Dịch vụ Bưu chính Mỹ (USPS) cho biết họ sẽ tiếp tục nhận các bưu kiện từ Trung Quốc và Hồng Kông, đảo ngược quyết định tạm ngừng trước đó 12 giờ.
Sự thay đổi đột ngột này khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ và vận chuyển trở nên hoang mang, khi mà các bên đều loay hoay tìm cách ứng phó với mức thuế 10% mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, cùng với việc chấm dứt cơ chế miễn thuế "de minimis" đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD.
“Mọi thứ hiện đang rối tung lên. Chúng tôi luôn cố gắng đoán xem điều gì sẽ xảy ra. Và có thể trong hai tuần nữa mọi thứ sẽ trở lại bình thường”, ông Martin Palmer, đồng sáng lập Hurricane Commerce – một công ty cung cấp dữ liệu thương mại điện tử xuyên biên giới cho biết.
“Thực tế là chẳng có chút thời gian nào để chúng tôi chuẩn bị. Điều thực sự cần thiết hiện nay là hướng dẫn từ chính phủ về cách xử lý vấn đề này”, bà Maureen Cori, đồng sáng lập công ty tư vấn Supply Chain Compliance nhấn mạnh.
Phía USPS khẳng định họ đang làm việc với CBP để thiết lập một cơ chế thu thuế hiệu quả đối với các gói hàng từ Trung Quốc nhằm đảm bảo nguy cơ gián đoạn ở mức tối thiểu đối với dịch vụ giao nhận bưu kiện.
"Mấu chốt của vấn đề không nằm ở Dịch vụ Bưu chính, mà là ở Hải quan. Tôi nghĩ rằng chính họ còn chưa sẵn sàng cho những gì đang diễn ra. Câu hỏi nghìn tỷ lúc này là ai sẽ thu thuế và ai sẽ phải trả các khoản thuế đó?”, một chuyên gia trong ngành bưu chính, xin phép giấu tên, trả lời CNBC.
Kate Muth, Giám đốc điều hành của Nhóm Tư vấn Thư tín Quốc tế (IMAG), tổ chức đại diện cho ngành vận chuyển thư và hàng hóa quốc tế tại Mỹ lưu ý rằng CBP có thể chịu tổn thất doanh thu nếu chi phí thu thuế cao hơn số tiền thuế thu được.
Trước đây, hàng nghìn bưu kiện theo diện “de minimis” thường được gom chung để hải quan xử lý cùng lúc, nhưng hiện tại, từng gói hàng sẽ phải được thông quan riêng lẻ, từ đó gia tăng đáng kể khối lượng công việc cho các nhân viên hải quan và dịch vụ bưu chính.
Một số công ty vận chuyển quốc tế, bao gồm FedEx và SF Express – hãng chuyển phát nhanh lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ vẫn tiếp tục gửi bưu kiện đến Mỹ. Tuy nhiên, FedEx đã đình chỉ chính sách hoàn tiền cho các lô hàng đến Mỹ từ ngày 29/1, với lý do những thay đổi về quy định gần đây, theo thông báo trên trang web của công ty. DHL – thuộc sở hữu của Deutsche Post – và UPS lưu ý rằng họ đang phối hợp với khách hàng để hạn chế tác động tiêu cực và tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Các chuyên gia ngành vận chuyển nhận định UPS, FedEx và DHL có các hệ thống thu thuế và có thể chuyển khách hàng sang dịch vụ đó.
Một giám đốc ngành logistics cho biết CBP tại Sân bay Quốc tế John F. Kennedy (New York) hiện đang tạm giữ tất cả các lô hàng đến từ Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới.
Ông Ram Radhakrishnan, CEO của Silq – công ty chuyên quản lý kiểm soát chất lượng, logistics và thủ tục hải quan – cho biết các kiện hàng áo len của khách hàng ông đang bị giữ lại dù thuế đã được thanh toán. "Tình hình thực sự rối ren”, ông Radhakrishnan nói. Công ty của ông không xử lý các lô hàng theo diện "de minimis", nhưng vẫn bị cuốn vào sự hỗn loạn. Đại diện CBP và sân bay JFK chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Tính đến chiều thứ Tư, vẫn chưa có cuộc điện đàm nào được lên lịch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận, Reuters cho hay.
An Duy