Chuyển đổi năng lượng mặt trời ở châu Âu
Châu Âu đang khẳng định vị thế tiên phong trong cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Theo dữ liệu của tổ chức tư vấn năng lượng Ember, năng lượng mặt trời chiếm 11% tổng sản lượng điện của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2024, tăng so với mức 9,3% của năm 2023 và lần đầu tiên vượt qua than đá - vốn giảm xuống dưới 10%.
Theo dữ liệu từ trang carboncredits - một trang web chuyên cung cấp thông tin về thị trường tín chỉ carbon, công suất lắp đặt của EU đạt mức kỷ lục 66 GW, nâng tổng công suất tích lũy lên 338 GW, tiệm cận mục tiêu trung gian trong kế hoạch REPowerEU ( một sáng kiến do Ủy ban châu Âu đề xuất nhằm chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga trước năm 2030) cho năm 2025 là 400 GW. Với tốc độ này, EU hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 750 GW vào năm 2030. 16 quốc gia thành viên đã sản xuất hơn 10% điện từ năng lượng mặt trời (tăng từ 13 quốc gia vào năm 2013), phản ánh sự lan tỏa toàn diện của xu hướng này.
Từ tháng 1 đến tháng 11/2024, giá bán buôn tấm pin mặt trời tại châu Âu giảm kỷ lục mất 35%. Ảnh minh họa
Các mô hình ứng dụng sáng tạo cũng được ghi nhận như: Tấm pin mặt trời gắn ban công (balcony solar) ở Đức, hệ thống điện mặt trời kết hợp nông nghiệp (agri-PV), tích hợp giữa canh tác nông nghiệp và phát điện. Đặc biệt, lắp đặt điện mặt trời dân dụng (rooftop) gặp nhiều khó khăn trong năm qua và đã bị vượt mặt bởi điện mặt trời quy mô tiện ích (utility-scale solar) - trở thành phân khúc thị trường lớn nhất năm 2024, theo phân tích của SolarPower Europe - hiệp hội hàng đầu đại diện cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tại châu Âu.
Thách thức trong chuyển đổi
Tuy vậy, quá trình chuyển đổi không phải không có trở ngại. Một trong những vấn đề lớn nhất là hạ tầng hỗ trợ chưa theo kịp tốc độ phát triển. Ví dụ, đồng hồ đo điện thông minh (smart meters) - công cụ then chốt để người tiêu dùng kiểm soát và tối ưu hóa việc sử dụng điện theo thời gian thực - vẫn chưa phổ biến: Dưới 30% hộ gia đình ở 10 nước EU được lắp đặt thiết bị này.
Mặt khác, sự bất bình đẳng trong phân bổ hạ tầng lưu trữ pin cũng đáng chú ý: Đức và Ý chiếm 70% tổng công suất lắp đặt hệ thống lưu trữ toàn EU.
Theo số liệu từ trang carboncredits, giá bán buôn tấm pin mặt trời tại châu Âu giảm kỷ lục - mất 35% từ tháng 1 đến tháng 11/2024, sau khi đã giảm 50% trong năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí chuỗi cung ứng giảm và tình trạng dư cung trên thị trường. Chi phí giảm mạnh, đầu tư chững lại trong khi các quy định và thủ tục hành chính phức tạp đang là rào cản lớn đối với nhiều dự án.
Giải pháp và chiến lược
Để đối phó với các thách thức, EU đang tập trung vào “tính linh hoạt sạch” (clean flexibility) như lưu trữ pin, hiện đại hóa lưới điện và điện khí hóa thông minh – trụ cột của tương lai năng lượng tái tạo. Pin lưu trữ giữ vai trò quan trọng trong việc điều phối cung cầu điện – lưu điện khi nắng mạnh và giải phóng khi nhu cầu tăng.
Việc lắp pin tại cùng vị trí với các nhà máy điện mặt trời (solar-plus-storage) đang nhanh chóng trở thành chuẩn mực trong ngành. Cách làm này giúp các nhà sản xuất điện tránh phải bán điện vào buổi trưa khi giá rẻ và thay vào đó hưởng lợi vào buổi tối khi giá cao hơn. Nó cũng củng cố hiệu quả tài chính cho ngành điện mặt trời, đảm bảo lợi nhuận kể cả trong các thời kỳ dư thừa sản lượng.
