Bệnh nhân nguy kịch do vết thương xuyên tim được cấp cứu thành công tại Bệnh viện E. Ảnh: BVCC.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 200.000 ca tử vong do bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong. Điển hình là tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành đạt khoảng 25%, tức cứ 4 người thì có 1 người mắc. Đáng chú ý, bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa, với nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra ở độ tuổi 50, thay vì trên 60 như trước đây.
GS.TS Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam nhận định, các bệnh lý tim mạch đang là một trong những thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu, đòi hỏi sự đổi mới không ngừng trong nghiên cứu, ứng dụng và hợp tác khoa học. Điều này đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nghiên cứu, trao đổi kiến thức và tìm ra giải pháp hiệu quả để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Gần đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) đã đón nhận “Chứng nhận vàng” trong điều trị suy tim. Đây là bệnh viện đa khoa đầu tiên ở nước ta đạt chứng nhận này. Trước đó 1 năm, bệnh viện đã đón nhận “Chứng nhận bạc” về điều trị suy tim của Hội Tim Hoa Kỳ (AHA).
Được biết, tiêu chuẩn để nhận được chứng nhận từ AHA rất khắt khe, phải chính xác trong chẩn đoán, người bệnh được hẹn tái khám và theo dõi đầy đủ, tỷ lệ sử dụng các thuốc được chứng minh cải thiện được tiên lượng cho người bệnh suy tim phải rất cao trên 85% và đặc biệt thời gian tham gia và đạt các tiêu chí này phải liên tục trong ít nhất 2 năm. Các chứng nhận này được phân cấp đồng - bạc - vàng.
Trong hơn 3 năm qua, Đơn vị suy tim (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) đã chứng minh được hiệu quả của mô hình chăm sóc toàn diện này, qua đó giúp cho việc đạt được 3 mục tiêu điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm tái nhập viện do suy tim nặng lên và giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Trong khi đó, phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến vượt bậc, hội nhập sâu rộng với thế giới và áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, có thể sánh ngang với các quốc gia phát triển trên toàn cầu, bằng chứng là liên tiếp những ca ghép tim “xuyên Việt” đã được thực hiện thành công hay những ca cấp cứu trong tình trạng tối khẩn cấp.
Một ví dụ cụ thể, kíp trực cấp cứu tại khoa Cấp cứu Bệnh viện E ngay trong đêm đã tiếp nhận một người bệnh nam (16 tuổi ở Hà Nội) vào viện với vết thương ngực hở. Vết thương đã đâm thấu tim nạn nhân.
Ngay lập tức, các bác sĩ trực cấp cứu đã “ấn nút báo động đỏ” huy động toàn bộ lực lượng cấp cứu người bệnh.
Chỉ sau đó ít phút, người bệnh được đưa vào cấp cứu trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt do mất máu nhiều và thở máy qua nội khí quản, mạch nhanh, huyết áp thấp... Ngực có vết thương rộng 3cm vị trí dưới núm vú trái, vết thương do vật sắc nhọn gây nên. Các bác sĩ khám lâm sàng cho người bệnh thì thấy tiếng tim mờ, rì rào phế nang phổi trái không còn...
Lập tức các bác sĩ nhận định, đây là vị trí vết thương nguy hiểm, có thể có vết thương tim. Kíp trực cấp cứu đã ngay lập tức báo với kíp trực tim mạch và xin ý kiến chỉ đạo của TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E về phương án mổ tối cấp cứu nhằm cứu sống bệnh nhân đang ở “lúc ngàn cân treo sợi tóc” này.
Chỉ sau vài phút, dưới sự chỉ huy của Giám đốc Bệnh viện và ThS.BS Nguyễn Hoàng Nam - Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch (Bệnh viện E) là người trực tiếp thực hiện ca mổ cấp cứu.
Các bác sĩ cho hay, với những trường hợp cấp cứu vết thương lồng ngực đặc biệt vết thương tim phức tạp đòi hỏi các bác sĩ phải xử trí thật nhanh và chính xác mới có thể cứu sống người bệnh đang nguy kịch. Như trường hợp người bệnh này, các bác sĩ đã không chờ kết quả các xét nghiệm mà đẩy thẳng vào phòng mổ mới kịp phẫu thuật cứu sống người bệnh.
Sau hơn nhiều giờ phẫu thuật khẩn cấp, ca phẫu thuật căng thẳng của các bác sĩ để dành lấy sự sống cho người bệnh đã được thực hiện thành công. Sau mổ, người bệnh đã tỉnh táo và tiếp xúc tốt, tự thở oxy, được xuất viện trong vài ngày sau đó.
BS Nguyễn Hoàng Nam khẳng định, đây không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ của Bệnh viện E cấp cứu và phẫu thuật thành công cho người bệnh với vết thương tim nguy kịch. Trước đó đã có nhiều người bệnh bị tương tự được cứu sống.
Có thể thấy rằng, chuyên ngành tim mạch can thiệp của Việt Nam đã phát triển vượt bậc sánh ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, bệnh nhân Việt Nam đã không còn phải ra nước ngoài chữa bệnh, dù là các ca bệnh khó và phức tạp nhất.
GS.TS Nguyễn Lân Việt - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam cho hay, nếu như trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch ở nước ta phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao thì hiện nay, thầy thuốc tim mạch Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch tương đương các nước trong khu vực và thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chuyên ngành tim mạch Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm qua. Công tác khám, chữa các bệnh lý tim mạch có nhiều kết quả đáng tự hào. Các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp. Người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh. Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển của chuyên ngành tim mạch và coi đây là một trong những điểm sáng của y tế nước.
Đức Trân