Cà Mau: Hơn 14.000 hộ dân khát nước sạch nghiêm trọng

Cà Mau: Hơn 14.000 hộ dân khát nước sạch nghiêm trọng
6 giờ trướcBài gốc
Công trình cũ, đầu tư lâu, vận hành kém
Từ đầu mùa khô đến nay, người dân huyện Năm Căn thiếu nước sạch sử dụng. Đây là huyện giáp biển nên khó khoan giếng nước ngầm. Những năm khô hạn đỉnh điểm, dân Năm Căn phải mua nước sạch giá 45.000đồng/m3 để sử dụng.
Công ty CP cấp nước Cà Mau tặng bồn chứa nước cho người dân thiếu nước sạch sử dụng ở huyện Thới Bình.
Ông Lâm Văn Hai, ngụ xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn cho biết, gia đình ông có 5 nhân khẩu. Đến mùa khô hạn, gia đình ông phải tiết kiệm để dành tiền mua nước sinh hoạt: "Nước mua để nấu ăn. Tắm, giặt thì lấy mặn sử dụng sau khi bỏ trong lu lắng. Có được cơn mưa là mừng". Các xã xung quanh cũng vậy.
Ông Huỳnh Minh Kiên, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn thừa nhận, mùa khô năm nay, địa bàn huyện có tình trạng khát nước sạch. Ngoài đặc thù địa lý giáp biển, các công trình phục vụ nước bị hư hỏng, xuống cấp nên không cấp nước sạch cho người dân.
Ông Kiên cho biết, hầu hết các công trình cấp nước trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng từ năm 1990 và 2000, do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm Nước), thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý.
"Khi công trình cấp nước hoàn thành, Trung tâm Nước giao cho xã quản lý. Cán bộ xã thiếu chuyên môn, Trung tâm Nước bàn giao nhưng cũng có cam kết gì. Cán bộ nơi bàn giao ít kiểm tra nên công trình không phát huy hiệu quả. Một số xã, hơn 30 năm trước có vài chục hộ dân nay lên đến vài trăm hộ, công trình không đáp ứng nhu cầu thực tế", ông Kiên cho biết.
Để giải quyết tạm thời tình trạng thiếu nước sạch, Cà Mau vận động các nhà tài trợ tặng bồn chứa nước cho dân.
Tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh còn bi kịch hơn. Các công trình cấp nước bị hỏng, 229 hộ dân đang khát nước sạch. Huyện đang sửa chữa khẩn cấp 3 trạm bơm nước để giải quyết tình trạng khát nước cho hơn 200 hộ dân. "Toàn huyện còn hơn 500 hộ dân thiếu nước sạch", ông Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thừa nhận, Cà Mau có 55% công trình cấp nước phục vụ 14.000 hộ dân xuống cấp, hư hỏng bởi thời gian sử dụng quá lâu cần phải sửa chữa. Ông Bằng nhận định: "Công trình hoàn thành giao cho chính quyền xã quản lý, khai thác không hiệu quả do thu không đủ chi, không cân đối nguồn để duy tu, sửa chữa thường xuyên".
Môt số công trình cấp nước đã xuống cấp tại huyện U Minh cần được sửa chữa.
Dự án cho người dân "hết khát" vẫn chưa khả thi
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, nguồn nước ngầm tỉnh được cấp từ công trình khai thác tập trung chủ yếu do 2 đơn vị cung cấp. Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau (cấp nước cho các khu vực đô thị, thị trấn, với khoảng 83.000 hộ, chiếm 96% hộ dân khu vực đô thị, thị trấn) và Trung tâm Nước (cấp nước các khu vực trung tâm xã và các tuyến dân cư nông thôn, với khoảng 40.000 hộ, chiếm 18% số hộ dân nông thôn).
Ngoài ra, còn khoảng 180.000 hộ sử dụng từ nước giếng khoan riêng lẻ từ hộ gia đình hoặc trữ nước mưa để sinh hoạt.
Cán bộ Trung tâm Nước lắp đặt đường ống để kéo nước sạch về xã Biển Bạch, huyện Thới Bình.
Ông Phạm Phước Tài, Tổng giám đốc Công ty CP cấp nước Cà Mau cho rằng, để đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân, thời gian qua, công ty đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng mạng đường ống, khoan giếng bổ sung nguồn cung cấp, lắp đặt hệ thống công nghệ bồn lọc xử lý nước… Từ năm 2024 đến nay, công ty đã cấp nước thương phẩm hơn 20 triệu m3.
Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, 9 năm qua, Cà Mau đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng mạng 17 công trình cấp nước với hơn 400km đường ống ở các huyện; thiết lập 72 điểm cấp nước tập trung; hỗ trợ 5.600 bồn chứa nước 1m3; 20 túi chứa nước dung tích 25m3; 200 thiết bị lọc nước; 15 máy lọc nước nhiễm mặn; vận chuyển 550m3 nước ngọt ra đảo Hòn Chuối…
Tuy nhiên, Công ty CP cấp nước Cà Mau và Trung tâm Nước không thể giúp người dân toàn tỉnh "hết khát". Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp cận nguồn nước mặt sông Tiền, sông Hậu.
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh có 6 khu vực có nguy cơ bị thiếu nước, không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, có 2 khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước với hơn 700 hộ gia đình thuộc xã Biển Bạch và Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình); gần 330 hộ gia đình thuộc các xã Khánh Thuận, Khánh Lâm, Khánh Hội (huyện U Minh) và một khu vực xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn). Xã Biển Bạch đang thực hiện công trình nâng cấp, mở rộng đường ống cấp nước nên người dân không còn cảnh khát nước. Đối với những nơi khác thì chưa biết bao giờ người dân hết khát khi đến mùa khô hạn.
Trước đó, tỉnh có phối hợp nhiều cơ quan nghiên cứu dự án kéo nước từ sông Hậu, sông Tiền về Cà Mau nhưng chưa khả thi. UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, tiền bơm nước, tiền vận hành xử lý nước, hệ thống cống đập giữ nước… kinh phí rất lớn, dẫn đến giá nước tăng cao. Dự tính, giá khoảng 40.000 đồng/m3. Do vậy, dự án này vẫn "tiếp tục nghiên cứu".
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang triển khai thi Dự án cấp nước sạch nông thôn tập trung tỉnh Cà Mau, thuộc Dự án Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, gồm: Xây dựng mới 6 hạng mục công trình và nâng cấp, mở rộng 7 hạng mục công trình, với 300km mạng đường ống; sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt bền vững cho 14.000 hộ dân. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025.
UBND tỉnh Cà Mau đề xuất tập trung nguồn lực đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn và triển khai thực hiện đề án nâng cao năng lực trữ nước nhằm bảo đảm nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 hộ vùng nông thôn. Tỉnh chủ trương chuẩn bị đầu tư đối với các khu vực, tuyến dân cư nông thôn có quy mô lớn, có tính kết nối cao để từng bước thay thế các công trình cũ, xóa bỏ dần số giếng khoan nhỏ lẻ.
Đào Văn
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/hon-14000-ho-dan-ca-mau-dang-khat-nuoc-tung-ngay-192250508161914565.htm