Cà Mau tăng kết nối đào tạo nghề và doanh nghiệp

Cà Mau tăng kết nối đào tạo nghề và doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Kết nối doanh nghiệp, mở rộng việc làm
Năm học vừa qua, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau có trên 1.240 học sinh, sinh viên (SV), với 37 lớp học ở 7 ngành, nghề đào tạo. Trong năm học 2025-2026 tới, dự kiến trường tuyển sinh trên 500 chỉ tiêu. Đối với các ngành đang đào tạo, ngoài lượng kiến thức thì khoa học - kỹ thuật truyền đạt cho SV được cập nhật mới từng năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Hai trong số những ngành thu hút đông SV theo học tại trường là ngành Chế biến và bảo quản thủy sản, ngành Công nghệ thông tin. Nhằm giúp SV có đủ trình độ, tay nghề đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động, nhà trường liên tục cập nhật chương trình đào tạo nghề theo thị trường.
Bạn Biện Hồng Nhạn, SV năm 2, lớp Chế biến thủy sản, chia sẻ: “Em thấy ngành Chế biến và bảo quản thủy sản có cơ hội việc làm rất cao, vì tỉnh Cà Mau đang phát triển mạnh ngành kinh tế này”.
Bạn Biện Hồng Nhạn, SV năm 2, lớp Chế biến thủy sản (Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau) trong một tiết thực hành.
Bạn Quách Chí Đại, SV vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, cho biết: “Em vừa ra trường cách đây không lâu, hiện em đang làm Bí thư Chi đoàn và là thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng, kiêm Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự Khóm 2, phường An Xuyên. Với nhiệm vụ hỗ trợ người dân tích hợp định danh điện tử, cài app trên điện thoại, sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin, em thấy ngành học của mình rất thiết thực, ứng dụng cao trong công việc hiện tại”.
Hiện nay, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau đã ký kết hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài. Học sinh, SV sau khi tốt nghiệp hầu hết có việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn (tỷ lệ khoảng 90%).
Ông Trương Thanh Dũng, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Đào tạo phải gắn với việc làm. Ngoài công tác giảng dạy, nhà trường còn kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, để khi các em tốt nghiệp, trường sẽ giới thiệu các em đến với họ. Cho nên, chương trình dạy càng sát thực tế thì cơ hội việc làm cho học sinh, SV sau khi ra trường càng cao; doanh nghiệp, xã hội cũng vì thế mà tin tưởng hơn. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho cả học sinh, SV lẫn nhà trường”.
Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau chú trọng đào tạo nghề sát thực tế và gắn với thị trường lao động.
Giáo dục nghề nghiệp thích ứng thị trường lao động
Liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh năm 2025, với một số mục tiêu cụ thể như: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng nghề bình quân hằng năm cho 28.000 người, trong đó đào tạo nghề có trình độ sơ cấp trở lên cho 12.000 người; thu hút 28% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 65%;... Tổng kinh phí thực hiện trên 28 tỷ đồng. Để đạt các mục tiêu này, kế hoạch đề ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó tập trung đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động hiện nay.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động trong tỉnh tham gia.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Thị trường lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay rất đa dạng và phong phú, đơn vị sử dụng lao động ngày càng tăng, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều. Đặc biệt, Cà Mau đang vận hành lại một số khu công nghiệp, có các nhà đầu tư nước ngoài đến địa phương triển khai dự án, nên quy mô tuyển sinh ngày càng tăng. Trung tâm cũng đang khai thác các thị trường ngoài nước, trong đó thế mạnh của lao động Cà Mau là đi lao động ở thị trường Nhật Bản”.
Thực tế cho thấy, việc đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội là hướng đào tạo hiệu quả, qua đó tăng cơ hội việc làm cho học sinh, SV. Vì vậy, các đơn vị GDNN trong tỉnh đang tiếp tục chủ động tiếp cận doanh nghiệp, góp phần đưa mối quan hệ doanh nghiệp và cơ sở đào tạo từng bước chuyên nghiệp hóa. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học sinh, SV thích ứng nhanh với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp./.
Trúc Linh - Chí Linh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/ca-mau-tang-ket-noi-dao-tao-nghe-va-doanh-nghiep-a120743.html