Loạt động thái liên quan đến các quốc gia đóng vai trò then chốt trong nỗ lực đối đầu Trung Quốc gây ngạc nhiên lớn, vì sự chú ý đang đổ dồn vào việc Tổng thống Trump làm cách nào chấm dứt cuộc chiến Ukraine, cũng như động thái xử trí tình hình Trung Đông.
Người đứng đầu Nhà Trắng khi phát biểu nhậm chức tuyên bố Mỹ bước vào “thời kỳ hoàng kim mới”, nước này sẽ tăng cường sức mạnh quân sự và tìm cách mở rộng lãnh thổ. Đặc biệt việc mở rộng lãnh thổ là điều mà hơn 1 thế kỷ qua chưa tổng thống Mỹ nào đề cập. Ông chẳng nhắc gì đến đồng minh, bạn bè hay đối tác mà chỉ nói rõ đặt “nước Mỹ trên hết” ở mọi mối quan hệ. Tất cả báo hiệu một kỷ nguyên vô cùng khác biệt.
Phát biểu trước đội ngũ nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuần qua, Ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh chính sách đối ngoại thời gian tới tập trung thúc đẩy “bất cứ thứ gì khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, an toàn hơn, thịnh vượng hơn”.
Theo cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband: “Ông Trump được bầu làm người gây rối. Thông điệp là “hãy cẩn thận”. Họ không còn tin vào lập luận Mỹ hưởng lợi từ vai trò giữ ổn định tình hình toàn cầu nữa. Mọi người nên tôn trọng nhiệm vụ bầu cử của Trump cũng như hiểu rằng ông ấy không đùa giỡn”.
Ngoại trưởng Nhật Takeshi Iwaya rất thức thời. Ông nhấn mạnh trong 5 năm qua Nhật là nước đầu tư vào Mỹ nhiều nhất và hiện chi cho quốc phòng nhiều như Tổng thống Trump yêu cầu. Tổng thư ký NATO Mark Rutte vào ngày 23.1 cũng nói rằng Tổng thống Trump “đúng đắn” khi đòi hỏi các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng.
Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ bước vào “thời kỳ hoàng kim mới” - Ảnh: Reuters
Ưu tiên đối phó Trung Quốc
Sau cuộc gặp ngày 21.1, 4 ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Ấn - Úc ra tuyên bố chung với nội dung: “Chúng tôi cũng phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào hòng thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”. Tuyên bố dường như là thông điệp gửi đến Trung Quốc.
Một số thành viên chính quyền Trump như Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Elbridge Colby chủ trương ưu tiên đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc, nên nếu cần thiết có thể rút nguồn lực khỏi châu Âu cũng như Ukraine.
Phát ngôn từ Ngoại trưởng Rubio tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ mới đây tỏ rõ lập trường của nước này: “Nếu Trung Quốc thực sự muốn giữ ổn định quan hệ với Mỹ và tránh xung đột, thì họ sẽ không làm điều gì với Đài Loan lẫn Philippines. Họ cần dừng tay vì nếu không chúng tôi sẽ tập trung sự ý chú ý theo cách mà chúng tôi không muốn”.
Châu Âu và Ukraine
Tổng thống Trump tỏ rõ quyết tâm chấm dứt xung đột ở nhiều nơi trên thế giới nhằm tránh bất ổn lan ra toàn cầu. Ông phát biểu tại cuộc mít tinh trước lễ nhậm chức: “Tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến Ukraine, ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tại Trung Đông và ngăn chặn Thế chiến thứ ba bùng nổ”.
Nỗ lực trên dường như đạt được kết quả bước đầu khi Israel - Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn, nhóm Houthi ở Yemen cam kết không tấn công tàu di chuyển qua Biển Đỏ nữa.
Ngày 22.1, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế lẫn trừng phạt mới nếu Nga không chấm dứt cuộc chiến Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tuần qua nêu khả năng quân đội Mỹ là một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại đất nước mình. Nhưng nhà lãnh đạo này cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đều thừa nhận châu Âu cần hành động nhiều hơn nữa để tự vệ.
Lo ngại Mỹ thu hẹp hợp tác quân sự với đồng minh hoặc gây sức ép buộc đồng minh tăng cường năng lực quốc phòng là vấn đề nổi cộm chi phối cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO tuần trước. Vào năm ngoái và đặc biệt là vài tháng gần đây, NATO gấp rút thành lập đơn vị chỉ huy riêng NSATU quy tụ 700 nhân sự từ các quốc gia đồng minh lẫn đối tác phối hợp cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoài ra khối còn thiết lập nhiệm vụ BALTIC SENTRY, triển khai tàu cùng máy bay bảo vệ hạ tầng ngầm ngoài biển Baltic. Tất cả đều cho thấy họ đủ sức tự đảm bảo an ninh không cần Mỹ.
Thái độ với đối thủ
Một vấn đề quan trọng không kém là Tổng thống Trump quản lý mối quan hệ với đối thủ như thế nào. Sau khi nhậm chức ông đe dọa đánh thuế hàng Trung Quốc 10%, thấp hơn mức 60% cam kết lúc tranh cử. Dù từ chối lời mời dự lễ nhậm chức nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm khá thân thiện, chúc mừng Tổng thống Trump và thảo luận về thương mại song phương cũng như lệnh cấm TikTok.
Tổng thống Trump ghi nhận việc TikTok giúp ông tiếp cận cử tri trẻ tuổi. Ông không ngần ngại hoãn lệnh cấm 75 ngày nhằm đàm phán đòi thêm lợi ích. Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew ngồi cạnh tân Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard trong lễ nhậm chức đầu tuần.
Cẩm Bình