'Cá mập' giảm mua, thị trường vàng ngày càng khó đoán

'Cá mập' giảm mua, thị trường vàng ngày càng khó đoán
12 giờ trướcBài gốc
Cầu vàng trong nước quý I/2025 tăng 46% so với quý IV/2024. Ảnh: Đức Thanh
Cầu vàng thế giới chậm lại, cầu vàng trong nước giảm từ đỉnh
Báo cáo về xu hướng nhu cầu vàng quý I/2025 của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, tổng nhu cầu vàng theo quý (bao gồm cả thị trường phi tập trung - OTC) là 1.206 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh giá vàng cao kỷ lục, vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce. Như vậy, cầu vàng thế giới quý I/2025 đã giảm tốc so với tốc độ tăng trưởng quý I/2024 (tăng 3%).
Đặc biệt, khối ngân hàng trung ương - động lực tăng trưởng giá vàng những năm gần đây - tiếp tục mua ròng, song cầu vàng của khối này trong quý I/2025 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nước, cầu vàng quý I/2025 tăng 46% so với quý IV/2024, nhưng giảm 15% so với cùng kỳ, một phần do cung khan hiếm, một phần do quý I/2024, cầu vàng tại Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo, nhà đầu tư cần thận trọng với vàng lúc này, vì dư địa tăng giá không còn nhiều và đang trong tình thế có thể quay đầu bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã lên tới 18 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa nhà đầu tư phải chịu rất nhiều rủi ro nếu giá vàng thế giới điều chỉnh.
Những tuần gần đây, đà tăng của giá vàng cũng chững lại. Trong quý I/2025, động lực tăng trưởng cầu vàng toàn cầu là dòng tiền đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng tăng mạnh. Tổng nhu cầu đầu tư của các quỹ ETF vàng tính tới cuối quý I/2025 tăng lên 552 tấn, tăng 170% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất kể từ quý I/2022. Tuy vậy, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF thường xoay chuyển rất nhanh và bất kỳ lúc nào.
Về xu hướng thị trường vàng thời gian tới, bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại WGC cho rằng, bức tranh kinh tế tổng thể vẫn khó dự đoán. Sự không chắc chắn đó có thể thúc đẩy giá vàng tăng, nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn từ các tổ chức, cá nhân.
Mặc dù vậy, khi thời điểm 90 ngày hoãn thuế đối ứng ngày càng rút ngắn, nhiều chuyên gia phân tích khuyến cáo, nhà đầu tư cẩn trọng trước nguy cơ giá vàng có thể “quay đầu” trong trường hợp rủi ro thương mại giảm bớt, thương chiến dịu dần. Nếu khả năng này xảy ra, rất có thể vàng thế giới sẽ trở về vùng giá 3.000 USD/ounce.
Cung khan hiếm, chênh lệch giá tăng cao, đầu tư vàng ngày càng bất bất lợi
Tính tới đầu tuần này, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế đã lên tới 19 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay, cao hơn cả thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp thị trường vàng. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Thống đốc NHNN thừa nhận, chênh lệch giá vàng tăng mạnh trở lại từ đầu tháng 4/2025 đến nay do 3 nguyên nhân chính.
Một là, tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.
Hai là, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định, nên từ đầu năm 2025 đến nay, NHNN không phải can thiệp thị trường.
Ngoài các nguyên nhân trên, không loại trừ nguyên nhân thứ ba là có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi.
Dù vậy, NHNN cho rằng, diễn biến của thị trường vàng hiện nay chưa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ.
Thực tế, khi tỷ giá, lãi suất chịu nhiều sức ép như hiện nay, khả năng NHNN hy sinh ngoại hối để tăng cung cho thị trường vàng là khó xảy ra, bởi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu.
Trong bối cảnh thị trường vàng đứng trước nhiều rủi ro và khả năng NHNN can thiệp thị trường rất thấp, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính khuyến nghị, nhà đầu tư nên coi vàng là hầm trú ẩn, thay vì kênh đầu tư. Các yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá đang suy yếu và chắc chắn không còn giữ được đà tăng nhanh như thời gian qua. Trước mắt, giá vàng vẫn sẽ neo ở mức cao do kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn bất ổn. Tuy vậy, ở giai đoạn này, nhà đầu tư chỉ nên coi vàng là kênh cất trữ, nếu lướt sóng sẽ rất nguy hiểm.
Tăng cường thanh tra về vàng
Thống đốc NHNN nhận định, thị trường vàng thời gian tới chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền.
Để ổn định thị trường vàng một cách bền vững, bên cạnh các giải pháp từ phía NHNN, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Hà Tâm
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ca-map-giam-mua-thi-truong-vang-ngay-cang-kho-doan-d278847.html