Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có đường truyền băng thông rộng cáp quang.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm định hướng và cụ thể hóa lộ trình hành động. Đáng chú ý là Kế hoạch số 219 ngày 17/2/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 46 ngày 28/2/2025 của UBND tỉnh, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, sản xuất và đời sống.
Giám đốc Sở KH&CN Yên Bái - ông Lê Trí Hà khẳng định: "Tỉnh đã xác định rõ vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong quá trình này, đồng thời nhấn mạnh vị trí trung tâm của người dân và doanh nghiệp là động lực, nguồn lực chính cho sự phát triển. Với cách tiếp cận đó, hạ tầng phục vụ cho KHCN và CĐS trên toàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn ở Yên Bái có đường truyền cáp quang băng thông rộng; 1.223 trạm thu phát sóng di động và 40 trạm 5G được đưa vào sử dụng; hệ thống tích hợp dữ liệu, nền tảng liên thông tích hợp quốc gia, hệ thống truyền số liệu chuyên dùng, hội nghị truyền hình trực tuyến và đăng nhập một lần (SSO) đã đi vào vận hành ổn định với gần 15.000 tài khoản người dùng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng máy tính và Internet tại nơi làm việc đạt 100%. Những con số này cho thấy Yên Bái đã có bước tiến mạnh mẽ, sánh vai cùng các địa phương trong khu vực và cả nước”.
Bởi thế, CĐS không còn là khẩu hiệu mà đã đi vào từng ngõ ngách của đời sống, từ hành chính công đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên 6.800 hộ kinh doanh tại tỉnh đã sử dụng ứng dụng Etax Mobile để nộp thuế, đạt 81,3%; 82% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hơn 396.000 tài khoản định danh điện tử mức độ 2 đã được kích hoạt trên nền tảng VneID…
Bên cạnh đó, Yên Bái cũng quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực KHCN. Hiện tỉnh có 368 người có trình độ từ cao đẳng trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, tham gia Hội đồng đánh giá đề tài, sáng kiến cấp tỉnh. Số lượng sáng chế và văn bằng bảo hộ tăng trung bình 12-14% mỗi năm là một tín hiệu đáng mừng trong phong trào sáng tạo tại địa phương.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được đánh giá là kim chỉ nam, tạo đòn bẩy để Yên Bái vươn lên trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, giàu bản sắc và hạnh phúc. Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh đặt ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế; kinh tế số chiếm 20% GRDP; 40% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; duy trì chỉ số CĐS (DTI) trong top 15 cả nước.
Theo Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lê Trí Hà, muốn đạt được các mục tiêu đầy thách thức này, Yên Bái phải tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, phát triển các chương trình trọng điểm trong lĩnh vực có lợi thế như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch…
Đồng thời phải huy động sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân. Một trong những điểm đột phá là tăng tỷ lệ chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2% GRDP vào năm 2030, với 60% kinh phí đến từ xã hội hóa. Ngân sách Nhà nước sẽ dành tối thiểu 3% tổng chi hằng năm cho KHCN và CĐS một quyết định thể hiện tầm nhìn xa và cam kết rõ ràng của lãnh đạo tỉnh.
Theo đó, tỉnh lấy phát triển nhân lực chất lượng cao là nội dung cốt lõi trong chiến lược phát triển KH&CN. Được biết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào giáo dục đào tạo, hợp tác với các trường đại học uy tín xây dựng các ngành đào tạo chuyên sâu như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; triển khai nền tảng đào tạo trực tuyến...
Tỉnh cũng chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy kinh tế chia sẻ qua nền tảng số. Các hoạt động thi đua sáng tạo, giải thưởng khoa học kỹ thuật, tôn vinh trí thức tiêu biểu sẽ tiếp tục được tổ chức, khơi dậy phong trào học tập, nghiên cứu và đổi mới trong toàn xã hội.
Với tầm nhìn chiến lược, chính sách quyết liệt và đồng bộ, Yên Bái đang chứng minh rằng CĐS không phải là sân chơi riêng của những tỉnh, thành phố lớn. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đổi mới không ngừng, Yên Bái đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển KHCN, tạo nền tảng vững chắc cho một tương lai phát triển xanh, bền vững và thịnh vượng.
Hồng Duyên