Cà Mau phải là trung tâm kinh tế biển, năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện

Cà Mau phải là trung tâm kinh tế biển, năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện
2 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Cùng dự buổi làm việc, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực
Tại buổi làm việc, báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường, tình trạng sụt lún, sạt lở bờ biển, ven sông và triều cường, thiên tai, dịch bệnh đã tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất, đời sống nhân dân, song với quyết tâm chính trị cao, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau đã vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Ước tính đến cuối năm 2024, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,53%; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 88 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,6 triệu đồng/người/năm, tăng 36,2% so với năm 2020.
Tỉnh đã chú trọng phát triển công nghiệp vào những ngành có thế mạnh; tiềm năng năng lượng tái tạo được đầu tư khai thác bước đầu có hiệu quả. Tỉnh đang trình cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt Đề án xuất khẩu điện; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các đô thị ven biển. Cà Mau là tỉnh đầu tiên đề xuất lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, góp phần quản lý tốt tàu cá trong công tác phòng, chống bão và xâm phạm vùng biển nước ngoài. Cụm Công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau phát huy hiệu quả, cung cấp hơn 30 tỷ m3 khí, hơn 114 tỷ KWh điện và hơn 1 triệu tấn phân bón, góp phần cho ngân sách và an sinh xã hội địa phương.
Địa phương tiếp tục là tỉnh đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm. Du lịch từng bước phục hồi; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Chuyển đổi số được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhân dân hưởng ứng, đã tác động mạnh đến một số ngành, lĩnh vực, nhất là dịch vụ. Đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; khẩn trương triển khai các trình tự, thủ tục thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau bảo đảm tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Chất lượng giáo dục-đào tạo được duy trì. Lĩnh vực văn hóa, thể thao hoạt động linh hoạt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,56%/năm, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,95%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Chủ quyền biên giới biển, đảo được giữ vững. Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phạm Thành Ngại cũng đã nêu những khó khăn, hạn chế mà tỉnh đang phải đối mặt như: Tình trạng sụt lún, sạt lở bờ biển, bờ sông phức tạp. Tăng trưởng kinh tế vẫn dưới mức tiềm năng, chưa ổn định và chất lượng tăng trưởng chưa cao; quy mô nguồn thu còn nhỏ, còn nhận trợ cấp khá lớn từ Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp khu kinh tế.
Tiềm năng du lịch của Cà Mau rất lớn xuất phát từ điều kiện tự nhiên và vốn văn hóa, tuy nhiên chưa được khai thác thực sự tốt do còn thiếu những nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, quản trị và kinh nghiệm. Giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, phối hợp của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương. Việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tại một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt.
Để khắc phục những tồn, tại hạn chế, đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trình bày một số nội dung đề xuất, kiến nghị để tỉnh có thể phát triển nhanh trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển Cà Mau xứng tầm là vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Cà Mau đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng chí nhấn mạnh, tỉnh Cà Mau có vị trí rất quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Mảnh đất Cà Mau giàu truyền thống cách mạng, nơi ẩn chứa biết bao nhiêu giai thoại về những con người đất Mũi đã làm nên những chiến công oanh liệt, với những trang sử hào hùng. Môi trường tự nhiên và xã hội cùng với khí chất Nam Bộ miền sông nước Cửu Long đã đã hun đúc con người Cà Mau có những phẩm chất cao quý, hào sảng, dũng cảm, nghĩa tình và hết lòng yêu quê hương, đất nước.
Tổng Bí thư đánh giá cao việc tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những khó khăn hạn chế, qua đó thấy được trăn trở và khát khao vươn lên phát triển của của địa phương.
Tán thành các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Cà Mau đề ra trong thời gian tới, Tổng Bí thư gợi ý tầm nhìn cho tỉnh là phải trở thành một tỉnh hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, một tỉnh có nền kinh tế năng động, có một cấu trúc kinh tế-xã hội-môi trường bền vững nhờ sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa tài nguyên tự nhiên với nguồn lực con người, năng lực quản trị và công nghệ. Cà Mau phải nỗ lực trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng tái tạo và xuất khẩu điện của cả nước, phát triển nông, lâm nghiệp hiện đại, thông minh, du lịch bền vững, chất lượng cao.
Hiện thực hóa tầm nhìn, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ tỉnh Cà Mau thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, giữ gìn đoàn kết trong Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; thực hiện quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tỉnh cần nghiên cứu để có cơ chế thu hút nhân tài trong và ngoài tỉnh; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Cùng với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 và cả nhiệm kỳ, tỉnh cần làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tổng Bí thư cho rằng Cà Mau cần phát huy hơn nữa vị trí địa kinh tế, quan tâm đến công tác quy hoạch và ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế về biển, đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn. Tỉnh cũng cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết chặt chẽ với 3 địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nói riêng và các địa phương khác nói chung trong việc hoạch định chiến lược, huy động nguồn lực, cùng phát triển, cùng chia sẻ thành quả.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và đồng bộ, ưu tiên đầu tư các trục giao thông có khả năng kết nối đến các trung tâm kinh tế lớn hiện hữu của vùng, các trung tâm chế biến và các thị trường tiêu thụ.
Tỉnh chú trọng thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế có nhiều lợi thế là thủy sản và du lịch; đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị thủy sản chất lượng cao; nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu du lịch Cà Mau gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị của địa phương.
Tổng Bí thư đề nghị tỉnh chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, y tế; nâng cao dân trí, sức khỏe cộng đồng; tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đồng bộ, toàn diện ở khu vực công và khu vực tư nhân; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh cần đẩy nhanh việc tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; kiến tạo môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, chi phí thấp, thu hút hiệu quả các dự án đầu tư, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân.
Về đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Tổng Bí thư đánh giá là những nội dung xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn, khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ tỉnh. Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương và ý kiến trao đổi của đại diện các ban, bộ ngành Trung ương tại buổi làm việc để gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành, với sự năng động, sáng tạo, đột phá của chính quyền địa phương, góp phần tạo nền móng vững chắc cho Cà Mau phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng thiết bị y tế cho Phòng khám đa khoa khu vực sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
HẠNH NGUYÊN - HỮU TÙNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ca-mau-phai-la-trung-tam-kinh-te-bien-nang-luong-tai-tao-va-xuat-khau-dien-post845386.html