Bước đi chiến lược

Bước đi chiến lược
7 giờ trướcBài gốc
Thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông Hồng
Những vườn hoa tuyệt đẹp dưới chân cầu Long Biên đang là điểm đến được nhiều người yêu thích. Ảnh: Khánh Huy
Trở thành biểu tượng văn hóa mới
Quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên là 5,28km2 (trong đó có 4,53km2 đất dân cư, còn lại là diện tích mặt nước và sông Hồng) là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của TP Hà Nội; là trung tâm nội đô lịch sử (lõi đô thị), là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước. Đây cũng là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, nổi bật là quần thể kiến trúc di tích lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội và di tích Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Với các đặc điểm trên, quận Hoàn Kiếm là địa phương có nhiều lợi thế để hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; nhận thức được tầm quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng với sự phát triển của Hà Nội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô tại Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Quận Hoàn Kiếm đã chủ động xây dựng dự thảo Đề án Trung tâm công nghiệp văn hóa ở bãi sông, bãi nổi sông Hồng với trục không gian cảnh quan sông Hồng là các không gian ngoài đê bao gồm mặt nước, không gian bãi nổi giữa, không gian bãi ven sông, những khu vực dân cư hiện hữu.
Việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa tại khu vực bãi sông, bãi nổi sông Hồng không chỉ là một dự án văn hóa - du lịch mà còn là một bước đi chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô Hà Nội, sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội ra thế giới.
Theo ông Phạm Tuấn Long, đây là một nội dung mới nên hành lang pháp lý còn thiếu; chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình thành lập và cơ cấu tổ chức quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa sau khi thành lập. Thiếu quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển lâu dài đối với các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa. Khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi và đảm bảo quyền lợi dài hạn cho nhà đầu tư, một bộ phận các hộ dân trong khu phát triển thương mại và văn hóa không đủ điều kiện về tài chính để đầu tư nâng cấp không gian kinh doanh.
Sớm ban hành quy định pháp lý
Ông Phạm Tuấn Long kiến nghị, HĐND TP sớm ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa để có căn cứ triển khai thực hiện tại các quận, huyện, thị xã. Ngay sau khi HĐND TP ban hành Nghị quyết về trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa phải xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc hình thành và phát triển của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển lâu dài đối với các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương tránh trường hợp sao chép, nhân rộng các mô hình giống nhau dẫn đến sự nhàm chán không có dấu ấn đặc thù của địa phương. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư trung tâm công nghiệp văn hóa, các hộ kinh doanh và Nhân dân trong khu phát triển thương mại và văn hóa; xác định rõ vai trò, trách nhiệm, cơ chế hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, thẩm quyền quản lý cụ thể của Nhà nước, nhà đầu tư, DN, các hộ kinh doanh và Nhân dân khi tham gia vào hoạt động của các trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa.
Với việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa cần quy định rõ về những khu vực ưu tiên phát triển khu phát triển thương mại và văn hóa, các tiêu chí lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa…; làm rõ cơ chế hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư trong việc đầu tư, quản lý vận hành các công trình hạ tầng, công trình mỹ thuật, công trình biểu tượng tại khu phát triển thương mại và văn hóa.
Thái Phương
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/buoc-di-chien-luoc-416653.html