Tỉnh Cà Mau có thế mạnh về khai thác, nuôi trồng và chế biển thủy hải sản. Trong đó, sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm.
Ngoài tôm, cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, nổi bật với vị ngon, ngọt, chắc thịt đặc trưng, khó có nơi nào sánh bằng. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao.
Tôm và cua là hai sản phẩm thủy sản chủ lực của Cà Mau
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của tỉnh Cà Mau vẫn còn những hạn chế như: Xuất khẩu tôm – mặt hàng chủ lực những tháng đầu năm 2024 rất khó khăn, giá bán giảm khoảng 8%; các sản phẩm đặc sản, OCOP tiêu biểu của tỉnh bị hạn chế bởi quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm chưa ổn định về nguồn cung. Nhìn chung, các sản phẩm nông thủy sản Cà Mau đang khó mở rộng thị trường và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các kênh phân phối lớn.
Ông Sử mong muốn các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường; phương thức mua/bán, các điều kiện phải đảm bảo trong quá trình hợp tác kinh doanh…
Những Tham tán thương mại ở nước ngoài đã đưa ra những khuyến nghị hữu ích trong hội nghị
Tại hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024, nhiều đại biểu, trong đó có các Tham tán thương mại ở các nước Singabore; Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,… đánh giá cao các sản phẩm nông thủy sản đặc trưng của Cà Mau là tôm, cua và lưu ý các doanh nghiệp về những vấn đề: minh bạch trong kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ bí mật kinh doanh và đặc biệt là việc liên kết cùng phát triển, các doanh nghiệp cần tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, tự gây ra khó khăn cho mình.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL