Cà Mau phấn đấu phát triển kinh tế biển bền vững

Cà Mau phấn đấu phát triển kinh tế biển bền vững
4 giờ trướcBài gốc
Tiềm năng xen lẫn thách thức
Cà Mau sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển khi là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, vùng biển rộng lớn khoảng 80.000 km2 với 3 cụm đảo gần bờ là Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc.
Đây cũng là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nguồn lợi thủy sản phong phú, diện tích nuôi tôm lớn nhất nước khoảng 300.000 ha. Theo đó, sản lượng tôm của tỉnh Cà Mau cũng lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.
Cà Mau sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển khi là tỉnh duy nhất có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau có nhiều lợi thế để khai thác năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, điện khí và khu kinh tế biển. Với địa thế nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, tỉnh Cà Mau khả năng sẽ là trung tâm Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Nhiều năm qua, kinh tế biển, đảo của tỉnh đã được xác định chiếm một vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu với bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thì kinh tế biển của tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với những thách thức.
Theo ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, để thu hút đầu tư phát triển hệ sinh thái nuôi trồng và chế biến thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, cần xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, nhất là các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ vay vốn ưu đãi và các quỹ khuyến khích đầu tư công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, Cà Mau cũng cần cải thiện thủ tục hành chính, đảm bảo quy trình đầu tư nhanh chóng, minh bạch và đơn giản hóa các quy định liên quan đến cấp phép hoạt động.
“Cần nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện về những tiềm năng, lợi thế, thực trạng và thách thức trong phát triển kinh tế biển của tỉnh, hướng đến phát triển mạnh các ngành kinh tế biển mũi nhọn như thủy sản, du lịch dịch vụ và năng lượng tái tạo. Đồng thời, có giải pháp khắc phục thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác IUU...” - ông Mai Hữu Chinh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nhận định.
Ngoài ra, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay chính là cơ chế, chính sách, pháp luật về biển và hải đảo chưa đầy đủ, một số chủ trương lớn của Đảng chưa được cụ thể hóa kịp thời.
Vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, tình trạng sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất của người dân. Đồng thời, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp còn yếu kém và chưa được đầu tư đồng bộ; các khu dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư chưa tương xứng với tình hình thực tế phát triển của tỉnh.
Đẩy mạnh các giải pháp hướng đến kinh tế biển bền vững
Để phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển, xây dựng và phát triển Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của vùng và của cả nước. Ông Lâm Văn Bi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, chia sẻ với báo chí trước đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển.
Đồng thời, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, kinh tế đảo.
Thủy sản Cà Mau nhiều năm liền đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Ảnh minh họa.
Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn;
Phát triển công nghiệp cơ khí, đóng, sửa chữa tàu, thuyền ở các cửa biển Sông Đốc, Khánh Hội, Rạch Gốc; rà soát, triển khai đầu tư xây dựng các điểm, cụm công nghiệp Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội…;
Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau,
Song song đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng tái cơ cấu khai thác thủy sản theo hướng bền vững. Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với các vùng biển, với môi trường tự nhiên và nguồn lợi hải sản.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm khai thác sang các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, ngành nghề du lịch, nuôi trồng thủy sản; đầu tư hạ tầng sản xuất giống hải sản, vùng nuôi hải sản ven biển, đảo;
Hoàn thiện các cơ chế chính sách, bổ sung quy hoạch điện gió, điện mặt trời phù hợp với điều kiện của tỉnh, đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên biển, đảo; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, tỉnh tăng cường xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; bảo đảm xử lý tốt các tình huống xảy ra không để bị động, bất ngờ; phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển...
Theo quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đảo là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu với bên ngoài, là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển, đảo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Gia Linh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ca-mau-phan-dau-phat-trien-kinh-te-bien-ben-vung-164150.html