Vào mùa mưa bão, tình hình sạt lở đất ở Cà Mau diễn ra phức tạp. Để chủ động ứng phó, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chú ý an toàn. Chính quyền đã lắp đặt biển cảnh báo, giăng dây tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao sạt lở đất.
Sạt lở đất khiến cho nhiều hộ dân mất nhà cửa, thiệt hại nặng nề về tài sản. Theo ngành chức năng địa phương, nguyên nhân chính là địa chất yếu tại khác khu vực ven sông, kết hợp trọng tải lớn từ các ngôi nhà cùng dòng chảy siết, dẫn đến sạt lở nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (72 tuổi), ngụ phường Giá Rai (Cà Mau) kể vào đêm 13.7, trong lúc đang ngủ, bà thức giấc vì nghe tiếng động mạnh, ngay sau đó ngôi nhà của bà bị sụp xuống sông kéo theo nhiều tài sản có giá trị.
Trước tình trạng sạt lở trên địa bàn có diễn biến phức tạp, chính quyền phường Giá Rai đã cử lực lượng phản ứng nhanh xuống địa bàn hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, di dời tài sản có giá trị ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời,lực lượng ứng trực được cử để theo dõi sát tình hình, kịp thời ứng phó khi có tình xuống bất ngờ xảy ra.
Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất ven sông Đầm Dơi (thuộc địa bàn huyện Đầm Dơi cũ) ngày càng nghiêm trọng. Sạt lở làm cho nhiều tuyến đường bị cuốn trôi, gây tê liệt giao thông, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất và hoạt động giao thương của người dân địa phương.
Cà Mau là địa phương có địa hình thấp, thường xuyên bị ngập do ảnh hưởng bởi dòng chảy, triều cường từ cả biển Đông lẫn biển Tây. Những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng càng, tình trạng sạt lở ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản, đất sản xuất của người dân; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của cư dân khu vực ven biển, ven sông, kênh rạch.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 50 vụ sạt lở đất, thiệt hại hơn 16 tỉ đồng. May mắn không có thiệt hại về người. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (cũ) đã xảy ra 4 vụ sạt lở lở đất ven sông với tổng chiều dài 145m, gây thiệt hại, hư hỏng 18 căn nhà, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực. Riêng tỉnh Cà Mau (cũ) ghi nhận 46 vụ sạt lở đất ven sông với chiều dài hơn 1.200m, thiệt hại 2 cống xổ vuông tôm, hư hỏng 26 căn nhà.
Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân gây sạt lở tác động từ con người. Trong ảnh là một phương tiện bơm hút bùn dưới lòng kênh xáng Lương Thế Trân (một bên là phường Lý Văn Lâm, bên kia là xã Lương Thế Trân, tỉnh Cà Mau) để san lấp mặt bằng cho một hộ dân cách đó vài trăm mét. Đáng nói, tình trạng bơm hút bùn này đã diễn ra liên tục khoảng hơn 1 tháng qua, kể cả vào ban ngày và hiện vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Để ứng phó với tình trạng sạt lở đất ven sông, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đóng cọc cừ tràm chống xói lở đất, kết hợp múc bùn tạo bãi bên trong, sau đó trồng cây mấm (còn gọi là cây mắm) để giữ đất, ngăn chặn sạt lở. Cách làm này được đánh giá hiệu quả và chi phí thấp.
Trước tỉnh trạng sạt lở, sụt lún đất ven sông diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo khẩn với các sở ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh khẩn trương, chủ động triển khai giải pháp ứng phó với thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp - Môi trường Cà Mau làm cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hướng dẫn chính quyền cấp xã rà soát, khoanh vùng khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; theo dõi diễn biến hiện trường, kịp thời ứng cứu, xử lý.
Xây kè kiên cố là giải pháp bền vững, giúp hạn chế được tình trạng sạt lở đất ven sông diễn ra phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, để triển khai cần nguồn vốn đầu tư lớn, đòi hỏi thời gian và lộ trình thực hiện cụ thể.
Trần Khải