Minh họa/INT
Nối tiếp gần 3 tuần, từ 25/10 đến 15/11, hơn 1.000 nghệ sĩ đến từ 29 đơn vị nghệ thuật nô nức kéo về và cùng khoe tài. Vậy nhưng, những người mộ điệu cải lương thấy cảm giác trống vắng để rồi giật mình nhận ra liên hoan bất ngờ thiếu “anh cả đỏ” - Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Có thể nói, dù không được bao bọc trong cái nôi của nghệ thuật cải lương nhưng suốt chặng đường hơn 70 năm qua, đơn vị nghệ thuật này luôn vươn mình, tỏa sáng. Nhất là, chưa khi nào nhà hát bỏ cuộc các kỳ liên hoan, hội diễn, trái lại thường có tới 2 vở tham dự.
Mỗi dịp đó, nghệ sĩ nhà hát được gặp gỡ đồng nghiệp để khoe tài, lòng tâm huyết cùng sự hãnh diện của những con tằm bền bỉ vượt chông gai, phát huy nghiệp tổ trên đất Bắc. Và, còn niềm hạnh phúc nào hơn khi hát ca ngay giữa đất cải lương mà được ngợi khen, tưởng thưởng.
Vậy mà, liên hoan này nhà hát hoàn toàn vắng mặt, nghệ sĩ không thể tiếp tục gieo vào lòng bạn nghề sự ngưỡng mộ cũng như cho thỏa lòng thương nhớ của khán giả phương Nam. Vì sao đây? Dù là lý do gì đi chăng nữa thì đó cũng là điều vô cùng buồn với nghệ sĩ yêu nghề và rất đáng trách với người quản lý đơn vị.
Không buồn sao được khi các đơn vị nghệ thuật rộn rã, tấp nập trảy hội thì nghệ sĩ nhà hát ngậm ngùi ở nhà, nén tiếng thở dài rồi đành khỏa nỗi nhớ vào những dòng tin nhắn với đồng nghiệp, dõi theo tin tức qua báo chí, mạng xã hội. Cũng có người chẳng thể ngồi yên đã tự vào với liên hoan để xem bạn nghề ca diễn mà không khỏi rưng rưng chạnh lòng…
Không đáng trách sao được khi cùng chèo chống con thuyền nghệ thuật trong điều kiện kinh tế tương đồng song nhiều đơn vị nghệ thuật phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng… vẫn cân đối được kinh phí, tạo điều kiện cho anh em vượt đường xa vào Cần Thơ.
Nhất là, Nhà hát Cải lương Hà Nội còn mang tới cho khán giả phương Nam 3 vở diễn. Ngoài ra, nhiều đơn vị xã hội hóa, nghệ sĩ ở trong Nam đã tự bỏ tiền cá nhân đầu tư dàn dựng vở diễn để hội quân ở liên hoan với mong muốn được thử thách, học hỏi và tỏa sáng.
Trong khi đó, ở vị thế là đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Bộ VH,TT&DL, đóng tại Thủ đô Hà Nội nhưng Nhà hát Cải lương Việt Nam lại không thể đưa nghệ sĩ của mình đến với sân chơi nghề nghiệp danh giá đó để tiếp tục khoe với bạn nghề về bao nỗ lực cùng nghiệp tổ trong suốt 3 năm qua.
Chẳng phải, năm nào nhà hát cũng có 2 vở mới được dàn dựng theo kế hoạch nên có dư vở diễn xuất sắc được làm nên từ nhiệt huyết, công sức của biết bao người đó sao? Không chỉ thế, ở đây, cùng với niềm vui gặp gỡ còn là quyền lợi của nghệ sĩ.
Khi không được tham gia liên hoan, những tấm huy chương xứng đáng dành cho các tài năng đúng thì nở rộ cũng bị bỏ lỡ. Mà xuân sắc nghề diễn mấy khi kịp đợi đến những mùa sau? Buồn và giận thay cải lương Trung ương!
Bình Thanh