Một giải pháp quan trọng là mở rộng hệ thống kết nối điện xuyên biên giới, cho phép các quốc gia chia sẻ lượng điện mặt trời dư thừa, từ đó giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng tính ổn định cho lưới điện toàn khu vực.
Các cuộc cải cách thủ tục hành chính của EU đang được triển khai nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và đổi mới công nghệ. Theo thông tin từ trang Reuters, Ủy ban châu Âu đang xem xét đơn giản hóa các luật năng lượng tái tạo của EU nhằm giảm gánh nặng quy định.
Về người tiêu dùng, nhờ giá điện buổi trưa thường giảm đến mức 0 hoặc âm, các hộ gia đình và doanh nghiệp có cơ hội tiết kiệm đáng kể chi phí nếu biết tận dụng khung giờ giá thấp thông qua công nghệ điện khí hóa thông minh.
Nghị định 40/2025/NĐ-CP: Cột mốc chính sách mới của Việt Nam
Ngày 1/3/2025, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 40/2025/NĐ-CP – một bước ngoặt thể chế quan trọng, xác lập chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Nghị định này nhấn mạnh vai trò trung tâm của Bộ Công Thương trong việc xây dựng và triển khai chính sách phát triển năng lượng tái tạo; quản lý nhà nước đối với điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng sạch khác; cải tổ các tổ chức, giảm từ 28 xuống còn 22 đơn vị thuộc bộ nhằm tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả điều hành.
Đây là một bước đi chiến lược thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tiềm năng và bài học cho Việt Nam
Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn để phát triển năng lượng mặt trời nhờ vào vị trí địa lý nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhận được bức xạ mặt trời dồi dào quanh năm, trung bình 1.500 kWh/m² mỗi năm. Ánh sáng mặt trời phân bố đều khắp các vùng miền, phù hợp với sự phân bố dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai điện mặt trời cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng và các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, hỗ trợ mua lại điện, điện mặt trời đang ngày càng trở thành lựa chọn hấp dẫn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng xanh.
Từ những kinh nghiệm của châu Âu, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học để đẩy nhanh và làm sâu sắc thêm quá trình chuyển đổi năng lượng mặt trời:
Thứ nhất, tầm quan trọng của chính sách linh hoạt và hỗ trợ thực tiễn: Châu Âu không chỉ đầu tư mạnh mẽ mà còn liên tục cập nhật các chính sách nhằm thích nghi với bối cảnh mới. Cải cách thủ tục, đơn giản hóa quy định là yếu tố then chốt để khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân. Việt Nam nên thúc đẩy các chính sách "thông minh", vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ hai, không thể chuyển đổi thành công nếu lưới điện không hiện đại hóa. Việt Nam cần ưu tiên đầu tư vào: Lưới điện thông minh và liên kết vùng; hệ thống lưu trữ điện và pin năng lượng quy mô lớn; thiết bị đo đếm thông minh và quản lý phụ tải.
Thứ ba, điện mặt trời không chỉ là năng lượng, mà còn là kinh tế: Châu Âu chứng minh rằng năng lượng mặt trời có thể giúp giảm giá điện, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và giảm áp lực ngân sách nhà nước. Việt Nam cần hướng tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh thực sự, nơi giá điện phản ánh đúng quy luật cung - cầu, khuyến khích tiêu dùng thông minh và đầu tư hiệu quả.
Thứ tư, khuyến khích sáng tạo và ứng dụng đa dạng: Các mô hình như “agri-PV” hay pin mặt trời gắn ban công của EU mở ra cơ hội lớn để áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh nông nghiệp hoặc đô thị đông dân. Chính phủ nên thiết kế các chương trình thí điểm, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để nhân rộng những mô hình sáng tạo.
Thứ năm, xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức: Việc phổ cập kiến thức cho người dân về lợi ích và cách sử dụng năng lượng mặt trời linh hoạt là yếu tố quyết định. Các chiến dịch truyền thông, đào tạo kỹ thuật và hợp tác công - tư trong đào tạo nhân lực sẽ đóng vai trò nền tảng.
Cuộc chuyển đổi năng lượng mặt trời tại châu Âu là minh chứng rõ ràng cho khả năng thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nguồn năng lượng sạch, giá rẻ và bền vững. Với những thành tựu ban đầu và khung chính sách ngày càng hoàn thiện, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá.
Thanh Thanh