Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã bày tỏ sự vui mừng trước những con số ấn tượng của Cuộc thi năm nay: "Tôi cho rằng qua cuộc thi này các em nhỏ của Việt Nam, sinh sống từ miền Bắc tới miền Nam, với những hoàn cảnh khác nhau có thể nuôi dưỡng trí tưởng tượng khám phá thế giới mới và trải nghiệm niềm vui sáng tác truyện."
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki phát biều tại Lễ trao giải cuộc thi sáng tác truyện “Đóa hoa đồng thoại” năm 2024. (Ảnh: Thu Mai)
Ngày 23/11, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU "Đóa hoa đồng thoại". Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 đến nay là lễ trao giải lần thứ 7, với 3 hạng mục dự thi, Hạng mục Tiểu học, Hạng mục Trung học cơ sở, Hạng mục tự do. Tất cả các tác phẩm đều viết cho thiếu nhi. Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá qua 4 vòng.
Trong cuộc thi "Đóa hoa đồng thoại" lần thứ VII, Ban giám khảo đã đánh giá cao những truyện ngắn sinh động, phản ánh chân thật cuộc sống thường nhật và cảm xúc vui buồn của trẻ em khắp mọi miền đất nước.
Trưởng Ban giám khảo – nhà văn Lê Phương Liên đánh giá về chất lượng Cuộc thi năm nay. (Ảnh: Thu Mai)
Phát biểu tại Lễ trao giải, trưởng Ban giám khảo (BGK) – nhà văn Lê Phương Liên đã nhận định: "Chúng ta đã có 7 mùa "Đóa hoa đồng thoại" đua nở trong vườn hoa văn học thiếu nhi Việt Nam. Mỗi mùa hoa đều có một vẻ đẹp trong sáng riêng và không mùa nào giống mùa nào. Trong dịp trao giải lần thứ 7 này BGK đã vui mừng đón nhận những truyện ngắn, phản ánh sinh hoạt đời thường mang cảm xúc vui buồn của các em nhỏ ở mọi miền đất nước. Đó là những truyện ngắn thấm thía tình cảm thông với những người bạn trong hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi."
18 tác phẩm đạt giải năm nay sẽ được xuất hiện ở Tuyển tập Đóa hoa đồng thoại 2024. Đây là cách Cuộc thi vinh danh các tác giả, góp thêm vào kho tàng sách truyện cho thiếu nhi Việt Nam những cuốn sách có giá trị.
Tác phẩm xuất sắc nhất thuộc về tác phẩm "Tú tóc tai" của bạn Lã Duy Long. (Ảnh: Thu Mai)
Tác phẩm xuất sắc nhất là tác phẩm "Tú tóc tai" của bạn Lã Duy Long (11 tuổi, Hà Nội). Câu chuyện kể về bí mật cảm động của cậu bé Tú về việc nuôi tóc dài, cậu muốn tặng tóc cho những em bé bị ung thư tại trại trẻ gần nhà. Qua câu chuyện này, bạn bè cũng chia sẻ với Tú nỗi đau mất em gái. Để cảm thông với những người xung quanh, các bạn trẻ đã thể hiện sự kiên nhẫn và tôn trọng những suy nghĩ, hành động khác biệt.
"Em đã quan sát những thứ mà em yêu quý nhất, thì em chợt nhận ra mái tóc của mẹ thật mềm mại, thật đẹp làm sao! Con phải đứng lên ghế mới chải được bộ tóc óng ả của mẹ. Từ đó con có cảm hứng viết nên câu chuyện với thông điệp san sẻ yêu thương." - em Duy Long, tác giả câu chuyện "Tú tóc tai”, cho biết.
Cuộc thi cho đến nay đã trở nên quen thuộc với trẻ em và người lớn – những người yêu thích văn chương và muốn kể câu chuyện gửi gắm những thông điệp thú vị đến người đọc. Có lẽ mục tiêu lớn nhất của người kể chuyện không phải vì giải thưởng. Mỗi thí sinh gửi bài dự thi đều háo hức chia sẻ những gì mình nhìn thấy xung quanh, những chiêm nghiệm và suy ngẫm của mình về cuộc sống.
Bạn Giang Hà My (14 tuổi, Hà Nội) đạt giải khuyến khích (Hạng mục Trung học cơ sở) với tác phẩm "Sứ giả nụ cười". (Ảnh: Thu Mai)
Bạn Giang Hà My (14 tuổi, Hà Nội) đạt giải khuyến khích (Hạng mục Trung học cơ sở) với tác phẩm "Sứ giả nụ cười" chia sẻ: "Em rất thích quan sát các sự vật, hiện tượng xung quanh em, và em cũng rất vui vì đã có thể hiện những quan sát đó những con chữ. Khi được làm bạn với con chữ, em cảm thấy cảm nhận của em về thế giới xung quanh sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn. Em cảm thấy được sự dễ thương từ những điều bình dị nhất."
Với trí tưởng tượng phong phú, các tác giả "nhí" đã thể hiện sự quan sát, những suy nghĩ của mình một cách dí dỏm, hồn nhiên nhưng cũng tràn ngập tình yêu thương trong đó. "Xuất phát từ món ăn và hiện tượng thiên nhiên em thích nên em đã viết nên câu chuyện "Vị của Cầu vồng"" - Em Lê Minh Hải Triều (12 tuổi, An Giang) với gương mặt rạng rỡ khi biết tác phẩm của em đạt giải Nhất Hạng mục Trung học cơ sở. "Thông qua tác phẩm em muốn gửi đến mọi người câu chuyện về sự gắn kết trong tình bạn, cùng với trí tưởng tượng bay bổng sẽ đưa mình đến những nơi rất là xa", Hải Triểu chia sẻ thêm.
Có thể thấy, Đóa hoa đồng thoại đã thực sự trở thành một sân chơi sáng tác, một cộng đồng kết nối, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam, góp phần làm phong phú cho nền văn học Việt Nam.
Ban tổ chức trao Học bổng khuyến đọc của cuộc thi Đóa Hoa Đồng Thoại cho Dự án "Cầu Vồng Vui – đọc sách cùng bệnh nhi". (Ảnh: Thu Mai)
Tại Lễ Trao giải, Ban tổ chức (BTC) cũng trao Học bổng khuyến đọc của cuộc thi Đóa Hoa Đồng Thoại (từ năm 2023) cho Dự án "Cầu Vồng Vui – đọc sách cùng bệnh nhi" do Quỹ Bắc Cầu triển khai tại khoa nhi các bệnh viện. BTC sử dụng doanh thu từ tuyển tập để mang đến niềm vui và tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhi trong thời gian điều trị tại bệnh viện.
Thu Mai