Mùa này, trên cánh đồng lớn chuyên canh lúa - tôm ở xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch tôm, cua. Bên cạnh việc thu hoạch, người dân còn tích cực cải tạo ao đầm, bơm nước vào vuông nuôi để bảo vệ thủy sản trước những tác động xấu của thời tiết. Ông Trần Văn Hoàng, ngụ xã Lý Văn Lâm cho biết ông lo lắng khi những ngày qua cua nuôi trong vuông bỗng dưng bị chết do nắng nóng. Để đối phó với những tác động của thời tiết, ông Hoàng đã sử dùng lá dừa cắm xuống vuông để tạo bóng mát cho vật nuôi tránh trú, nhằm làm hạn chế thiệt hại.
Nắng nóng khiến cua nuôi của người dân bị chết
“Từ đầu tháng 4 đến nay là cao điểm của nắng nóng, thời tiết oi bức khiến cho con người còn chịu không nổi, nói gì tôm, cua. Năm nào cũng vậy, hễ bước vào cao điểm nắng nóng của mùa khô là tôm, cua đều bị chết. Ai chủ động ứng phó kịp thời thì thiệt hại sẽ giảm”, ông Hoàng nói.
Ông cho biết thêm, vụ mùa năm nay ông đã xuống giống theo kiểu nối vụ được 3 đợt và đang hướng tới thả giống đợt 4. Theo đánh giá của ông Hoàng tôm cua đều phát triển, lớn nhanh so với thường niên. Tuy nhiên, những ngày gần đây, trong vuông xuất hiện cua chết rải rác.
“Năm nay, tôm cua phát triển thuận lợi nên tôi rất mừng, sản lượng đạt tương đối hơn so với những năm trước. Hiện cua đạt trọng lượng khoảng 4 con/kg, loại này được thu mua với giá khoảng 200.000 đồng/kg. Dự tính dịp lễ 30.4 này tôi thu hoạch và thả giống nối vụ để canh dịp lễ 2.9. Dẫu vậy, mấy ngày nay ra thăm đồng, ngày nào tôi cũng phát hiện cua chết, nguyên nhân do nắng nóng, mực nước trong vuông thấp, chúng không có nơi trú ẩn dẫn đến thiếu oxy và chết ngộp”, ông Hoàng nói.
Những con cua đã đạt trọng lượng thu hoạch
Không riêng gì hộ ông Hoàng, tình trạng cua nuôi chết trong những ngày qua do nắng nóng vẫn xảy ra với các hộ nuôi lân cận. Bà Lưu Thị Dợt, ngụ xã Lý Văn Lâm chia sẻ: “Tôi vừa thả 5.000 con cua giống để đón đầu dịp rằm tháng 8 và lễ 2.9 sắp tới. Dù đã chủ động và biết trước sẽ xảy ra tình trạng cua chết mỗi khi bước vào cao điểm nắng nóng nhưng bản thân vẫn cảm thấy lo. Nắng nóng, ngoài việc làm cho thủy sản chết thì còn là tác nhân trực tiếp khiến vật nuôi chậm lớn do độ mặn tăng cao. Cách để bảo vệ vật nuôi trong vuông hạn chế thiệt hại trong mùa này là bà con cứ để nguyên cây cỏ ven bờ vuông để tạo bóng mát, thường xuyên bơm nước vào vuông để cân bằng mực nước hoặc sử dụng cây cỏ, rơm cuộn thả xuống vuông để vật nuôi có nơi trú ẩn vào mùa nắng nóng”, bà Dợt cho biết.
Theo bà Dợt, năm nay vật nuôi trong vuông phát triển tốt, nếu được chăm sóc cẩn thận đến khi mùa mưa xuống thì khả năng cao bà con sẽ trúng mùa vụ cua sắp tới. Tuy nhiên, từ nay đến mùa mưa còn khoảng 2 tháng, đây là lúc cao điểm của nắng nóng nên bà con cần lưu ý sử dụng các biện pháp bảo vệ vốn được xem là kinh nghiệm trong nhiều năm qua để bảo vệ vật nuôi trước những tác động xấu của thời tiết.
“Cái chính vẫn là thường xuyên bơm nước vào vuông để tạo đáy ao sâu thì vật nuôi sẽ được bảo vệ tốt và hạn chế được thiệt hại”, bà Dợt thông tin.
Để ứng phó với nắng nóng, người dân đã sử dụng nhiêu biện pháp để bảo vệ thủy sản nuôi
Anh Đinh Hải Đăng, kỹ sư thủy sản phụ trách địa bàn Cà Mau cho hay nguyên nhân làm cho cua tôm chết trong mùa nắng nóng là do nhiệt độ cao, nước bốc hơi nhanh khiến cho vật nuôi không chịu được nhiệt dẫn đến chết hàng loạt. “Đặc biệt là mùa này những cơn mưa trái mùa xuất hiện làm cho nguồn nước dưới vuông bị phân tầng là một trong những nguyên nhân chính làm vật nuôi bị chết. Cùng với đó, nắng nóng tạo điều kiện cho tảo, khuẩn phát triển sinh ra khí NH3 gây hại cho vật nuôi. Để phòng tránh, bà con nên thường xuyên nâng cao mực nước trong ao nuôi, thả giống với mật độ thưa và tìm cây cỏ hoặc rơm rạ thả xuống ao để tạo bóng mát cho thủy sản nuôi tránh trú”.
Trần Khải