Sau hành trình gần một năm, chiều ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), với tỷ lệ đại biểu tán thành lên tới 91,65%, đánh dấu bước đột phá về chính sách để ngành điện phát triển mạnh mẽ, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế của đất nước, đủ lực để vươn mình, cất cánh trong kỷ nguyên mới. Đây cũng là thành công vô cùng quan trọng, khẳng định sự nỗ lực và tâm huyết của những người tham gia xây dựng bộ luật. Trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò chủ lực, dẫn dắt quá trình này.
Quay ngược thời gian, ngành Công Thương nói chung và ngành Điện lực Việt Nam nói riêng cũng đã có rất nhiều công trình để lại dấu ấn mạnh mẽ, như chứng nhân lịch sử cho lòng quả cảm, tinh thần lao động sáng tạo, quên mình của các thế hệ người lao động ngành điện, tinh thần quyết liệt, chủ động, trách nhiệm từ những người đứng đầu.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao. Ảnh: QH
Thành quả đến từ sự chung sức, đồng lòng
Ngày 27/4/2023 đánh dấu sự kiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức khánh thành, bước sang trang mới sau hơn 10 năm vượt khó. Đây là dự án lớn nhất ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ với tổng công suất lên tới 1.200 MW, mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng. Dự án góp phần giải quyết cung ứng nguồn điện cấp bách thuộc tổng Quy hoạch điện VI đã được Chính phủ phê duyệt.
Thành quả này minh chứng cho sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vương mắc để nhà máy sớm hoàn thành đầu tư xây dựng và vận hành, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vào năm 2011, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được khởi công và dự kiến khánh thành toàn bộ các tổ máy vào năm 2018 với bao kỳ vọng. Thế nhưng, với nhiều khúc mắc về nguồn vốn - khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng của nhà nước bị phơi mưa, phơi nắng, hư hỏng dần qua thời gian.
Với mục tiêu không để thất thoát tài sản Nhà nước, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc, sát cánh, đồng hành cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức hàng chục cuộc họp; tham mưu đề xuất các phương án giải quyết trên cơ sở các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ đã trực tiếp kiểm tra tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 trong từng thời điểm. Trong các chương trình đến kiểm tra và làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương luôn lưu ý vai trò quan trọng của dự án trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời, Bộ trưởng nhận định: “Nếu kéo dài tình trạng chậm tiến độ, thiệt hại của dự án không thể tính được, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, xã hội”.
Sự quan tâm và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã tạo động lực, niềm tin cho tập thể lãnh đạo, người lao động PVN củng cố quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đưa dự án vào guồng nhanh chóng, đã “làm sống lại” một dự án tưởng chừng không thể cứu vãn.
Tiếp đến, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khí thế thi đua lao động sáng tạo và quyết tâm thần tốc "vượt nắng, thắng mưa" trong quá trình xây dựng công trình đường dây 500 kV mạch 3 ra phía Bắc. Thành công của dự án đường dây 500 kV mạch 3 có sự quyết tâm nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong đó, có Bộ Công Thương.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 8/7/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, 9 địa phương có đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đi qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan để bàn, thống nhất các giải pháp triển khai dự án đặc biệt quan trọng này.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc. Bộ trưởng cho biết: Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành đưa vào vận hành trong tháng 6/2024.
Bên cạnh công tác chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công Thương với vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đối với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, Bộ trưởng đã yêu cầu các cục vụ chức năng trực thuộc bộ hỗ trợ tối đa chủ đầu tư trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án; Phối hợp với các bên giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đặc biệt đối với vấn đề nhập khẩu cột thép, nguyên liệu sản xuất, Bộ trưởng đã gửi công hàm cũng như yêu cầu các thương vụ liên quan vào cuộc đốc thúc.
