổ đình Thập Tháp”, Liễu Quán, số 23/5.
18. Trương Thúy Trinh (2018), “Chính quyền chúa Nguyễn với Phật giáo ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11(179).
19. Trương Thúy Trinh (2020), “Chính quyền chúa Nguyễn với các ngôi chùa Sắc tứ ở Đàng Trong (giai đoạn 1558-1777)”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11(203).
20. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, t.1, 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Chú thích:
1. Theo Ô Châu cận lục, thế kỷ XVI ở phủ Bố Chính và phủ Tân Bình đã có các ngôi chùa như Sùng Hóa, Kính Thiên, Đại Phúc, Thiên Lão, Linh Sơn, Kim Quang (Dương Văn An, 2009, tr.91-95).
2. Phần lớn thành phần lưu dân Việt thời kỳ đầu là dân nghèo, binh lính thuộc tầng lớp bên lề không có địa vị xã hội.
Ngoài ra, do Thuận Hóa là vùng đất mới, quản lý hành chính lỏng lẻo, xa chính quyền trung tâm, nên trở thành khu vực trú ngụ lý tưởng cho các thành phần thảo khấu, tù nhân, quân khởi nghĩa, quan lại bất mãn chống đối triều đình v.v… (Trần Hồng Liên, 2000, tr.11-13).
3. Được sự cho phép của các chúa Nguyễn, trong đoàn người Hoa Minh Hương (phản Thanh phục Minh) vào định cư ở một số khu vực ở Đàng Trong hồi cuối thế kỷ XVII-XVIII có nhiều vị sư tăng đi cùng.
4. Mối quan hệ giữa Đàng Trong và triều đình nhà Lê bắt đầu rạn nứt dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Năm 1620, do chúa Trịnh nổi binh nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên không nộp thuế cho triều đình (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, tr.40).
5. Hưng công: Người chịu trách nhiệm chính về việc khởi công, tổ chức công việc khắc in
6. Trợ bản, trợ khắc: nói về việc trợ giúp tài chính cho việc khắc in kinh sách.
7. Tài công: Thợ khắc chữ.
8. Bộ kinh gồm 80 cuốn, in trên giấy dó, bìa bọc điều, cứ 5 cuốn được đặt trong một hòm, tổng có 16 hòm gỗ sơn son thếp vàng họa tiết long ẩn vân (Thích Không Nhiên, 2015, tr.30-37).
9. Thiền sư Nguyên Thiều là sơ tổ dòng Lâm Tế, Thiền sư Thạch Liêm là sơ tổ dòng Tào Động, Thiền sư Minh Hải là khai tổ dòng Chúc Thánh, Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán là khai tổ dòng Liễu Quán trên vùng đất Đàng Trong.
10. Thích Đại Sán có những mô tả về sự “hỗn loạn” trong đời sống tu trì của một bộ phận tăng sãi do đi tu nhằm mục đích trốn lính… (Thích Đại Sán, 2016, tr.69-70).