Buôn lậu, hàng giả: mặt trái của lợi nhuận và tội ác cần ngăn chặn

Buôn lậu, hàng giả: mặt trái của lợi nhuận và tội ác cần ngăn chặn
5 giờ trướcBài gốc
Đằng sau mỗi thùng sữa nhập lậu, mỗi hộp thuốc giả, mỗi thiết bị y tế giả là cả một mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào pháp luật.
Vụ việc này không chỉ gây thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, mà còn đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về mối quan hệ cấu kết giữa doanh nghiệp và một bộ phận cán bộ chức năng, tiếp tay cho thực phẩm kém chất lượng xâm nhập thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Từ buôn lậu đến hàng giả, thuốc giả, thiết bị y tế giả: tội phạm có tổ chức và đang lan rộng
Không chỉ dừng lại ở các vụ nhập lậu sữa, thời gian gần đây, cơ quan chức năng trên cả nước đã liên tục phát hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng như 100 tấn thực phẩm chức năng giả bị phát hiện tại các kho hàng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - nhiều loại được dán nhãn nhập khẩu, quảng cáo có tác dụng “chữa bách bệnh”; 10 tấn thuốc trị xương khớp giả sản xuất bằng nguyên liệu trôi nổi, đóng gói công nghiệp tại Thanh Hóa; 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm tiêu thụ tại Nghệ An, ảnh hưởng trực tiếp đến bữa ăn của hàng triệu người; 7 tấn nội tạng động vật ôi thiu, không có giấy tờ hợp lệ, bị phát hiện tại một kho lạnh ở Hà Nội. Hay như vụ phát hiện hơn 100 tấn thiết bị y tế và thực phẩm chức năng giả bị phát hiện trong đường dây sản xuất, phân phối hàng giả tinh vi do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (trú tại KĐT Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Nhóm này thành lập 17 công ty để hợp pháp hóa hoạt động, tự bào chế sản phẩm, thuê xưởng sản xuất, in ấn bao bì giả, gắn mác Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha… rồi bán ra thị trường với giá cao.
Những vụ việc này cho thấy tội phạm hàng giả không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà đã vượt ranh giới trở thành tội ác có tổ chức, len lỏi vào từng lĩnh vực thiết yếu: thuốc men, thực phẩm, sữa, mỹ phẩm, thiết bị y tế…
Lực lượng chức năng xác định tất cả các sản phẩm mỹ phẩm và kem đánh răng trẻ em tại cơ sở này đều có dấu hiệu tẩy xóa, dập lại hạn sử dụng sản phẩm
Pháp luật nghiêm trị - Không có vùng cấm
Theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả có thể bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp: làm chết người; gây tổn hại lớn đến sức khỏe; gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên; phạm tội có tổ chức; tái phạm nguy hiểm…
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Công an TP Hà Nội vừa triệt phá đường dây bán thiết bị y tế giả (ước tính hơn 100 tấn).
Trong khi đó, các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm như sử dụng hóa chất cấm, bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc… sẽ bị xử lý theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Với hậu quả nghiêm trọng (như gây chết người, ảnh hưởng sức khỏe nhiều người, sử dụng nguyên liệu bị cấm…), người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Luật sư Hồ Minh Khánh, Giám đốc Hãng luật MKLaw, nhận định: “Những vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, thiết bị y tế giả… không chỉ vi phạm pháp luật đơn thuần, mà thực chất là hành vi đầu độc sức khỏe cộng đồng. Do đó, cần coi đây là tội phạm nguy hiểm đặc biệt - xử lý bằng chế tài nghiêm khắc, không khoan nhượng”.
Luật sư Khánh cũng nhấn mạnh: “Cần mở rộng khung định lượng hậu quả không chỉ theo số người tử vong hay giá trị hàng hóa, mà cả theo phạm vi ảnh hưởng xã hội. Mỗi hộp sữa giả, mỗi máy đo huyết áp dỏm không chỉ là sản phẩm kém chất lượng, mà còn là sự xói mòn niềm tin của nhân dân vào pháp luật và đạo lý xã hội”.
Tình trạng hàng giả, thực phẩm kém chất lượng len lỏi từ chợ truyền thống, sàn thương mại điện tử cho đến kệ hàng cao cấp - nếu không được kiểm soát chặt chẽ - sẽ phá vỡ nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, bóp nghẹt doanh nghiệp tử tế, và nghiêm trọng hơn: làm mất niềm tin của người dân vào sự liêm chính của thị trường. Đây không còn là vấn đề đơn thuần về quản lý thương mại - mà là bài toán pháp lý, đạo đức và an sinh xã hội cần giải quyết tận gốc.
Chống hàng giả, thuốc giả, thiết bị y tế giả không thể chỉ là phản ứng tình thế - đó phải là một cuộc chiến có hệ thống, có chiều sâu và không khoan nhượng. Đó là trách nhiệm của mỗi cơ quan thực thi pháp luật, của từng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, và của cả xã hội trong việc xây dựng một thị trường tử tế, minh bạch.
Khi mạng sống người dân có thể bị đe dọa bởi một viên thuốc rởm, một hộp sữa không rõ nguồn gốc, một thiết bị y tế giả gắn mác nước ngoài, thì không còn chỗ cho sự nhân nhượng. Pháp luật phải nghiêm, đạo đức phải thức tỉnh, và niềm tin xã hội chỉ có thể giữ vững nếu cái ác bị đẩy lùi bằng hành động cụ thể, không né tránh và không có vùng cấm.
Hồ Khánh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/buon-lau-hang-gia-mat-trai-cua-loi-nhuan-va-toi-ac-can-ngan-chan.706324.html