Ca cao sốt giá, nhà nhập khẩu quan tâm đến vùng trồng tại Việt Nam

Ca cao sốt giá, nhà nhập khẩu quan tâm đến vùng trồng tại Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Nông dân trồng ca cao tại xã Phú Hòa, huyện Định Quán phấn khởi vì đạt lợi nhuận tốt nhờ giá ca cao tăng. Ảnh: B.NGUYÊN
Nguồn cung khan hiếm cũng là nguyên nhân khiến các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất nhập khẩu ca cao quan tâm đến các vùng trồng ca cao tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà thu mua hạt ca cao nước ngoài vì sở hữu giống ca cao hiếm Trinitario (chiếm 15% sản lượng ca cao toàn cầu) và tầng hương vị đa dạng mang tính bản địa của từng vùng miền.
Lợi nhuận từ cây ca cao tăng nhanh
Hiện tổng diện tích ca cao Việt Nam đạt gần 3,5 ngàn hécta, diện tích thu hoạch hơn 2,8 ngàn hécta với sản lượng gần 4,8 ngàn tấn hạt khô. Diện tích trồng ca cao tập trung nhiều ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Với diện tích hơn 623 hécta, Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng ca cao lớn ở khu vực Đông Nam Bộ. Cây ca cao tại Đồng Nai phát triển bền vững nhờ có DN chế biến đầu tư dự án cánh đồng lớn, đồng hành, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng, cũng như bao tiêu sản phẩm.
Vài tháng trở lại đây, giá ca cao tươi liên tục tăng và đang ở mức 12 ngàn đồng/kg trái tươi, gấp 3-4 lần so với vài năm trước đó. Nguyên nhân giá ca cao tăng cao do năm 2024, nguồn cung ca cao từ Tây Phi và Nam Mỹ thiếu hụt quá lớn do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng thế giới về các sản phẩm chế biến từ ca cao lại tăng nhanh. Dự báo, ca cao có thể tiếp tục lập kỷ lục mới về giá.
Theo đánh giá của những nhà nhập khẩu ca cao từ Việt Nam, thời gian qua, thị trường ca cao Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai đạt được chứng nhận ca cao hương vị hảo hạng (FFC) từ Tổ chức Ca cao quốc tế (ICCO) vào năm 2016. Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn các nhà thu mua hạt ca cao nước ngoài còn vì sở hữu giống ca cao hiếm Trinitario (chiếm 15% sản lượng ca cao toàn cầu).
Nông dân được hưởng lợi lớn từ sự biến động này của thị trường ca cao. Ông Chu Văn Coón, nông dân có 1,6 hécta ca cao tại xã Phú Hòa, huyện Định Quán, so sánh: “Chúng tôi rất phấn khởi khi hiện nay, giá ca cao tăng gấp nhiều lần so với trước. Thu nhập từ cây ca cao hiện hơn hẳn nhiều loại cây ăn trái từng đứng tốp đầu về lợi nhuận”.
Cùng quan điểm, anh Lai Khánh Đại, nông dân trồng ca cao tại xã Phú Hòa, huyện Định Quán, chia sẻ thêm: “Trước đây, tôi chỉ trồng thử nghiệm khoảng 100 gốc ca cao. Thấy cây trồng này tăng trưởng rất tốt, cho năng suất cao và đặc biệt có DN bao tiêu nên yên tâm đầu tư mở rộng thêm gần 1 hécta”.
Theo nông dân trồng ca cao trên địa bàn tỉnh, trồng cây ca cao thường phải xen canh dưới tán cây điều hoặc một số cây trồng khác, thu hoạch được từ 2 loại cây trồng nên hiệu quả kinh tế tốt hơn. Chi phí đầu tư ban đầu cho cây ca cao thấp hơn so với nhiều cây trồng khác, khâu chăm sóc, thu hoạch cũng ít tốn chi phí nhân công hơn. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có DN chế biến thu mua sản phẩm, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật về tận vườn hỗ trợ nông dân về giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc nên yên tâm chọn đầu tư.
Ca cao Việt Nam được thế giới quan tâm
Giá ca cao tăng sốc, người nông dân được hưởng lợi nhưng là khó khăn không nhỏ cho DN chế biến, xuất khẩu.
Câu lạc bộ Ca cao ASEAN tham quan vườn ca cao tại Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, huyện Định Quán. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Ông Đặng Tường Khanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, huyện Định Quán, cho hay từ góc độ DN chế biến, giá ca cao tăng sốc sẽ tạo ra khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Vì tuy giá nguyên liệu đầu vào tăng rất cao nhưng giá sản phẩm bán ra khó tăng đột ngột và tăng với mức cao tương ứng. Ngoài ra, thị trường còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua vì thiếu nguyên liệu. Theo ông Khanh: “Cơn sốt giá ca cao này, nông dân được hưởng lợi rất nhiều nhưng DN chế biến cũng như người tiêu dùng đều không có lợi. DN đang cố gắng cân đối để có giá bán tốt nhất cho người tiêu dùng”.
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua cơn khủng hoảng nguyên liệu chế biến chocolate, nhiều nhà sản xuất trên thế giới đang có nhu cầu nhập nguyên liệu ca cao từ Việt Nam. Nhiều thương hiệu sản xuất chocolate lớn đã mở nhà máy ở Việt Nam, ưu tiên chế biến nguyên liệu tại chỗ để xuất khẩu. Thị trường ca cao nội địa đang đứng trước nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển.
Ông Datuk DR.Ramle Kasin, Trưởng ban Điều phối ca cao của Malaysia, đánh giá sản phẩm ca cao Việt Nam có mùi nguyên bản, mang hương vị đậm đà của hạt ca cao chứ không bị lai tạp như một số nước khác. Hiện nhu cầu về các sản phẩm chế biến từ ca cao, nhất là sản phẩm chocolate trên thế giới càng ngày càng cao, nhất là trong giới trẻ nên tiềm năng thị trường của sản phẩm này còn rất lớn. Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vấn đề là sản lượng ca cao của Việt Nam còn nhỏ, nên tăng sản lượng ca cao lên. Câu lạc bộ Ca cao ASEAN với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu cùng các DN sản xuất, xuất khẩu ca cao thuộc các nước ASEAN chọn Việt Nam tổ chức hội thảo lần thứ 24 Chương trình Thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp với mục tiêu mang các nhà sản xuất, nhà thương mại ca cao trên thế giới đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác, đặc biệt là hợp tác về thương mại nhằm làm thế nào để đưa các sản phẩm của ca cao Việt Nam ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Bình Nguyên
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/ca-cao-sot-gia-nha-nhap-khau-quan-tam-den-vung-trong-tai-viet-nam-d71600d/