Các thành viên Tổ hợp tác làm vườn và trồng cây ăn quả xã Tân Khánh (Phú Bình) thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bưởi.
Toàn huyện Phú Bình hiện có 210ha trồng bưởi, tăng 2ha so với năm 2023. Nhằm phát huy hiệu quả kinh tế của cây trồng này, các phòng, đơn vị chuyên môn của huyện đã khuyến khích nhân dân đưa các giống bưởi chất lượng, năng suất cao vào trồng như: bưởi Diễn, bưởi Da xanh. Đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi và một số loại cây ăn quả khác theo hướng an toàn.
Riêng trong năm 2024, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp tổ chức tập huấn khoa học - kỹ thuật về các loại cây trồng (trong đó có cây bưởi) được 24 lớp, với trên 1.700 lượt người tham gia.
Tại các xã có diện tích trồng bưởi lớn gồm: Bàn Đạt, Tân Kim, Tân Khánh, Tân Đức, Dương Thành, Lương Phú, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích người dân chăm sóc cây trồng theo hình thức thâm canh; thành lập các mô hình liên kết sản xuất để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế từ cây ăn quả.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 3 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng bưởi và cây ăn quả gồm: Hợp tác xã hoa quả an toàn Thành Đạt, xã Tân Kim; Tổ hợp tác liên kết trồng bưởi xã Tân Đức, Tổ hợp tác làm vườn và trồng cây ăn quả xã Tân Khánh.
Sau khi thành lập, các hợp tác xã, tổ hợp tác được Phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện phối hợp hướng dẫn phát triển cây trồng theo quy trình VietGAP, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận VietGAP.
Đến nay, cả 3 hợp tác xã, tổ hợp tác đều được cấp chứng VietGAP với diện tích gần 40ha.
Ông Tạ Tấn Hàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác làm vườn và trồng cây ăn quả xã Tân Khánh, cho biết: Định kỳ hằng quý, các thành viên trong Tổ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật, nhắc nhở nhau tuân thủ trồng cây theo quy trình VietGAP; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong quá trình chăm sóc cây trồng để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, các thành viên không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón vô cơ. Chất lượng quả bưởi ngày càng thơm ngon, an toàn hơn.
Vào thời điểm thu hoạch, với mỗi cây bưởi, gia đình bà Ngô Thị Thuyết (ở xóm Lân, xã Lương Phú, Phú Bình) thu được từ 70 đến 100 quả.
Ngoài ra, hằng năm, UBND huyện còn phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chủ lực của địa phương. Tại đây, các xã, thị trấn có thế mạnh về trồng bưởi đều tham gia trưng bày loại quả này để hỗ trợ người nông dân quảng bá sản phẩm tới đông đảo khách hàng trong và ngoài huyện, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhờ những giải pháp thiết thực, cây bưởi ngày càng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024, năng suất bưởi đạt 5 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha. Qua đó góp phần nâng giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện năm 2024 đạt 126 triệu đồng/năm (tăng 3 triệu đồng/ha so với năm 2022).
Ông Vũ Đình Hài, xóm Ngò, xã Tân Khánh, cho biết: Nhờ chăm sóc cây bưởi theo quy trình VietGAP nên chất lượng quả bưởi được nâng cao hơn, múi bưởi ráo, ngọt, ngọt, giá thành tăng. Nếu như vào năm 2021, giá bưởi Diễn đạt trung bình 7 nghìn đồng/quả thì nay tăng lên 15 nghìn đồng/quả; bưởi Da xanh đạt 50 nghìn quả, tăng gấp đôi so với năm 2021. Gia đình tôi không còn phải mang ra chợ bán mà có thương lái đến tận vườn thu mua.
UBND huyện Phú Bình đang tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phát triển cây ăn quả, trong đó có cây bưởi, theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ. Đồng thời tăng cường hỗ trợ nông dân tham gia trưng bày sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, mở rộng thị trường; hỗ trợ kết nối đầu ra với các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Phan Trang