Định kỳ 2 tuần 1 lần, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì họp trực tiếp và trực tuyến về dự án đường dây. Tại các cuộc họp, lãnh đạo Bộ lắng nghe báo cáo tiến độ của từng địa phương, đơn vị; đưa ra yêu cầu về mốc tiến độ cùng giải pháp tổng thể, cụ thể cho từng lĩnh vực vướng mắc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, hành chính về giải phóng mặt bằng, đền bù, thi công… Đồng thời, có báo cáo Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng định kỳ.
Ngoài ra, Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, các cục, vụ đã tham gia những buổi họp chuyên đề của Chính phủ; tham gia đoàn công tác của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến công trường. Bộ trưởng cũng trực tiếp đến các địa phương để kiểm tra tiến độ thi công; thăm, động viên các lực lượng thi công.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Đường dây 500 kV mạch 3 (tháng 6/2024). Ảnh: Cấn Dũng
Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó, có Bộ Công Thương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm việc liên tục 24/7, “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “làm xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ”..., chỉ sau hơn 6 tháng, 4 dự án thành phần và các công trình phụ trợ đã cơ bản hoàn thành.
Và sau gần 9 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công dự án đầu tiên, toàn bộ dự án đã hoàn thành đóng điện, tạo nên một kỳ tích mới trong xây dựng đường dây siêu cao áp tại Việt Nam.
Về bước đột phá này, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam - tại nghị trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV mới đây đã đánh giá cao về sự thần tốc của dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối, dự án rút ngắn được thời gian và sớm đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, chống lãng phí. "Việc này từ trước đến nay chưa làm được, có những đoạn đường làm đến mấy nhiệm kỳ cũng không xong nên tôi đánh giá rất cao vấn đề này" - đại biểu Tạ Văn Hạ nói.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động cả hệ thống chính trị với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Dự án này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại những giá trị vô hình không thể đo đếm được.
Nối dài kỳ tích, biến điều không thể thành có thể
Với việc thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) cũng là hành trình thần tốc, kỹ lưỡng, khoa học. Theo đó, quá trình sửa đổi Luật Điện lực đã được khởi động từ cuối năm 2023 và mỗi giai đoạn trong tiến trình ấy là một bước tiến quan trọng nhằm xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành điện trong bối cảnh kinh tế và năng lượng toàn cầu đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo hướng trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp (Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024). Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về nội dung Dự thảo 2 Luật Điện lực (sửa đổi), ngày 12/4/2024. Ảnh: EVNEIC
Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, với tinh thần chủ động, Bộ Công Thương đã sớm thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương, gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.
Cần phải thấy rằng, đây là một dự án luật khó và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vì điện năng là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Luật Điện lực (sửa đổi) đã "đột phá" vào những "điểm nghẽn" của ngành điện, qua đó khơi thông nguồn lực của xã hội, nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp.
Điển nhấn đáng chú ý phải kể tới đó là ngày 5/7/2024, Bộ Công Thương trình Chính phủ Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và các tài liệu kèm theo hồ sơ xây dựng dự án Luật. Ngày 23/7/2024, Chính phủ tổ chức phiên họp Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Luật Điện lực (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công Thuơng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai các dự án lưới điện. Ảnh: Cấn Dũng
Trong suốt các tháng 8, 9, 10 năm 2024, quá trình hoàn thiện hồ sơ tiếp tục được thực hiện và trình Quốc hội với tinh thần quyết liệt của cả hệ thống. Đến chiều 30/11, Luật Điện lực (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao (91,65%).
Các cuộc họp góp ý, cho ý kiến, xem xét, thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) diễn ra thường xuyên, liên tục với tinh thần "làm hết việc chứ không làm hết giờ" đã cho thấy sự nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công Thương, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đã tích cực đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự án luật với chất lượng cao nhất, để thúc đẩy Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được thông qua trong thời gian ngắn.
Thực tế, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp tổ hay hội trường Quốc hội đều cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban soạn thảo và đặt rất nhiều kỳ vọng vào dự án Luật này.
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/2/2025
Luật Điện lực năm 2024 đã bao quát được các chính sách lớn như quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn đã tồn tại trong thời gian dài, như cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, thay thế đối với các dự án điện chậm tiến độ.
