Bước chuyển mình mạnh mẽ
Bằng nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, Quảng Bình đã và đang tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa ngành Công thương phát triển lên tầm cao mới. Minh chứng cho sự khởi sắc của hoạt động công thương trong năm 2024 đó là giá trị sản xuất (SX) công nghiệp đạt trên 18.000 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2023); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 59.321 tỷ đồng, tăng gần 11%. Các doanh nghiệp (DN) ngành Công thương đã nộp ngân sách nhà nước trên 512 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng thu ngân sách của tỉnh. Một số đơn vị dẫn đầu về nộp ngân sách nhà nước, như: Công ty Xăng dầu Quảng Bình, Công ty CP Điện gió B&T, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Vũng Áng...
Lĩnh vực may công nghiệp đã và đang góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc, phụ trách Sở Công thương cho biết: “Năm 2024 cũng là mốc đánh dấu một số năng lực mới được đầu tư và đi vào hoạt động tại Quảng Bình đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhiều DN đã ký kết các đơn hàng mới để tiếp tục đẩy mạnh SX. Một số ngành SX, như: Chế biến thực phẩm, may mặc, chế biến gỗ... có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp duy trì tăng trưởng. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ngày càng được đầu tư bài bản với hạ tầng hiện đại, thu hút nhiều DN lớn trong và ngoài nước. Sự xuất hiện của các dự án công nghiệp trọng điểm và các dự án năng lượng tái tạo đã tạo nên một diện mạo mới cho lĩnh vực công nghiệp địa phương”.
Kết nối thị trường trong và ngoài nước
Dấu ấn nổi bật về công tác xúc tiến thương mại của Quảng Bình trong năm 2024 đó là các hoạt động hỗ trợ DN phát triển SX, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình: Triển lãm trọng điểm thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hội chợ định hướng xuất khẩu và hội chợ chuyên ngành được tổ chức trong nước... Tỉnh tổ chức các đoàn giao thương tham dự các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức thành công đã mang lại nhiều lợi ích, cơ hội cho các DN, hợp tác xã kết nối giao thương, phát triển hoạt động SX kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh.
Quảng Bình luôn hướng đến sự phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Các dự án SX công nghiệp đều được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm. Ngành Công thương cũng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ DN trong việc chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần tạo dựng hình ảnh Quảng Bình là một địa phương phát triển xanh và bền vững.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lê Mậu Khánh cho biết: “Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh và tạo điều kiện cho các DN xây dựng kênh phân phối, mở rộng mạng lưới bán hàng, từng bước tham gia thị trường bán lẻ hiện đại, hướng tới xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế, trung tâm đã tổ chức và hỗ trợ hàng trăm lượt DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Tại các hội chợ và hội nghị kết nối cung cầu, khu gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, đặc sản của DN Quảng Bình luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan và mua sắm. Rất nhiều đoàn khách đã giao dịch và trực tiếp về tham quan nhà xưởng, khu SX, chế biến của các DN trong tỉnh nhằm tìm hiểu, trao đổi thông tin để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh”.
Khi mạng internet phát triển, ngoài giao dịch mua bán trực tiếp theo truyền thống, hiện nay, nhiều DN, cơ sở SX tại Quảng Bình đã thực hiện quảng cáo sản phẩm và bán hàng thông qua các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Việc quảng bá sản phẩm cũng trở nên đa dạng, phong phú, giúp người tiêu dùng ở mọi nơi dễ dàng lựa chọn, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí thấp hơn nhiều so với các hình thức quảng cáo truyền thống.
Những thách thức và triển vọng
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công thương vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Phong Phú ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành trong năm 2024, đồng thời nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển của tỉnh trong năm 2025 đạt mức tăng trưởng GRDP tối thiểu 8-10%, phấn đấu cao nhất là đạt mức tăng trưởng hai con số (10%). Đây là mục tiêu đầy thử thách, trong đó, ngành công nghiệp đóng vai trò là đầu tàu, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững. Trước tình hình thế giới dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến cố khó lường, ngành Công thương sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến SX và xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền và cộng đồng DN, Quảng Bình hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn, tận dụng tối đa tiềm năng để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
“Ngành tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các đề án, cơ chế chính sách; lồng ghép các chương trình, đề án để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển SX công nghiệp và kinh doanh thương mại. Ngành Công thương sẽ chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở SX công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào SX ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư; tiếp tục hỗ trợ DN ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh”, ông Phan Hoài Nam khẳng định.
Hiền Chi