Bước tiến lớn trong ngành chip

Bước tiến lớn trong ngành chip
17 giờ trướcBài gốc
Logo trước trụ sở Intel tại California (Mỹ). Ảnh: Bloomberg.
Theo nguồn tin của The Information, lãnh đạo Intel và TSMC đã đạt thỏa thuận sơ bộ thành lập liên doanh vận hành nhà máy sản xuất chip của Intel tại Mỹ.
TSMC dự kiến nắm 20% cổ phần trong liên doanh, phần còn lại thuộc về Intel và các nhà sản xuất chip khác của Mỹ. Hãng chip có trụ sở đặt tại Đài Loan cũng thảo luận về việc chia sẻ vài kỹ thuật sản xuất với Intel. Dù vậy, một số lãnh đạo Intel lo ngại thỏa thuận sẽ dẫn đến sa thải và đào thải công nghệ sản xuất hiện có.
Trước đó, các quan chức Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ đã khuyến khích Intel và TSMC cùng hợp tác. Điều này nhằm giải quyết khủng hoảng kéo dài tại Intel, buộc công ty cắt giảm hàng nghìn việc làm và thu hẹp kế hoạch mở rộng.
Hồi tháng 3, Reuters đưa tin TSMC đã kêu gọi Nvidia, AMD và Broadcom góp vốn vào liên doanh. Cùng thời gian này, Intel bổ nhiệm CEO Lip-Bu Tan, hy vọng vực dậy công ty sau khoảng thời gian tụt hậu trong lĩnh vực AI, trong khi kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD cho nhà máy chip chưa mang đến hiệu quả.
Hoạt động sản xuất chip theo hợp đồng của Intel đối mặt nhiều thách thức do không thể đáp ứng nhu cầu đa dạng từ khách hàng như TSMC, dẫn đến chậm trễ và các đợt thử nghiệm thất bại.
Sau khi thỏa thuận được tiết lộ, Bloomberg đưa tin cổ phiếu Intel trong ngày 3/4 tăng 2%, lội ngược dòng so với mức giảm 5% trong phiên. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Intel dần hồi phục với mức tăng khoảng 10%.
Nếu thông tin chính xác, đây sẽ là bước đi lớn đầu tiên của Intel dưới thời CEO Lip-Bu Tan. Trong một hội nghị tại Las Vegas ngày 31/3, ông cho biết Intel sẽ chia tách các tài sản không phải trọng tâm của sứ mệnh phát triển.
Thỏa thuận giữa TSMC và Intel được tiết lộ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế quan cho nhiều khu vực. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết chiến lược là thúc đẩy sản xuất trong nước, bao gồm di chuyển hoạt động sản xuất bán dẫn ra khỏi đảo Đài Loan.
Logo trước trụ sở TSMC tại Đài Loan. Ảnh: Bloomberg.
Chia sẻ với CNBC ngày 3/4, Lutnick giải thích rằng sản phẩm bán dẫn không thuộc diện chịu thuế tối thiểu 10% hoặc thuế đối ứng theo từng quốc gia, tuy nhiên sẽ được công bố sau.
“Ông Donald Trump sẽ nghiên cứu sâu vấn đề này để công bố sau, nhắm vào việc đưa toàn bộ hoạt động sản xuất bán dẫn ra khỏi Đài Loan. Nước Mỹ phải có khả năng tự bảo vệ mình”, Lutnick nhấn mạnh.
Chia sẻ trước phóng viên, đại diện Nhà Trắng cho biết sản phẩm bán dẫn có thể chịu thuế theo Mục 232, Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Điều này cho phép tổng thống áp thuế nếu hàng nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia. Trước đó, ông Trump viện dẫn Mục 232 để áp thuế 25% với thép, nhôm và ôtô.
“Chúng tôi dự kiến áp dụng Mục 232 với gỗ xẻ và đồng. Tổng thống cũng đang xem xét chính sách tương tự với chất bán dẫn, dược phẩm và các khoáng sản có tiềm năng quan trọng”, vị quan chức cho biết.
Về công nghệ và chất bán dẫn, Lutnick lấy ví dụ về kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD của Apple tại Mỹ trong 4 năm tới, bao gồm xây dựng nhà máy tại Texas.
Phúc Thịnh
Nguồn Znews : https://znews.vn/intel-duoc-giai-cuu-post1543162.html