Một cuộc cách mạng trong cải cách hành chính đang diễn ra trên khắp cả nước: Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp - chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã - chính thức được vận hành. Đây không phải là thay đổi về cơ học, mà là một bước chuyển căn cơ trong tư duy quản trị Nhà nước. Đằng sau tám năm chuẩn bị chiến lược (kể từ khi Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được ban hành) và tám tháng triển khai thần tốc là quyết tâm chính trị mạnh mẽ và khát vọng cải cách thực chất, đặt người dân vào vị trí trung tâm của bộ máy hành chính.
Việc bỏ qua cấp trung gian không chỉ là tinh gọn tổ chức. Đó là cách để giải phóng nguồn lực, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, giảm gánh nặng ngân sách và tăng cường hiệu quả phục vụ. Quan trọng hơn, mô hình này sẽ giúp chính quyền gần dân hơn, tiếng nói của người dân được lắng nghe trực tiếp và chính sách đến tay người dân nhanh chóng, đồng bộ hơn.
Đây là một cuộc cách mạng toàn diện - không phải bằng vũ khí, mà bằng tinh thần đổi mới và dũng khí vượt lên những lối mòn. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức - từ cấp tỉnh đến cấp xã - đều là “người lính” trên mặt trận cải cách. Họ đang chiến đấu để xây dựng một nền hành chính phục vụ, hiệu lực và hiệu quả.
Thành công của mô hình này không thể tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng như ngọn đèn soi đường. Từ chủ trương chiến lược đến hành động cụ thể, từ sự giám sát hệ thống đến việc tổ chức thực thi - tất cả đều thể hiện rõ sự dẫn dắt nhất quán của Đảng. Những thông điệp như “vừa chạy vừa xếp hàng,”“chỉ bàn làm, không bàn lùi,” “không để gián đoạn công việc,” “Bộ máy mới phải gần dân, sát dân, hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn bộ máy cũ”… không chỉ là khẩu hiệu, mà là mệnh lệnh hành động trong thời điểm chuyển giao quan trọng này. Và chỉ khi vượt lên những thói quen cũ, hy sinh lợi ích cục bộ, chúng ta mới thực sự bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị,” Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Báo Điện tử VietnamPlus trân trọng giới thiệu loạt bài viết “Chính quyền 2 cấp: Khai mở kỷ nguyên quản trị mới” để cùng điểm lại sự cần thiết của việc cải cách hành chính cũng như phản ánh luồng sinh khí mới đang được thổi mạnh vào nền hành chính công Việt Nam, mở ra thời kỳ quản trị tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn bao giờ hết.
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Bài 1:
Bước ngoặt lịch sử của cuộc cách mạng kiến tạo nền hành chính phục vụ
Sau gần 40 năm đổi mới, nền hành chính công Việt Nam đang có những bước chuyển mình lịch sử khi thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây không chỉ là một cải cách hành chính thông thường mà là bước ngoặt quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.
Người dân trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, đều phấn khởi và đặt trọn niềm tin vào sự thay đổi này. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền và chính sách không còn là những điều xa vời mà đã trở nên gần gũi, sát cánh cùng Nhân dân hơn bao giờ hết.
Nơi gần dân nhất chưa được trao đủ quyền
Hệ thống chính quyền địa phương ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đã gắn bó với đất nước ta qua nhiều thập kỷ, đóng vai trò không nhỏ trong việc điều hành và quản lý. Tuy nhiên, giống như một cỗ máy vận hành lâu ngày, mô hình này dần bộc lộ những "điểm trừ." Sự cồng kềnh, chồng chéo trong phân cấp, phân quyền đã khiến bộ máy này trở nên nặng nề, thiếu hiệu quả. Người dân - đối tượng cần được phục vụ nhanh chóng và hiệu quả nhất, lại thường xuyên gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ công.
Cấp huyện - vốn là tầng nấc trung gian - đã trở thành một "điểm nghẽn" trong hệ thống. Thay vì giúp việc quản lý trở nên trơn tru, sự hiện diện của cấp này đôi khi làm tăng thêm chi phí, kéo dài thời gian xử lý công việc và khiến các vấn đề tại cơ sở bị trì trệ. Ngược lại, cấp xã - nơi gần gũi nhất với người dân - lại không được trao đủ quyền hạn để thực sự giải quyết các nhu cầu của cộng đồng. Hệ quả là, những vấn đề thiết thực, cấp bách của dân đôi khi phải đi qua nhiều "cửa," nhiều tầng nấc, mất thời gian và gây phiền hà không đáng có.
Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Tổng bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế."
Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) không chỉ là một quyết định mang tính chiến lược mà còn là một bước đi tất yếu. Đây không phải là một thay đổi đơn thuần về cơ cấu, mà là một cuộc cách mạng thực thụ trong cách tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước.
Khi tầng nấc trung gian được loại bỏ, các thủ tục hành chính sẽ trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng hơn. Người dân sẽ không còn phải chờ đợi lâu hay đi qua nhiều "cửa" để giải quyết công việc. Chính quyền cấp xã, với vị trí gần dân nhất, sẽ được trao thêm quyền lực để thực sự trở thành nơi giải quyết những vấn đề thiết thực nhất của cộng đồng.
Anh Trịnh Duy Dũng, phường Ngọc Hà, Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Trước đây có những thủ tục hành chính ra phường hỏi thì chỉ lên quận, lên quận lại chỉ xuống phường rất mất thời gian, nhưng giờ đây khi cấp phường có thể giải quyết rất nhiều thủ tục thì tôi cảm thấy rất mừng và yên tâm hơn khi làm các thủ tục hành chính.”
(Ảnh: PV/Vietnam+)
Sự thay tinh gọn chỉ còn chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ mang đến hy vọng về một bộ máy hành chính hiệu quả hơn, mà còn mở ra một chương mới trong cách quản trị quốc gia - nơi mà mọi chính sách, mọi quyết định đều hướng tới mục tiêu cao nhất: Phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Thời cơ chín muồi
Trong hành trình phát triển của đất nước, mỗi bước ngoặt lớn luôn cần một thời điểm vàng - khi mọi điều kiện đã hội tụ đủ để tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng. Và giờ đây, đất nước đang đứng trước một thời khắc như thế, thời điểm để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp đã đến. Đây không phải là một quyết định vội vã hay ngẫu hứng, mà là kết quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng dựa trên thực tiễn, cơ sở pháp lý, sự đồng thuận mạnh mẽ từ Nhân dân và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Hiện nay, nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ, công nghệ phát triển vượt bậc, và những nhu cầu từ thực tiễn ngày càng đòi hỏi sự thay đổi. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên thời cơ "chín muồi" để đất nước bước vào một cuộc cách mạng mới – nơi bộ máy hành chính được tái cơ cấu không chỉ để gọn hơn, mà còn để hiệu quả hơn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" - một thời kỳ quý giá nhưng không kéo dài. Ông Dĩnh cảnh báo: Nếu chúng ta không tận dụng được thời cơ này để phát triển, thì khi chuyển sang giai đoạn dân số già, cơ hội sẽ trôi qua mãi mãi. Và "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay chính là hệ thống tổ chức bộ máy với quá nhiều tầng lớp trung gian, cùng những thủ tục hành chính rườm rà. Những điều này không chỉ làm chậm lại tốc độ phát triển mà còn khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy cuộc cách mạng này chính là công nghệ. Công nghệ không chỉ là công cụ, mà còn là "chìa khóa vàng" để chúng ta tái định hình cách vận hành của bộ máy nhà nước. Nhờ công nghệ, các quy trình hành chính phức tạp đã được tự động hóa, những thủ tục giấy tờ rườm rà dần được thay thế bởi các hệ thống trực tuyến.
Cổng dịch vụ công quốc gia là một ví dụ điển hình. Nó không chỉ giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn mà còn loại bỏ nhiều khâu trung gian không cần thiết, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhân lực. Nhờ đó, các đơn vị hành chính không còn cồng kềnh như trước, biên chế được tinh giản, và hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng cao rõ rệt.
Không chỉ dừng lại ở đó, công nghệ còn đặt nền móng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số - một bước đi chiến lược để Việt Nam hiện đại hóa hệ thống quản lý nhà nước. Điều này không chỉ giúp bộ máy tinh gọn hơn, mà còn làm tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động, đưa chính quyền đến gần hơn với người dân.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định nếu như trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, cấp huyện đóng vai trò như một "cánh tay nối dài" của cấp tỉnh, thì giờ đây, với sự hỗ trợ của công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ tầng nấc trung gian này. Đảng cũng đã có Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, tạo niềm tin vững chắc rằng sự tinh gọn này không chỉ khả thi mà còn mang lại hiệu quả vượt bậc.
