Bước ngoặt và nỗi niềm

Bước ngoặt và nỗi niềm
11 giờ trướcBài gốc
Một chính sách mới, được kỳ vọng là bước ngoặt cho chuyển đổi xanh. Có người ủng hộ mạnh mẽ, nhưng cũng không ít người thấp thỏm, bởi bên cạnh mục tiêu sạch, xanh, hiện đại, là nỗi lo của hàng vạn con người trông vào từng vòng quay động cơ cũ kỹ ấy.
Không thể phủ nhận, Hà Nội đang ô nhiễm nặng. Theo đó, vào ngày 21.3.2025, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội vượt mức 300 nằm trong vùng “nguy hại” theo chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (US EPA). Tình trạng ô nhiễm bụi mịn kéo dài không còn là câu chuyện môi trường mà là vấn nạn cho sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đô thị. Giảm xe xăng, tăng xe điện, mở rộng bus và metro... là những giải pháp không thể trì hoãn, nếu Hà Nội không muốn bị “ngộp thở”.
Đây cũng là lúc Việt Nam thể hiện cam kết với thế giới về chuyển đổi xanh. Làm thật, chứ không phải nói chơi, bởi quốc tế đang nhìn vào từng hành động cụ thể của chúng ta. Và, chính sách mới này chính là cách mà cả hệ thống hạ tầng phải chuyển mình.
Nhưng…, cái gì cũng có giá của nó. Với người có tiền, đổi xe điện chỉ là vài cú click chuột để “chốt đơn”. Nhưng còn những người kiếm sống bằng chiếc xe xăng cũ thì sao?
Như bác xe ôm vẫn đều đặn ship hàng mỗi sáng, chở cháu đi học mỗi chiều, chiếc xe là kế sinh nhai, là cơm áo, là học phí, là sự sống của cả một gia đình. Bảo người nghèo “phải đổi xe”, đâu đơn giản chỉ là chuyện thay một món đồ. Đó là cuộc sống bị xáo trộn, là áp lực không tên, là câu hỏi lớn: “Liệu mình còn có thể trụ lại ở thành phố nữa hay không?”
Không ai muốn mình bị xem là kẻ cản đường chỉ vì chưa đủ khả năng đổi mới. Và ngay cả khi muốn, liệu đã có đủ hạ tầng để xe điện thực sự là giải pháp tiện lợi, chứ không phải là một gánh nặng?
Nỗi lo này, có lẽ không đơn thuần nằm ở chiếc xe, mà ở cảm giác bất lực trước một chính sách có thể ập đến khi mình chưa sẵn sàng. Một quyết định thay đổi đột ngột không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn làm lung lay niềm tin, rằng những người yếu thế vẫn được lắng nghe, được bảo vệ trong quá trình phát triển.
Điều đáng mừng là Chính phủ và chính quyền Hà Nội đã không vội vàng. Từ ngữ được sử dụng là “định hướng”, không phải “cấm ngay”. Đây là cách làm có trách nhiệm, vừa thăm dò phản ứng, vừa mở đường dư luận. Nhưng dù là “gợi mở”, cũng cần nghe rõ tiếng nói của người dân. Muốn “ý Đảng hợp lòng dân” thì không thể có chính sách cào bằng “một cỡ cho tất cả”. Phải có lộ trình, nôm na là “chuyển đổi mềm”, chứ không thể ngay lập tức “cấm cứng”…
Và thực tế, đã có những bước đi cụ thể được tính tới, như: Tiếp tục miễn 100% lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy pin đến hết ngày 28.2.2027; nhiều doanh nghiệp lớn triển khai chương trình “thu xe xăng, đổi xe điện” với ưu đãi tài chính hấp dẫn, hỗ trợ trả góp lãi suất thấp, tặng bộ sạc, kéo dài thời gian bảo hành…
Hạ tầng trạm sạc đang được triển khai tại các khu vực trung tâm và vành đai, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi. Các chính sách đầu tư vào hệ thống bến, trạm và dịch vụ sạc nhanh cũng được đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2025-2030.
Những hỗ trợ này, nếu đi vào thực chất, đến được đúng người cần, thì đó là cánh tay nối dài của chính sách nhân văn: Để không ai bị bỏ lại phía sau!
Nhìn xa về phía trước, ai cũng muốn con mình, cháu mình lớn lên trong một thành phố xanh, sạch, yên bình. Nhưng đổi mới, nếu thiếu sự thấu cảm, có thể trở thành vết rạn.
Những “phó thường dân” như tôi đang chờ một quyết sách đúng đắn, một cộng đồng biết lắng nghe, biết đồng hành để cùng nhau phát triển. Hà Nội sẽ xanh hơn nếu bắt đầu từ nhân văn, thấu cảm và sẻ chia!
ĐỖ CAO HUYỀN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/chinh-tri/buoc-ngoat-va-noi-niem-154376.html