Bước ngoặt mới ở Trung Á

Bước ngoặt mới ở Trung Á
14 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan tại Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Khujand, Tajikistan. (Nguồn: X)
Ngày 31/3, tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Tổng thống Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgyzstan tại thành phố Khujand, Tajikistan, lãnh đạo ba nước đã thông qua Hiệp ước về điểm giao nhau tại biên giới quốc gia giữa ba nước. Thỏa thuận bước ngoặt này sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển bền vững giữa ba quốc gia, đồng thời tăng cường thẩm quyền quốc tế của khu vực Trung Á.
Mở rộng quan hệ
Đáng chú ý, tại Thượng đỉnh, lãnh đạo ba nước còn khánh thành Bia hữu nghị, biểu tượng mới cho mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, tin cậy và đối tác chiến lược ngày càng bền chặt giữa các nước anh em khu vực Trung Á. Những động thái mới này cho thấy trong bối cảnh tình hình thế giới biến đổi khó lường hiện nay, các nước Trung Á đang chú trọng tích cực đẩy mạnh phát triển hợp tác nội khối về nhiều mặt từ an ninh, chính trị đến kinh tế và văn hóa…
Quan hệ thương mại giữa Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan gần đây có nhiều chuyển biến đáng chú ý với sự gia tăng hợp tác nội khối cũng như mở rộng quan hệ với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước đầu tàu ở Trung Á là Kazakhstan và Uzbekistan, những quốc gia đang ở giai đoạn đầu của cải cách kinh tế có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Hai nước đã ký nhiều thỏa thuận thương mại để đạt mục tiêu kim ngạch song phương 10 tỷ USD trong những năm tới. Quan hệ thương mại giữa Uzbekistan, Kazakhstan với Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Uzbekistan đạt hơn 5 tỷ USD, giữa Kazakhstan với Kyrgyzstan đạt hơn 1,7 tỷ USD, với Tajikistan đạt 1,2 tỷ USD và với Turkmenistan là 555, 7 triệu USD.
Nỗ lực kết nối với EU
Nhiều chuyên gia quốc tế nhìn nhận những thành tựu đạt được trong thời gian gần đây đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt của 5 nước Trung Á, biến khu vực này trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới, trong đó có EU.
Trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ tư, gây xáo trộn và có ảnh hưởng rất tiêu cực tới nhiều nước châu Âu, EU đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Á, một động thái được cho là nhằm cạnh tranh với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc.
Sau thượng đỉnh Khujand, một sự kiện quan trọng trong nỗ lực này là các nước khu vực tiếp tục tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á tại thành phố Samarkand của Uzbekistan vào ngày 3 - 4/4 với sự tham gia lần đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Trong ba năm qua, quan hệ Trung Á và EU được lãnh đạo cả hai phía quan tâm thúc đẩy thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn thường xuyên ở cấp cao, chiến lược hợp tác được cập nhật và các dự án kinh tế mới được triển khai. Sau gần hai năm tìm kiếm cách tiếp cận mới đối với khu vực, Hội đồng EU thông qua Kế hoạch hành động chung vào tháng 10/2023 nhằm tăng cường mối quan hệ giữa EU và Trung Á. Trong đó, các vấn đề kinh tế liên quan chặt chẽ đến hợp tác năng lượng, khí hậu, môi trường và giao thông, chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong kế hoạch hành động chung mới.
Chúng có thể được coi là những kênh hợp tác quan trọng nhất cũng như trong tương lai giữa EU và khu vực này. Cuối tháng 1/2024, EU tuyên bố phân bổ 10 tỷ Euro thông qua các công cụ tài chính khác nhau để phát triển Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (TITR - còn gọi là Hành lang giữa), nối châu Âu với Trung Quốc, bỏ qua Nga qua Trung Á. Một thỏa thuận hợp tác chiến lược cũng đã được ký kết trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng, pin và năng lượng tái tạo với Kazakhstan (tháng 11/2022) và gần đây nhất - vào tháng 4/2024 - trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng với Uzbekistan.