Có thể nói, hành trình sửa đổi Luật Điện lực là một quá trình gấp rút và nhiều khó khăn, đan xen giữa các giai đoạn nghiên cứu, tham vấn và thẩm định. Nhưng quan trọng hơn, nó là kết quả của sự quyết tâm, tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Đây chắc chắn sẽ là một chương mới cho ngành điện lực Việt Nam, với những quy định minh bạch, hiện đại và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Một lần nữa ngành Công Thương nối tiếp kỳ tích khi chuyển điều “cá biệt” trở nên “phổ biến”.
Tự hào về lịch sử, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để hướng tới tương lai
Những thành công của ngành Công Thương đã được hiện thực hóa, tiếp nối từ truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành. Nhớ lại cách đây gần 75 năm, khi chính quyền cách mạng vừa được thành lập, khó khăn chồng chất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kêu gọi nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ vàng” và xây dựng “Quỹ độc lập” để xây dựng đất nước.
Vào thời điểm đó, “Tuần lễ vàng” đã thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17 - 24/9/1945, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” 20 triệu tiền đồng và 370 kg vàng. “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự ủng hộ sôi nổi của người dân trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với sự tham gia tích cực của nhiều nhà tư sản công và thương yêu nước.
Một sự kiện đáng chú ý, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Nguyễn Mạnh Hà được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế trong Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Làm Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ lâm thời khi nạn đói đang đe dọa nhân dân miền Bắc, ngay sau đó ông Nguyễn Mạnh Hà có Thông cáo gửi đến những hội buôn và cả những nhà tư sản buôn gạo mời tới trụ sở Bộ Kinh tế để thương thuyết.
Thông cáo ngày 6/9/1945 của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà mang nội dung cụ thể như sau: "Việc tiếp tế gạo cho Bắc Bộ xét ra rất cần thiết sau nạn lụt lội vừa xảy ra nên Chính phủ đã phái một Ủy ban vào Nam Bộ điều tra và tổ chức cách tải gạo ra Bắc. Việc ấy rất can hệ cho sự sống còn của mười triệu đồng bào nên Chính phủ hô hào quốc dân hưởng ứng và cộng tác vào việc tiếp tế về mọi phương diện. Những hội buôn hay các tư gia nào muốn tổ chức mua và vận tải gạo từ Nam ra Bắc xin mời lại Bộ Kinh tế để thương thuyết với đại biểu Chính phủ".
Cũng tại thời điểm này, khẳng định tầm quan trọng của giới Công - Thương, ngày 1/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công - thương (doanh nhân, doanh nghiệp ngày nay) Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới công - thương đã đoàn kết lại thành Công - Thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay, Công - Thương Cứu quốc đoàn đang hoạt động làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.
Về vai trò, nhiệm vụ của giới Công - Thương trong các giai tầng xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Về trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết"…
Bức thư chưa đầy 200 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương Việt Nam cách đây 70 năm là sự cổ vũ lớn lao cho giới Công - Thương hòa chung vào đội ngũ, cùng toàn dân tham gia kháng chiến và công cuộc kiến thiết đất nước.
Có thể nói, ở mỗi giai đoạn phát triển, ngành Công Thương đều có đóng góp quan trọng đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những giá trị truyền thống tốt đẹp ấy được các thế hệ lãnh đạo, người lao động dày công xây dựng, vun đắp và trao lại cho các thế hệ tiếp nối.
Bộ trưởng Bộ Công Thuơng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương về các dự án lưới điện. Ảnh: Cấn Dũng
Tiếp nối tinh thần ấy, từ những dự án trọng điểm như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Đường dây 500 kV mạch 3, Luật Điện lực (sửa đổi)… đều để lại cho ngành Công Thương những kinh nghiệm, bài học cực kỳ quý báu.
Từ điểm tựa đó, ngành Công Thương sẽ có sự đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian tới đây như: Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu; bảo đảm cung ứng năng lượng cho mục tiêu phát triển GDP hai con số những năm tới; chống lãng phí và tinh gọn bộ máy…, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Việt Anh