Trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2024, Brazil đã đề xuất đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới có tài sản vượt quá một tỷ USD. (Nguồn: Shutterstock)
Giới siêu giàu đang giàu lên nhanh chóng. Theo con số thống kê, đến hết năm 2023, số lượng thành viên câu lạc bộ siêu giàu thế giới, nơi tụ tập của các cá nhân có tài sản tối thiểu 30 triệu USD, đã tăng thêm 28% chỉ trong vòng bảy năm. Tài sản của 1% người giàu nhất hành tinh cũng tăng thêm 42.000 tỷ USD trong thập kỷ qua, gấp gần 36 lần tổng tài sản của một nửa dân số nghèo trên thế giới.
Nhưng nghịch lý là những người siêu giàu lại đóng thuế ít hơn nhiều so với người bình thường. Tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế bởi mức thuế suất thực tế chỉ dao động ở mức 0%-0,5%. Tính ra, trong mỗi USD tiền thuế thu của các tỷ phú, chỉ có chưa tới 8 cent là thuế tài sản.
Đã thế, nhiều tỷ phú còn tìm cách khai thác lỗ hổng trong hệ thống thuế hay chuyển tài sản sang các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn để tăng lợi nhuận. Những hành vi như vậy đang tước đi nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của các nước, đặc biệt vào thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay.
Trong vai trò Chủ tịch G20 năm 2024, Brazil đã đề xuất đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới có tài sản vượt quá một tỷ USD. Theo ước tính, số tiền thu về từ 200-250 tỷ USD/năm sẽ giúp giải quyết các vấn đề như giáo dục, chăm sóc y tế, chống biến đổi khí hậu của thế giới.
Là nơi tập trung gần 80% số lượng tỷ phú toàn cầu, G20 sẽ có tiếng nói quyết định trong kế hoạch đánh thuế người siêu giàu. Nếu sáng kiến này được thông qua tại Rio de Janeiro, đó sẽ là bước đi lịch sử trong nỗ lực giảm thiểu bất bình đẳng trong phát triển trên thế giới.
TIẾN THÀNH