Gia đình ông Đinh Văn Út (ở ấp Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có nguồn thu hơn 10 triệu đồng từ cá đồng trong mùa khô này. Ông Út cho biết, cá đồng có nhiều hơn nhờ bà con không còn dùng xiệc điện để bắt cá, chụp đìa cũng thả lại cá non để làm giống cho mùa sau.
Bảo vệ cá đồng, bảo vệ lợi ích của mình
“Trước đây có người tát đìa, rồi dùng xiệc điện kích để bắt cá dễ, đỡ tốn công hơn nhưng cá chết hết, rồi cứ vậy nguồn lợi giảm dần. Từ hồi có quy định, cấm dùng xiệc điện, bà con làm thủ công. Giờ thì chụp đìa, lựa mấy con lớn bắt, mấy con nhỏ thả lại cho mùa sau”, ông Út chia sẻ.
Tỉnh Cà Mau từng có nguồn lợi cá đồng phong phú
Ông Phạm Thành Được, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, thừa nhận thực trạng, cá đồng tại địa phương từng bị suy giảm nghiêm trọng do đánh bắt tận diệt.
Theo ông Được, khoảng hơn 20 năm trước người dân địa phương còn làm 1 vụ lúa mùa/năm, cá đồng rất phong phú. Tới mùa lúa, bà con đi phát cỏ có thể chém trúng cả rổ cá mang về. Hồi đó, người dân thu hoạch cá bằng hình thức chụp đìa (dùng lưới bẫy cá), chỉ bắt cá lớn thôi cũng thu được vài trăm ký cá.
Khoảng chục năm trở lại đây, khi xiệc điện dần phổ biến, nhất là khi bà con dễ dàng mua được trên mạng để đánh bắt cá đã khiến nguồn lợi cá đồng bị sát hại nhiều.
Trước khi có Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy về việc, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, địa phương cũng đã tuyên truyền, khuyến khích bà con nên chụp đìa, tuy nhiên, tình trạng người dân đánh bắt bằng xiệc điện vẫn diễn ra. Khi Chỉ thị 17 ra đời, các cơ quan chức năng làm quyết liệt, bên cạnh công tác tuyên truyền, việc kiểm tra, xử lý cũng được thực hiện thường xuyên.
Tuy nhiên, do đánh bắt tận diệt nên nguồn lợi bị suy giảm nhiều
“Xã thường xuyên ra quân, tuần tra, kiểm tra tình hình đánh bắt cá trên địa bàn. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích người dân tố giác những người dùng xiệc điện hoặc tàng trữ xiệc điện. Vừa qua, trên địa bàn có một trường hợp, người dân tố giác việc tàng trữ xiệc điện. UBND huyện đã khen thưởng cho người tố giác”, ông Được cho biết.
Hiện xã Khánh Hải - miền quê của bác Ba Phi, nguồn lợi cá đồng đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Mùa khô vừa qua, người dân trồng lúa ở các tuyến Kênh Sộp, Bãi Ghe,… đã vui hơn khi thu hoạch được nhiều cá hơn. Bà Vũ Thị Hiên, người dân địa phương cho biết, bảo vệ cá đồng là bảo vệ lợi ích của mình nên bà con ngày càng có ý thức tốt hơn.
Cần giữ “đạo bắt cá của ông bà”
Vào đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 17 về việc, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt. Chỉ thị đã được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả rất tốt. Qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự nguyện giao nộp hơn 2.500 bộ dụng cụ kích điện; đồng thời các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng tịch thu, tiêu hủy hơn 700 bộ dụng cụ kích điện khác.
Gần đây, nguồn lợi cá đồng tại xã Khánh Hải đã có dấu hiệu hồi phục
Trong Hội nghị Sơ kết về thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý, các cơ quan chức năng bên cạnh việc tăng cường kiểm tra xử lý thì quan trọng là làm sao để người dân tự ý thức bảo vệ nguồn lợi cá đồng. Bà con không đánh bắt cá non, tự nguyện trở lại đánh bắt cá theo cách bền vững của ông bà ngày xưa.
“Vùng đất mình, khi ông bà chụp đìa bắt cá, cá nhỏ thả lại. Thậm chí, ông bà ta để lại nhiều cặp cá bố mẹ, làm giống cho mùa sau. Đó là đạo lý bắt cá của ông bà, rất hữu ích. Bây giờ, chúng ta lại bắt hết không còn con gì, rồi mùa sau nó muốn lớn sao thì lớn. Cơ quan chức năng, có khi nào nghĩ tới việc phải hướng dẫn cho bà con thực hiện việc đó như thế nào? Cần xây dựng hương ước, quy ước như thế nào để bà con nhân dân cùng nhau bảo vệ được nguồn lợi này. Làm sao chuyển biến được trong chính nhận thức của bà con”, ông Ngại cho biết.
Người dân Cà Mau đã giao nộp hơn 2.500 bộ xiệc điện
Thực hiện Chỉ thị 17, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau, đến nay, các địa phương, đơn vị có liên quan cũng đã vận động hơn 144.600 hộ dân ký cam kết “Không sản xuất buôn bán, tàng trữ vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản” ở tất cả các vùng nước.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các lực lượng có liên quan, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển để tăng cường thực hiện IUU. Qua đó, phát hiện và đề nghị xử lý hơn 90 vụ với số tiền xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Các Đội Kiểm tra liên ngành 666 phát hiện và xử lý 26 vụ, với số tiền xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng.
Trần Hiếu-VOV/ĐBSCL