Động lực chính phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình xác định phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng.
Chương trình cũng nhằm tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Đà Nẵng đối với phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng KHCN, ĐMST trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Đà Nẵng xác định tầm nhìn đến năm 2045 thành phố là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số và ĐMST của Việt Nam và ASEAN, với quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 60% GRDP; chính quyền chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ và giao dịch với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.
Cũng đến năm 2045, Đà Nẵng có tối thiểu 2 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến; thu hút thêm ít nhất 1 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại thành phố.
85% người dân, doanh nghiệp Đà Nẵng dùng dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Về các mục tiêu đến năm 2030, trên cơ sở nghiên cứu nội dung Nghị quyết 57 và xem xét các số liệu thực hiện của thành phố đến năm 2024, Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng đã xác định rõ các chỉ tiêu cần đạt được trong chặng đường sắp tới, vừa bám sát Nghị quyết 57 vừa mang nét đặc thù về phát triển KHCN và CĐS địa phương.
Cụ thể như, đến năm 2030, Đà Nẵng thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu toàn quốc và nhóm các thành phố dẫn đầu ASEAN về tiềm lực, trình độ KHCN và ĐMST; chỉ số chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, an toàn thông tin mạng và lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhóm 3 địa phương dẫn đầu toàn quốc; chỉ số ĐMST cấp địa phương trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; có tối thiểu 1 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến hoạt động tại thành phố.
Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối, đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động ĐMST đạt trên 40% tổng số doanh nghiệp, 80% doanh nghiệp có sử dụng nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số.
Theo Chương trình hành động mới được Thành ủy Đà Nẵng ban hành, chính quyền thành phố chỉ đạo, điều hành trên dữ liệu số và trên môi trường số từ năm nay. Ảnh minh họa: H.G
Cùng với đó, KHCN và ĐMST góp phần quan trọng xây dựng, phát triển các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử, con người Đà Nẵng; kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển chiếm 2% GRDP, trong đó kinh phí từ xã hội hóa chiếm trên 60%; bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, DDMST, CĐS và tăng dần theo yêu cầu phát triển...
Đáng chú ý, một số chỉ tiêu được Thành ủy Đà Nẵng đặt ra cao hơn yêu cầu tại Nghị quyết 57, đơn cử như: Quy mô kinh tế số của thành phố đến năm 2030 đạt từ 35 – 40% (Nghị quyết 57 đặt mục tiêu quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30%); Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, toàn trình của người dân và doanh nghiệp đạt tối thiểu 85% (chỉ tiêu này ở Nghị quyết 57 là 80%); giao dịch không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 90% (Nghị quyết 57 yêu cầu chỉ tiêu này đạt 80%).
Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra cho việc triển khai Nghị quyết 57 tại thành phố giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã xác định 50 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo 6 nhóm, sẽ được tập trung triển khai.
Theo đó, Thành ủy Đà Nẵng nhận thức rõ, để Nghị quyết 57 thực sự đi vào đời sống, phát huy vai trò then chốt của KHCN, ĐMST và CĐS, đòi hỏi phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động của toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố, đặc biệt là vai trò tiên phong và nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Vì thế, ở nhóm nhiệm vụ, giải pháp “Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS”, Chương trình hành động của Thành ủy Đà Nẵng chỉ rõ: Người đứng đầu cấp ủy cơ quan, địa phương phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai, đưa nhiệm vụ CĐS, phát triển KHCN, ĐMST vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm và chịu trách nhiệm kết quả triển khai tại cơ quan, địa phương mình. Kết quả thực hiện là tiêu chí cơ bản đánh giá hiệu quả nhiệm vụ, thi đua, khen thưởng hằng năm.
Vân Anh