Buông lỏng quản lý, hàng nghìn m3 đất và cát tại Gia Lai bị khai thác trái phép

Buông lỏng quản lý, hàng nghìn m3 đất và cát tại Gia Lai bị khai thác trái phép
6 giờ trướcBài gốc
Hiện trường vụ hàng ngàn mét khối đất, cát bị khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Hàng nghìn m3 đất, cát dưới chân núi Chư Jôr, địa điểm giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) bị khai thác trái phép nhưng chính quyền địa phương nơi đây xử lý chưa triệt để.
Điều này cho thấy những bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương này.
Vào ngày 14/5, phóng viên TTXVN đã ghi nhận tại chân núi Chư Jôr (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh), hàng nghìn m3 đất, cát bị đào bới nham nhở, đất đá được múc lên chất đống tạo thành các hố sâu sát sườn đồi. Nhiều khu vực, các đối tượng khai thác trái phép còn ngăn suối đặt máy bơm để khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, hai xe máy múc cỡ lớn cùng nhiều xe tải liên tục vận chuyển vật liệu ra khỏi khu vực.
Theo những người dân địa phương thuộc thôn Tiên Sơn 2, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tình trạng này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán 2025. Mỗi ngày, có hàng chục chuyến xe ben lớn, nhỏ nối đuôi nhau vận chuyển đất, cát về hướng thành phố Pleiku để phục vụ dự án Đường kinh tế phía Đông và nhiều công trình san lấp khác. Khu vực khai thác không có bảng thông tin và cũng không có người đến kiểm tra.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, phóng viên đã cung cấp thông tin và hình ảnh đến chính quyền địa phương đề nghị kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 16/5 của Công an xã Chư Đang Ya, lực lượng chỉ ghi nhận tại khu vực có một đống cát khoảng 8 m3 và hai máy nổ dùng để hút cát (không hoạt động).
Khai thác đất trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Theo lời khai của đối tượng vi phạm, người này mua lại mảnh đất của dân để trồng cây công nghiệp và không xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến diện tích đất và hoạt động khai thác khoáng sản.
Sau đó, Ủy ban Nhân dân xã Chư Đang Ya đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và yêu cầu hoàn nguyên hiện trạng.
Tuy nhiên, mức xử phạt này được cho là quá nhẹ so với quy mô vi phạm, đồng thời mâu thuẫn với thông tin từ người dân và phóng viên ghi nhận. Điều này khiến dư luận nghi ngờ về tính khách quan trong xử lý vi phạm, thậm chí có dấu hiệu bao che của các cấp chính quyền nơi đây.
Theo báo cáo số 70/BC-UBND ngày 24/3/2025 của xã Biển Hồ, tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra trên địa bàn giáp ranh với xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh đã được phát hiện từ lâu. Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai chỉ đạo xử lý.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 338/SNNMT-ĐCKS, yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Chư Păh chỉ đạo các phòng chuyên môn và Ủy ban Nhân dân xã Chư Đang Ya chủ trì, phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân xã Biển Hồ và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, các địa phương được nhắc nhở phải tăng cường phối hợp, kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Lê Xuân Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chư Păh, thừa nhận có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực nói trên. Huyện cũng đã tiếp nhận văn bản chỉ đạo của Sở và đã triển khai theo đúng phân cấp.
“Trước và trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính, huyện đã liên tục có văn bản tham mưu chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, xử lý. Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu địa phương báo cáo lại đầy đủ để có hướng xử lý tiếp theo," ông Dũng thông tin thêm.
Tuy nhiên, để làm rõ trách nhiệm xử lý, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Chư Đang Ya Nguyễn Văn Nội lại cho rằng, đây là khu vực giáp ranh và địa phương cũng đã có phối hợp nhưng việc phối hợp kiểm tra, xử lý do xã Biển Hồ chủ trì.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Vinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Biển Hồ lại khẳng định phần lớn diện tích xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nằm trên địa bàn xã Chư Đang Ya. Chính quyền xã Biển Hồ đã phát hiện sớm và báo cáo lên cấp trên, phối hợp đầy đủ.
Khu vực bị khai thác khoáng sản trái phép nằm dưới chân núi Chư Jôr, giáp ranh với tiểu khu 374, nơi có diện tích đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý.
Hiện trường vụ hàng ngàn mét khối đất, cát bị khai thác trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ (thành phố Pleiku) và xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)
Theo ông Nguyễn Tất Thành - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, qua kiểm tra, đo đạc xác minh trên bản đồ hiện trạng, khu vực bị khai thác hiện chưa lấn vào trong phần diện tích rừng do Ban quản lý. Nhưng vị trí khai thác diễn ra sát với ranh giới đất rừng phòng hộ nên tiềm ẩn nguy cơ cao về sạt lở, xói mòn và ảnh hưởng lâu dài đến an toàn của rừng phòng hộ.
Ông Thành cũng cảnh báo nếu tiếp tục khai thác gần khu vực rừng, sau một thời gian chịu tác động của mưa lớn, địa hình thay đổi sẽ dễ gây trượt đất, làm sụt lún, mất ổn định địa chất, kéo theo nguy cơ rừng phòng hộ mất dần là rất cao.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trùng với thời điểm các địa phương đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nên công tác quản lý của chính quyền cơ sở gặp nhiều khó khăn, dễ bị các đối tượng lợi dụng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp khẳng định, tỉnh luôn quán triệt đến từng địa phương không để các đối tượng lợi dụng giai đoạn nhạy cảm để trục lợi tài nguyên. Nếu để xảy ra vi phạm, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, giám sát chặt chẽ để xử lý nghiêm trường hợp vi phạm nhằm giải quyết dứt điểm các điểm nóng.
Để xảy ra vụ việc khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Biển Hồ và xã Chư Đang Ya cho thấy sự thiếu phối hợp giữa các địa phương, việc xử lý vi phạm thiếu quyết liệt, còn hình thức, thậm chí né tránh trách nhiệm. Để chấm dứt tình trạng này, cần phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp quản lý và việc xử lý vi phạm cần quyết liệt hơn để tạo tính răn đe./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/buong-long-quan-ly-hang-nghin-m3-dat-va-cat-tai-gia-lai-bi-khai-thac-trai-phep-post1039838.vnp