Những kế hoạch này được thể hiện trong nhiều cuộc đối thoại chính trị chuyên sâu, trong các chuyến thăm của các chính trị gia cấp cao của EU, nhằm tìm kiếm các hình thức hợp tác tối ưu và khởi xướng các dự án kinh doanh mới. Theo thời gian, mục tiêu quan trọng của EU là thuyết phục các nước trong khu vực tuân thủ chế độ trừng phạt nhằm vào Nga (Trung Á là một kênh mà phương Tây cho rằng có lợi cho Nga để lách các lệnh trừng phạt). Brussels cũng đang phát triển các sáng kiến giao thông vận tải không có sự tham gia của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á diễn ra tại thành phố Samarkand của Uzbekistan từ ngày 3 - 4/4. (Nguồn: NCA)
Mục tiêu của EU đối với khu vực Trung Á phù hợp với lợi ích và chính sách của các thành viên quan trọng, chủ yếu là Đức và Pháp. EU coi Kazakhstan và Uzbekistan là nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng thay thế Nga (dầu, khí đốt, than, đất hiếm…). Hiện Đức đã hợp tác với Kazakhstan vận chuyển dầu từ quốc gia Trung Á đến Đức qua đường ống dẫn dầu Druzhba với hợp đồng được ký kết vào tháng 6/2023. Kazakhstan hiện trở thành một trong ba nhà xuất khẩu dầu lớn nhất sang Pháp (năm 2024 nước này đã xuất khẩu 5,47 triệu tấn sang Pháp). Paris cũng đang nhập khẩu ngày càng nhiều uranium từ Kazakhstan và Uzbekistan. Năm 2022, các nước này đã cung cấp hơn 50% nguồn cung cho thị trường Pháp.
Một yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương là các khoản đầu tư của phương Tây vào các nguồn năng lượng tái tạo, ví dụ như của tập đoàn Svevind Energy Group của Đức-Thụy Điển trong một nhà máy điện gió và mặt trời ở Kazakhstan (50 tỷ USD) hoặc của TotalEnergies SE của Pháp trong một tổ hợp tua bin gió ở nước này (1,4 tỷ USD).
Về phần mình, việc làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với EU đã trở thành cơ hội để các nước Trung Á tránh bị cô lập do cuộc xung đột ở Ukraine. Đây còn được coi là một sáng kiến hấp dẫn về mặt kinh tế và ở một mức độ nào đó cũng là một sự củng cố chính trị của khu vực. Theo quan điểm của các chính trị gia sở tại, tăng cường hợp tác với EU là hình thức bổ trợ chứ không thay thế hoặc làm suy yếu mối quan hệ bền chặt của các nước này với Moscow và Bắc Kinh.
Phản ứng liên quan
Sự chuyển hướng của EU tới Trung Á là một phần trong hoạt động mở rộng hơn ảnh hưởng của Brussels trong khu vực không gian hậu Xô Viết. Trong điều kiện hiện tại, vẫn còn chỗ cho sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa EU và các nước Trung Á. Nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào diễn biến của tình hình quốc tế, bao gồm cả kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, quyết tâm tiếp tục thúc đẩy quan hệ của EU và các nước trong khu vực.
Nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, đối với các nước Trung Á, việc tăng cường quan hệ với EU có nguy cơ gây ra phản ứng từ Nga và Trung Quốc. Tham vọng ngày càng tăng của EU trong khu vực được Nga và Trung Quốc coi là một thách thức, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng đạt được thành công. Việc Brussels đẩy mạnh mối quan hệ cả chính trị và kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Á và EU sẽ không làm suy yếu vị thế của Nga và Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là về mặt an ninh, trong tương lai gần.
Phan Hải
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/buoc-ngoat-moi-o-trung-a-309821.html