Bước tiến của tỉnh Sóc Trăng trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp

Bước tiến của tỉnh Sóc Trăng trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp
17 giờ trướcBài gốc
Hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp
Do Gạo ST25 đã 2 lần đạt giải gạo ngon nhất thế giới (năm 2019, năm 2023) và năm 2024 đạt giải nhì gạo ngon nhất thế giới, nên được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) luôn chọn gieo trồng giống lúa ST25, góp phần đem về lợi nhuận tốt cho thành viên hợp tác xã.
Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi chia sẻ: "Hợp tác xã có diện tích 609ha, canh tác 2 vụ lúa/năm. Giống lúa ST25 có chất lượng tốt, năng suất cao, gạo ngon, ít dịch bệnh, sâu hại tấn công, phù hợp cho việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Lúa luôn được công ty bao tiêu toàn bộ đầu ra sau thu hoạch. Với diện tích 609ha lúa gieo trồng giống ST25, năng suất bình quân 6,5 - 7,5 tấn/ha, đem về lợi nhuận từ 4,9 - 5 tỷ đồng/năm (năm 2023, 2024). Những kết quả đạt được trong canh tác lúa và liên kết nhiều công ty tiêu thụ lúa đã góp phần tăng lợi nhuận cho thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, nên đơn vị đã được Hội Nông dân Việt Nam xét công nhận là hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc".
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đến thăm các trang trại nuôi tôm trong tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU
Nói đến cây lúa thì phải kể về con tôm, bởi con tôm nuôi nước lợ đã đem về nguồn thu ngoại tệ lớn cho tỉnh nhà. Một trong những hộ nuôi tôm nước lợ đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp Trung ương năm 2024 mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đó là ông Huỳnh Khánh Lượng, xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Ông Lượng đã gắn bó với nghề nuôi tôm nước lợ hơn 30 năm qua. Ông Lượng bắt đầu nuôi tôm vào những năm 1993, thời điểm đó nuôi tôm bằng ao đất, theo hình thức quảng canh, đến năm 2003 bắt đầu nuôi tôm bán công nghiệp, nhưng năng suất tôm vẫn chưa tốt. “Năm 2013, tôi chuyển nuôi tôm trong ao đất sang nuôi tôm ao lót bạt nên năng suất tăng cao, giá bán tốt, đem về lợi nhuận hàng chục tỷ đồng/năm. Từ lợi nhuận con tôm đem về, tôi đã đầu tư 8 ao nổi để nuôi tôm công nghệ cao, phía trên ao có che lưới lan. Thuận lợi của nuôi tôm ao nổi là tôm nuôi mật độ dày, nuôi được nhiều vụ/năm (siêu thâm canh), dễ quản lý dịch bệnh trên tôm và thu hoạch tôm nhanh. Tổng diện tích mà tôi nuôi tôm là 10ha, trong đó có 8 ao nổi (2.000m2/ao); tôm nuôi 3 vụ/năm, tổng năng suất 240 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 2,4 tỷ đồng/năm”, ông Lượng cho biết thêm.
Trong những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp đến Kế Sách gặp ông Trần Anh Nhân, xã Nhơn Mỹ - người vừa đạt danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024", với thành tích trồng và kinh doanh cây vú sữa tím tứ quý. Ông Nhân tâm tình: "Năm 2010, tôi phát hiện trong vườn có cây vú sữa tím 5 năm tuổi cho trái quanh năm. Khi trái chín có màu tím đẹp mắt, thịt có độ dai, vị ngọt thanh, ít hạt nên khác biệt so với các giống thông thường. Thấy giống cây lạ, tôi đã chiết nhánh trồng khắp vườn, với diện tích hiện tại là 6ha sản lượng trái thu hoạch ước 80 tấn/năm, cao hơn 10 tấn so với vú sữa thông thường, giá bán trái vú sữa tím từ 30.000 - 80.000 đồng/kg. Trên cây vú sữa ngoài bán trái, tôi còn chiết cây giống bán ra thị trường, với số lượng khoảng 100.000 cây/năm, giá bán 80.000 đồng/cây; trừ hết các khoản chi phí thu về 5 tỷ đồng/năm. Hiện tại, vú sữa tím tứ quý của tôi đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Kết quả đạt được trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Để đạt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới với mục tiêu từng bước chuyển đổi tư duy từ “phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”, trong đó chú trọng đến nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất.
Đồng chí Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thường xuyên đến thăm các cánh đồng lúa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để kịp thời chỉ đạo trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU
Theo đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, thành quả đạt được qua 4 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đó là: trên lĩnh vực trồng trọt đã hình thành và phát triển thêm được một số khu vực sản xuất theo hướng hữu cơ, với diện tích 32.178ha (lúa 12.745ha, rau màu 5.970ha, cây ăn trái 13.463ha). Phát triển và duy trì 104 mã số vùng trồng trên cây ăn trái, với diện tích hơn 593ha; xây dựng được 5 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, nhãn, bưởi, sầu riêng. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng, nâng tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao từ 74% (năm 2021) lên gần 95% (năm 2024).
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại tập trung gắn với bảo vệ môi trường, toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn; 2 trang trại nuôi công nghệ cao. Về cơ sở giết mổ động vật, có 2 cơ sở được chứng nhận an toàn thực phẩm và 1 cơ sở đạt chuẩn HACCP. Các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết, quản lý truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của tỉnh. Còn với lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh có 49 đơn vị sản xuất theo quy trình VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP, với diện tích hơn 1.993ha. Và nhiều mô hình nuôi được người dân áp dụng hiệu quả như: nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm tuần hoàn khép kín… với diện tích nuôi tôm lót bạt hơn 7.658ha.
Giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và tập trung cơ cấu 3 lĩnh vực chính. Cụ thể, đối với lĩnh vực trồng trọt sẽ tiếp tục khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, khuyến khích chuyển đổi ở những vùng sản xuất lúa 3 vụ, bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn sang canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ màu; những vùng sản xuất vụ Thu - Đông kém hiệu quả sang phát triển các loại cây, con khác phù hợp.
Về lĩnh vực thủy sản, đầu tư phát triển theo chiều sâu, xác định các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là hướng phát triển chính của tỉnh. Xây dựng phát triển các hình thức nuôi tôm chủ lực ở tỉnh; đưa hoạt động nuôi cá nước ngọt trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh. Đối với lĩnh vực chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế thấp nhất rủi ro về dịch bệnh trên đàn vật nuôi; quan tâm thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, từ đó thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, chấm dứt chăn nuôi tại các khu vực không được phép.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 23/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Sóc Trăng; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vừa phục vụ vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản vừa phục vụ dân sinh…
THÚY LIỄU
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202501/buoc-tien-cua-tinh-soc-trang-trong-qua-trinh-co-cau-lai-nganh-nong-nghiep-c3d2e62/