Cà Mau: Che giấu thiết bị giám sát hành trình tàu cá, 12 người lĩnh án tù

Cà Mau: Che giấu thiết bị giám sát hành trình tàu cá, 12 người lĩnh án tù
2 ngày trướcBài gốc
Phiên tòa xét xử lưu động sơ thẩm các đối tượng che giấu thiết bị giám sát hành trình tàu cá tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Hoàng Tá
Tại tòa, bị cáo Trương Văn Sang (ở Ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) cùng các đồng phạm gồm: Huỳnh Văn Sơn (sinh năm 1991, ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) và Lương Văn Hùm (sinh năm 1998), Mai Văn Hải (sinh năm 1986), Trần Văn Khánh (sinh năm 1990), Lê Trường Giang (sinh năm 1990), Trần Minh Dương (sinh năm 1992), Mai Thành Tân (sinh năm 1997), Trần Văn Vị (sinh năm 1979), Nguyễn Toàn Trung (sinh năm 1988), Lương Văn Cảnh (sinh năm 1991) và Võ Văn Tụ (sinh năm 1999), cùng ở tỉnh Kiên Giang, bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau cáo buộc, phạm tội cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo cáo trạng, nhằm mục đích có thêm thu nhập, bị cáo Trương Văn Sang đã chuẩn bị công cụ, thuê phương tiện là tàu cá số hiệu CM 08710-TS nhằm mục đích cất giữ các thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác thu lợi bất chính.
Sang đã cung cấp số điện thoại và tọa độ để 10 bị can là thuyền trưởng các các tàu cá khác, gửi các thiết bị giám sát hành trình tàu cá để đi ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản và mua nhiên liệu với giá rẻ.
Từ tháng 9/2024 đến ngày 17/10/2024, bị can Sang và bị can Sơn đã tiếp nhận, cất giữ 9 thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa thu được tiền công thì bị bắt quả tang cùng tang vật.
Bị cáo Trương Văn Sang, người chủ mưu trong vụ án đã nhận tội và trình bày nguyên nhân đến từ việc bản thân thất học, gia đình khó khăn, mong muốn kiếm tiền nuôi mẹ già, con nhỏ nên phạm tội. Hầu hết các bị cáo còn lại đều cho rằng, chưa nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình sẽ đến mức bị truy tố hình sự, sau khi bị tạm giam, xét hỏi và xét xử tại phiên tòa thì mới nhận thức được hành vi phạm tội của mình.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội nêu trên của các bị cáo đã vi phạm quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), làm giảm uy tín của ngành thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản, tiềm ẩn nguy cơ không thể gỡ được “thẻ vàng” của châu Âu.
Các bị cáo bị tuyên phạt mức án lần lượt như sau: Trương Văn Sang, 10 năm tù, phạt bổ sung 40 triệu đồng; Lương Văn Hùm 8 năm 6 tháng tù; Mai Văn Hải 8 năm tù; Trần Văn Khánh 7 năm 6 tháng tù; Lê Trường Giang 7 năm tù; Huỳnh Văn Sơn 6 năm tù và bị cáo Trần Minh Dương 5 năm tù về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử” theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 287 của Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo Mai Thành Tân bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Toàn Trung 4 năm 3 tháng tù, Trần Văn Vị 4 năm tù, Lương Văn Cảnh 3 năm 6 tháng tù và Võ Văn Tựu 3 năm tù về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 287 của Bộ luật Hình sự.
Vụ án lần này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với ngư dân. Đây là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật, có nguy cơ bị tuyên phạt mức án tù rất cao mà còn gây ra hậu quả lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của bộ phận ngư dân ven biển và hình ảnh chung của ngành thủy sản nước ta trên thị trường quốc tế.
Hoàng Tá
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/ca-mau-che-giau-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-tau-ca-12-nguoi-linh-an-tu-post486835.html