Để thực hiện được cuộc cách mạng kiến tạo nền hành chính phục vụ thì quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chính là ngọn nguồn sức mạnh và nền tảng vững chắc để biến khát vọng thành hành động. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thể hiện rõ vai trò tiên phong qua việc ban hành những nghị quyết mang tính chiến lược, chỉ đạo sát sao và đồng hành cùng các cấp chính quyền trong suốt quá trình chuẩn bị và triển khai.
"Vừa chạy, vừa xếp hàng" trong cuộc cách mạng
Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn, mang tính đột phá. Để bảo đảm bộ máy mới vận hành hiệu quả, thông suốt, không để gián đoạn hoạt động, Chính phủ đã chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, nhân sự, hạ tầng, công nghệ và thiết lập nhiều cơ chế hỗ trợ nhằm đồng hành cùng các địa phương trong quá trình chuyển đổi.
Chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động ngày 1/7 là kết quả một cuộc chạy đua nước rút chưa từng có của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Khẩu hiệu “vừa chạy, vừa xếp hàng” đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động, khi các cơ quan, đơn vị không ngần ngại làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để chính quyền cấp xã mới có thể vận hành thông suốt.
Chính quyền địa phương cấp xã đi vào hoạt động ngày 1/7 là kết quả một cuộc chạy đua nước rút chưa từng có của toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Khẩu hiệu “vừa chạy, vừa xếp hàng” đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động, khi các cơ quan, đơn vị không ngần ngại làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để chính quyền cấp xã mới có thể vận hành thông suốt.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV đã tạo ra một bước ngoặt lớn khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đặt nền móng pháp lý vững chắc cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Không chỉ dừng lại ở đó, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền, mở đường cho một nền hành chính hiệu quả và gần dân hơn. Đây không chỉ là những văn bản pháp lý mà còn là lời cam kết mạnh mẽ về một chính quyền phục vụ Nhân dân.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá việc ban hành đồng loạt 28 nghị định là một nỗ lực kiến tạo có tính lịch sử, không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại của bộ máy hành chính, mà còn đặt nền móng cho một mô hình quản trị hiện đại, hiệu lực và gần dân. Đây sẽ là bước đầu cho một mô hình quản trị địa phương hai cấp vững chắc, mở đường cho việc tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, nâng cao năng lực quản lý tại gốc - nơi người dân trực tiếp tiếp cận chính quyền.
Tổng Bí thư Tô Lâm. Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
“Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển theo chiều sâu, với những kỳ vọng về hùng cường, tự cường và thịnh vượng, thì những cải cách như thế này chính là chìa khóa để mở ra tương lai,” ông Dũng nhận định.
Quá trình xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ với sự tự hào về nỗ lực của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Thời gian qua, đã có 5.076 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát. Kết quả là 6.738 nhiệm vụ và thẩm quyền đã được xác định, trong đó 2.718 nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp, phân quyền và phân định rõ ràng. Công cuộc này không chỉ đơn thuần là rà soát mà là một cuộc cách mạng thực sự.
Thời gian qua, đã có 5.076 văn bản quy phạm pháp luật được rà soát. Kết quả là 6.738 nhiệm vụ và thẩm quyền đã được xác định, trong đó 2.718 nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp, phân quyền và phân định rõ ràng. Công cuộc này không chỉ đơn thuần là rà soát mà là một cuộc cách mạng thực sự.
Bộ Nội vụ, với hơn 4.000 công văn được ban hành chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã và đang miệt mài như những người thợ xây, từng ngày đặt những viên gạch cho nền móng của một nền hành chính mới.
Hàng nghìn văn bản đã được rà soát kỹ lưỡng, đó mới chỉ là bước chuẩn bị về mặt quy định. Để chính quyền địa phương hai cấp thực sự đi vào vận hành, gần 2 triệu cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương đã làm việc không ngừng nghỉ, chạy nước rút trong bối cảnh không chỉ loại bỏ cấp huyện, mà còn sáp nhập xã, phường. Đằng sau mỗi con số là những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.
Từ hôm nay, ngày 1/7, một nền hành chính mới "gần dân, sát dân" chính thức được kiến tạo. Trong bộ máy chính quyền địa phương mới này, cấp xã không còn chỉ là "cánh tay nối dài" mà đã trở thành tuyến đầu, được trao quyền thực thi các chính sách. Chính quyền cấp tỉnh giờ đây càng thể hiện rõ vai trò "nhạc trưởng", dẫn dắt và điều phối hiệu quả. Phân cấp, phân quyền trong chính quyền địa phương được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, tạo nên một bộ máy hành chính linh hoạt, hiện đại và gần gũi hơn với người dân./.
Mời độc giả đón đọc loạt bài:
(Vietnam+)