Theo ông Phan Đức Trung, vụ tấn công xảy ra khi sàn này thực hiện chuyển tiền từ ví lạnh (cold wallet) sang ví ấm (warm wallet) nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch hàng ngày.
Chỉ trong 4 giờ sau vụ hack, thị trường chứng kiến làn sóng thanh lý hợp đồng tương lai lên tới 76 triệu USD, kéo theo tổng giá trị thanh lý 499,23 triệu USD trong vòng 24 giờ.
Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, cần nâng cao an toàn thông tin và quản lý tài sản mã hóa. Ảnh: H.Y
Ông Trung nhận định, qua vụ việc của Bybit cần nâng cao an toàn thông tin và quản lý tài sản mã hóa, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt những nguyên tắc bảo mật cao nhất từ thiết kế kỹ thuật đến vận hành thực tế.
Ông Trung lý giải thêm: “Cơ chế yêu cầu 3 chữ ký trong hợp đồng thông minh (smart contract) của Bybit dù tiên tiến, nhưng chưa đủ để đối phó với các cuộc tấn công tinh vi. Việc thiết kế và vận hành các nền tảng giao dịch tài sản mã hóa đòi hỏi sự cẩn trọng tuyệt đối, đặc biệt ở khâu bảo mật. Nếu Việt Nam phát triển các sàn giao dịch tài sản mã hóa trong tương lai, cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn từ giai đoạn thiết kế đến triển khai. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cũng từ sự kiện này, ông Phan Đức Trung kêu gọi Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập các tiêu chuẩn an toàn thông tin và quản lý tài sản mã hóa. Ông Trung cho rằng: “Khi thị trường tài sản số ngày càng phát triển, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng không chỉ khiến nhà đầu tư dễ bị tổn thương mà còn hạn chế tiềm năng của ngành blockchain. Chỉ khi có luật pháp làm nền tảng, chúng ta mới xây dựng được hệ sinh thái tài sản mã hóa đáng tin cậy, vừa bảo vệ người dùng vừa thúc đẩy đổi mới”.
Ông Trung khẳng định, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng các chuyên gia an ninh mạng sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc, cập nhật thông tin và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao tiêu chuẩn bảo mật trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam.
Thống kê của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, tổng số vụ hack tiền mã hóa ước tính khoảng 657 vụ, với tổng thiệt hại khoảng 12,8 tỷ USD.
Trong đó, 5 vụ hack tiền mã hóa lớn nhất gồm: Bybit (2025) với thiệt hại 1,5 tỷ USD; Ronin (2022) với thiệt hại 615 triệu USD; Poly Network (2021) với thiệt hại 610 triệu USD; DMM Bitcoin (2024) với thiệt hại 300 triệu USD; KuCoin (2020) với thiệt hại 281 triệu USD
Thanh Giang