Bước ngoặt quan trọng của kinh tế tư nhân!

Bước ngoặt quan trọng của kinh tế tư nhân!
5 giờ trướcBài gốc
Cùng với đó là những chủ trương quan trọng khác tạo ra không gian rộng lớn cho kinh tế tư nhân phát triển không giới hạn.
Từ chỗ bị chối bỏ đến được thừa nhận
Do hoàn cảnh lịch sử, kinh tế tư nhân Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bị phân biệt đối xử để rồi nay, kinh tế tư nhân không những được tôn trọng khích lệ mà còn là thành phần kinh tế được coi là động lực của nền kinh tế.
Trước năm 1986, kinh tế tư nhân bị xem là thành phần phi xã hội chủ nghĩa, không được khuyến khích phát triển. Thậm chí, bị phân biệt đối xử phải hoạt động lén lút tưởng như sắp "tuyệt chủng". Lúc bấy giờ, Nhà nước tập trung vào kinh tế tập thể, quốc doanh và coi đó là “khuôn vàng thước ngọc” của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Cũng chính vì bị phân biệt đối xử nên tư nhân chỉ tồn tại ở quy mô nhỏ, chủ yếu là buôn bán, sản xuất thủ công, trong điều kiện bị hạn chế pháp lý. Cũng chính vì những chính sách sai lầm này mà đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nền kinh tế nước nhà rơi vào suy thoái nghiêm trọng, lạm phát phi mã, hàng hóa khan hiếm nợ nần chồng chất, nền kinh tế đứng trên bờ vực của sự sụp đổ.
Trước thời điểm lịch sử đó, Đảng ta đã đi đến một quyết định quan trọng, đó là tiến hành công cuộc đổi mới vào cuối năm 1986. Theo đó, Nhà nước thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Lần đầu tiên, tư nhân được thừa nhận và khuyến khích trong một số lĩnh vực. Trong không gian nhỏ hẹp này, kinh tế tư nhân như được hồi sinh và trở thành một bộ phận của nền kinh tế thị trường và đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, giúp giải quyết việc làm và đóng góp cho ngân sách quốc gia.
Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên công nhận kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế hợp pháp. Việc một thành phần kinh tế bị chèn ép trong một thời gian dài đến khi được thừa nhận và luật hóa trong Hiến pháp là nguồn động viên lớn lao cho các doanh nghiệp doanh nhân khi họ vẫn còn lưỡng lự và băn khoăn trong các hoạt động của mình. Dẫu vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nhiều rào cản, thiếu khung pháp lý rõ ràng để hoạt động.
Công cuộc cải cách lần hai, tạo điều kiện cho tư nhân phát triển mạnh mẽ
Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 với nhiều điều khoản thông thoáng hơn đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân ra đời. Cùng với đó là việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới khiến doanh nghiệp tư nhân có thêm không gian phát triển. Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO đã thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, mở đường cho tư nhân tiếp cận thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), một phiên chợ công khai về thị trường vốn cho phép các thành phần kinh tế có thể tham gia giao dịch các nguồn vốn dài hạn cho đầu tư phát triển. Tiền thân của HOSE là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, chính thức khai trương hoạt động vào ngày 20/7/2000 và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000. Trong ngày giao dịch đầu tiên, chỉ có 2 DN niêm yết và 6 công ty chứng khoán thành viên tham gia thị trường. Tính đến thời điểm này, sàn HoSE có gần 500 mã chứng khoán niêm yết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia khá nhộn nhịp.
Những chính sách thông thoáng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô và khẳng định vai trò trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, bất động sản, công nghệ... Từ đó, đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn với tổng tài sản hàng trăm tỷ đô la Mỹ, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Những cái tên như Vin Group, Thaco Group, Hòa Phát Group, FPT… đã vươn lên một cách mạnh mẽ và lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (2017) lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” của nền kinh tế. Một số DN tư nhân có nguồn lực bắt đầu đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, hàng không, ngân hàng và được nhà nước tạo điều kiện.
Nghị quyết số 68-NQ/TW, bước ngoặt quan trọng cho kinh tế tư nhân
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024. Ảnh: TTXVN
Nghị quyết số 68 được Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 4/5/2025 là một văn kiện quan trọng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là lần đầu tiên một nghị quyết do Tổng Bí thư, người đứng đầu Bộ Chính trị ký để khẳng định mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân.
Theo đó, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết cũng nêu rõ: Doanh nghiệp, doanh nhân được coi là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế", cần được tôn trọng và bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng.
Cùng với việc khẳng định vai trò kinh tế tư nhân, Nghị quyết cũng ghi rõ mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60-65% GDP. Để làm được việc đó, Nghị quyết cũng chỉ đạo các cấp, các ngành phải tạo điều kiện để hình thành nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Cùng với việc phát triển các ngành nghề truyền thống, Nghị quyết cũng “khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình phát triển bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG)”.
Không chỉ khẳng định vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân, Nghị quyết cũng nêu nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có việc cải cách thể chế: “Xóa bỏ rào cản, định kiến đối với kinh tế tư nhân; hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp”.
Cùng với các khung khổ pháp lý, tạo điều kiện, mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết cũng đề cập đến việc hỗ trợ tài chính, mảng này vẫn gây khó cho các DN tư nhân, đặc biệt khi tham gia đầu tư vào các dự án dài hạn. Theo đó, “Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất, khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng ESG”.
Nhà nước cũng đồng hành với các doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ việc “khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”.
Nhìn lại sau gần 40 năm đổi mới với việc liên tục hoàn thiện chính sách, Nghị quyết 68 được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm đột phá về tư duy và chính sách đối với kinh tế tư nhân. Với những định hướng chính sách rõ ràng, cụ thể và khác biệt, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể yên tâm phát triển hết năng lực của mình mà không bị một rào cản nào. Đây được coi là một trong những nhân tố để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu.
Phan Thế Hải
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/buoc-ngoat-quan-trong-cua-kinh-te-tu-nhan-317602.html