Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội ở Washington, D.C., chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Vào đúng 12 giờ 01 phút ngày 20/1 (đúng 0 giờ 1 phút ngày 21/1, theo giờ Việt Nam), tại phòng mái vòm Rotunda ở Đồi Capitol, ông Donald Trump đã bước lên tuyên thệ nhậm chức dưới sự điều hành nghi thức của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts, để chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Trước sự chứng kiến của Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ: "Tôi trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ Hiến pháp Mỹ. Vì vậy xin Chúa hãy giúp tôi!".
Trước đó vào ngày 19/1, trong buổi vận động trước lễ nhậm chức tại Washington, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã thu hút sự chú ý khi công bố kế hoạch yêu cầu quân đội xây dựng một hệ thống “Vòm Sắt” (Iron Dome) hoàn toàn do Mỹ sản xuất ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông. Lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ tên lửa nổi tiếng của Israel, sáng kiến này, được nêu bật trong cương lĩnh của đảng Cộng hòa, hướng tới việc tạo ra một “lá chắn bảo vệ” cho toàn nước Mỹ.
Ông Trump nhấn mạnh tính bao trùm toàn quốc của dự án, cam kết rằng hệ thống sẽ được phát triển và xây dựng hoàn toàn trong nước. Kế hoạch này đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng liên quan đến chi tiết kỹ thuật, chi phí và các công nghệ có thể được tích hợp. Mặc dù khả năng xây dựng một hệ thống khác biệt với Vòm Sắt của Israel không bị loại trừ, đề xuất này phù hợp với mục tiêu tăng cường tự lực công nghệ và thúc đẩy đổi mới trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel, được phát triển bởi tập đoàn Rafael Advanced Defense Systems với sự hỗ trợ tài chính từ Mỹ, nổi tiếng toàn cầu với khả năng phòng thủ tên lửa tầm ngắn. Hệ thống có tính cơ động cao và hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết này có thể đánh chặn và vô hiệu hóa các đạn pháo, tên lửa và súng cối của đối phương. Được trang bị radar EL/M-2084 và tên lửa đánh chặn Tamir, hệ thống tính toán quỹ đạo của các mối đe dọa trong thời gian thực và chỉ tấn công những mục tiêu có khả năng gây hại. Với tỷ lệ đánh chặn thường vượt 90%, Vòm Sắt đã chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ dân thường trong nhiều cuộc xung đột.
Tuy nhiên, Vòm Sắt của Israel cũng có những hạn chế. Dù rất hiệu quả với các mối đe dọa tầm ngắn, hệ thống chỉ cung cấp khả năng bảo vệ một phần trước các tên lửa tầm xa, thiết bị bay không người lái (UAV) tiên tiến hoặc vũ khí siêu vượt âm. Do đó, Vòm Sắt thường được bổ sung bởi các hệ thống khác như David’s Sling và Arrow để tạo ra hệ thống phòng thủ phân lớp.
Dự án của ông Trump nhằm khắc phục những hạn chế này bằng cách phát triển một hệ thống có khả năng đối phó với các mối đe dọa đa dạng hơn, bao gồm các công nghệ vũ khí mới nổi. Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư lớn để xây dựng cơ sở sản xuất mới và tích hợp các công nghệ tiên tiến. Các thách thức bổ sung bao gồm đảm bảo khả năng tương thích với các hệ thống hiện có của Mỹ như Patriot, THAAD và Aegis, vốn là nền tảng của kiến trúc phòng thủ tên lửa quốc gia.
Xem video của nhân chứng ghi lại được cảnh hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đánh chặn các vật thể bay hướng về thành phố Eilat bên Biển Đỏ vào ngày 19/10/2024. Nguồn: Reuters
Hệ phống phòng hủ hiện có của Mỹ
- Patriot PAC-3 MSE (Missile Segment Enhancement): Đây là một thành phần quan trọng của phòng không Mỹ, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa như tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và vệ tinh quỹ đạo thấp. Tên lửa thuộc hệ thống này hoạt động với tốc độ Mach 5, có tầm bắn 35 km và độ cao đánh chặn 15 km, mỗi bệ phóng mang tới 16 tên lửa.
- THAAD (Terminal High Altitude Area Defense): Được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối, cả trong và ngoài khí quyển. Mỗi hệ thống bao gồm 9 bệ phóng di động, radar AN/TPY-2 với tầm phát hiện 1.000 km, và xe chỉ huy.
- Hệ Thống Aegis: Tích hợp trên các tàu khu trục, hệ thống này có khả năng phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo vượt trội, với radar AN/SPY-1D theo dõi các mối đe dọa trong phạm vi hơn 300 km.
Công Nghệ Mới và Triển Vọng
Mỹ cũng đang đầu tư mạnh vào vũ khí laser và năng lượng định hướng để đối phó với thiết bị bay không người lái và tên lửa, cung cấp giải pháp hiệu quả về chi phí và tốc độ. Các radar tiên tiến như Sentinel A4 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và theo dõi mối đe dọa theo thời gian thực.
Việc tích hợp hệ thống Vòm Sắt với Hệ thống Chỉ huy tác chiến tích hợp (IBCS) có thể cải thiện sự phối hợp giữa các nền tảng phòng thủ khác nhau, tăng tốc độ và độ chính xác đánh chặn.
Hệ thống Vòm Sắt mới được đề xuất có thể trở thành chất xúc tác cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, thúc đẩy sự độc lập chiến lược và củng cố vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thành công của sáng kiến này sẽ phụ thuộc vào khả năng phát triển một hệ thống hiệu quả, linh hoạt và bền vững về mặt kinh tế.
Tuyên bố của ông Trump đánh dấu một bước ngoặt tiềm năng trong sự phát triển của các công nghệ quốc phòng của Mỹ. Dự án này đại diện cho một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ Mỹ trước các đối thủ như Trung Quốc, Liên bang Nga và Triều Tiên, những quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong công nghệ tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu vượt âm, gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng. Bằng cách đối phó với những thách thức chiến lược này, hệ thống Vòm Sắt của Mỹ có thể mang lại lợi thế phòng thủ quan trọng, đồng thời củng cố các liên minh với các đối tác chủ chốt có chung mối quan tâm về an ninh.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Army Recognition)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/buoc-ngoat-tiem-nang-ve-phat-trien-cong-nghe-quoc-phong-my-sau-tuyen-bo-cua-ong-trump-20250121094501613.htm