Cà Mau ra 'tối hậu thư' cho việc giải ngân vốn đầu tư công

Cà Mau ra 'tối hậu thư' cho việc giải ngân vốn đầu tư công
4 giờ trướcBài gốc
Giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều dự án còn chậm
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến ngày 30/6, địa phương đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng, bằng 29,2% kế hoạch. Kế hoạch đầu tư công năm 2024 chuyển sang giải ngân hơn 50,4 tỷ đồng/203,085 tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch.
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (bìa phải) kiểm tra tiến độ của dự án.
Năm 2025, Cà Mau có 15 danh mục dự án (DA) sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý được xác định là DA trọng điểm; trong đó, 6 DA phục vụ chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVII và 9 DA trọng điểm khác đang triển khai đầu tư với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng.
Thống kê của Sở Tài chính cho thấy, nhiều DA có vốn đầu tư lớn nhưng tiến độ giải ngân rất ít. Năm năm qua, tỉnh bố trí vốn cho DA Bệnh viện Đa khoa quy mô 1.200 giường ở Cà Mau hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm hơn 35% kế hoạch vốn của tỉnh nhưng đến ngày 2/6 chỉ giải ngân 12% kế hoạch. Tương tự, DA tuyến U Minh - Khánh Hội giải ngân đạt hơn 20% kế hoạch vốn; 3 DA sử dụng vốn nước ngoài được bố trí kế hoạch vốn năm 2025 hơn 242 tỷ đồng, song cũng chưa giải ngân được.
Đối với kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 (bao gồm năm 2024 chuyển sang), tỉnh đã bố trí hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đến ngày 30/6, đã giải ngân hơn 360 tỷ đồng, bằng 45,7% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 340 tỷ đồng, bằng 54,6% kế hoạch, vốn sự nghiệp 26,2 tỷ đồng, bằng 14,7% kế hoạch (vốn ngân sách trung ương).
Nhiều nguyên nhân khách quan
Giải thích vì sao giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cho rằng, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay dẫn đến giá vật liệu xây dựng trong tỉnh tăng khoảng 30 - 40%, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các DA.
Bên cạnh đó, địa phương phải ưu tiên cho các DA trọng điểm của Trung ương, dẫn đến nguồn cung vật liệu xây dựng trên thị trường cho các công trình dân dụng bị thiếu, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công.
Hiện một số DA lớn, quan trọng của tỉnh tiến độ thực hiện còn chậm, Sở Xây dựng xác định do tiến độ thực hiện chậm, vướng công tác giải phóng mặt bằng và vướng thủ tục đầu tư do đang thực hiện điều chỉnh, như: DA đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh; DA đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc Tỉnh ủy Cà Mau; DA đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường U Minh - Khánh Hội; DA xây dựng tuyến đường từ đường trục chính Đông - Tây đến chợ Chà Là, huyện Đầm Dơi; DA đầu tư xây dựng Khu tái định cư khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời; DA nâng cấp, mở rộng tuyến đường về trung tâm xã Hàng Vịnh (ngã tư Vòng Xoay đến Vàm Xáng Cái Ngay), huyện Năm Căn; …
Một góc TP Cà Mau nay là phường Tân Thành.
Ngoài ra, nhiều DA khởi công mới có kế hoạch vốn lớn đang triển khai thủ tục để đủ điều kiện khởi công như: DA "Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau"; DA xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu 5 từ cửa sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp, tỉnh Cà Mau; DA cấp nước sạch nông thôn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025...
DA đầu tư xây dựng các cầu trên tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi; DA đầu tư xây dựng cầu Cả Bẹ, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi; DA đầu tư xây dựng các cầu (Xẻo Lớn, Ông Do, Cái Trăng, Kênh Lò, Chệt Còm, Lương Thực) trên tuyến đường ô tô đến trung tâm xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn; DA đầu tư xây dựng cầu kết nối Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau (cầu Nguyễn Đình Chiểu); …
Sở Tài chính tỉnh cho biết thêm, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh vừa được bổ sung thêm nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách tỉnh năm 2024 hơn 524 tỷ đồng. Một số DA được bổ sung thêm kế hoạch vốn khoảng 479 tỷ đồng từ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các DA chậm tiến độ và từ dự phòng chưa phân bổ chi tiết, nên chưa thể giải ngân ngay...
Lấy tiêu chí giải ngân để đánh giá năng lực cán bộ
Ông Dư Minh Hùng cho biết, để khắc phục một phần chậm giải ngân vốn đầu tư công, Sở thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng, song thực tế chủng loại vật liệu được công bố cũng không đầy đủ, nhất là đối với các vật liệu xây dựng sử dụng trong công trình giao thông. Bởi có những công trình lấy nguồn vật liệu trực tiếp từ các mỏ ngoài tỉnh, không qua một đơn vị cung cấp trên địa bàn tỉnh, nên không thể chủ động công bố giá loại vật liệu đó theo quy định.
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Kết quả ghi nhận tuy có cao hơn cùng kỳ, song vẫn chưa đạt theo kế hoạch của tỉnh đề ra, nhất là giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhiều công trình ở Cà Mau chậm tiến độ do khan hiếm vật liệu xây dựng.
"Trước thực tế trên, nhằm đảm bảo giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt 100% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, phát huy hiệu quả kế hoạch vốn được phân bổ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tỉnh năm 2025 đạt trên 8%, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư cần xây dựng tiến độ thực hiện của từng dự án, nội dung chi cụ thể theo từng chủ đầu tư để làm cơ sở phấn đấu thực hiện.
Kịp thời có giải pháp đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và điều chỉnh kế hoạch vốn khi cần thiết, nhằm tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Tỉnh lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ đánh giá năng lực cán bộ. Cuối năm 2025, chủ đầu tư nào không giải ngân đạt 80% sẽ bị kỷ luật", ông Bi nói.
UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các đơn vị cần quyết liệt, chủ động xử lý, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư công; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ phận chuyên môn thuộc đơn vị. Đồng thời, xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư các DA.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương, các chủ đầu tư... nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, chủ động xử lý, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư công.
Thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ phận chuyên môn thuộc đơn vị, đảm bảo không để gián đoạn do thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, quyết liệt đảm bảo tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt 100% như kế hoạch đã đề ra.
Đào Văn
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/ca-mau-ra-toi-hau-thu-cho-viec-giai-ngan-von-dau-tu-cong-192250708120502646.htm